Tác phẩm tham gia "Giải Búa liềm vàng 2017"

Dấu ấn nông thôn mới Hòa Vang-Bài 1: Chủ trương của Đảng, khát vọng của dân

.

Hòa Vang là cái nôi cách mạng, huyện nông nghiệp duy nhất của Đà Nẵng. Trong chủ trương xây dựng nông thôn mới, nhiều chính sách đặc thù được triển khai để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hòa Vang cùng với thành phố quyết tâm làm bừng sáng diện mạo nông thôn. 

Mô hình trồng hoa lan của anh Nguyễn Xuân Hùng mang lại thu nhập mỗi năm hơn nửa tỷ đồng.
Mô hình trồng hoa lan của anh Nguyễn Xuân Hùng mang lại thu nhập mỗi năm hơn nửa tỷ đồng.

Chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM) từ Trung ương đã rõ, nhưng phải bắt đầu từ đâu và bằng giải pháp nào để nông thôn Hòa Vang thực sự thay đổi, hệ thống chính trị và người nông dân thấy được trách nhiệm của mình, càng không thể khoanh tay đứng ngoài sự nghiệp chung là điều quan trọng.

Để tạo sự khởi đầu thuận lợi và nhất quán, ngày 19-3-2012, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh ký ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn thành phố” với mục tiêu huy động tổng lực toàn thành phố chung tay giúp Hòa Vang về đích sớm trong xây dựng NTM.

Toàn thành phố cùng vào cuộc

Giai đoạn 2010-2011, huyện Hòa Vang đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức mà Đảng bộ, chính quyền địa phương không thể tự thân giải quyết. Đó là quyết tâm chính trị, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ chủ chốt về xây dựng NTM chưa cao, bộc lộ lúng túng do chưa hiểu hết tầm quan trọng và ý nghĩa của xây dựng NTM.

Tiềm năng, lợi thế của huyện thuần nông, diện tích đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp rộng lớn nhưng chưa xác định rõ để có định hướng, giải pháp khai thác. Công tác tuyên truyền chưa sâu rộng nên tư tưởng trông chờ, ỷ lại vẫn còn phổ biến do nhìn nhận NTM là chương trình của Nhà nước nên cứ để Nhà nước đầu tư.

Bên cạnh đó, cách đặt vấn đề và giải quyết các vướng mắc trong thực hiện chương trình NTM chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ. Về đời sống, thu nhập bình quân của người dân mới chỉ đạt 15 triệu đồng/người/năm. 113/118 thôn chưa có nhà văn hóa đạt chuẩn. Hệ thống kênh mương thủy lợi hầu hết xuống cấp. Hệ thống trường học xuống cấp, có nơi tạm bợ.

Rất ít bác sĩ làm việc ở các trạm y tế xã. Năng suất lúa thấp do dịch bệnh, thiên tai, có thời điểm mất mùa. Hộ nghèo chiếm gần 19% và chỉ có 43% người dân Hòa Vang được dùng nước sạch. Do vậy, Hòa Vang đạt rất ít tiêu chí so với 19 tiêu chí NTM theo quy định của Trung ương. Trong bối cảnh như thế, Chỉ thị 18-CT/TU ra đời cuối năm 2012 như một kim chỉ nam giúp Hòa Vang bật dậy để phát triển.

Nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ khẳng định, Chỉ thị 18-CT/TU xuất phát từ sự coi trọng đúng mức nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Đảng bộ, chính quyền thành phố nhằm giải quyết những khó khăn vướng mắc, giúp vùng nông thôn của Đà Nẵng bắt kịp với tốc độ phát triển đô thị.

“Chỉ thị không chỉ mang tính kịp thời mà còn có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra nhiều chính sách đột phá để toàn thành phố cùng chung tay xây dựng NTM tại huyện Hòa Vang, tạo cơ chế thông thoáng để huy động sự đóng góp của toàn xã hội vào sự nghiệp xây dựng NTM”, ông Trần Thọ chia sẻ.

Từ sự chỉ đạo xuyên suốt của Thành ủy, các cấp, các ngành, các cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang thành phố đã phát động nhiều phong trào hướng về nông thôn Hòa Vang, xem đó là tình cảm, trách nhiệm với vùng đất chịu nhiều gian khổ nhưng luôn kiên cường, vững bước tiến về phía trước.

Thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU, Ban Thường vụ Thành ủy phân công Phó Bí thư Thường trực Thành ủy trực tiếp chỉ đạo thực hiện nội dung chỉ thị. UBND thành phố phân công một Phó Chủ tịch làm Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM của thành phố. Thành phố yêu cầu tất cả các sở, ngành cùng vào cuộc.

Cụ thể, các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, bố trí cân đối ngân sách địa phương, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực xây dựng NTM, tránh giải pháp tình thế. Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch triển khai công tác quy hoạch và xây dựng các công trình NTM. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng các thiết chế văn hóa, đời sống văn hóa ở nông thôn. Sở Giáo dục và Đào tạo ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất trường lớp đạt chuẩn.

Sở Y tế nâng cao chất lượng y tế cộng đồng vùng nông thôn. Sở Công thương chú trọng phát triển hệ thống chợ nông thôn. Sở Giao thông vận tải đầu tư đường giao thông nông thôn. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phát huy thành tích xóa đói giảm nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Công ty CP Môi trường đô thị thu gom rác thải.

Sở Khoa học và Công nghệ có giải pháp thực hiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Sở Nội vụ giúp Hòa Vang xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đạt chuẩn. Các cơ quan, đơn vị, địa phương và đoàn thể của thành phố giúp sức cùng Hòa Vang.

Thành ủy chỉ đạo các đơn vị phải đăng ký thời gian cụ thể, công việc cụ thể, có giao ước cam kết giữa các sở, ngành và huyện Hòa Vang. Công tác quy hoạch ở 11 xã nhanh chóng được triển khai. Cùng với đó, huyện Hòa Vang xác định rõ hơn các tiêu chí phải hoàn thành theo lộ trình và giao nhiệm vụ cụ thể để 11 xã phấn đấu thực hiện sớm, bảo đảm chất lượng.

Suốt 4 năm, từ năm 2012 đến 2015, Hòa Vang được ví như một đại công trường ở nông thôn với hàng trăm công trình ngày đêm hối hả thi công. 11 xã từ đồng bằng đến miền núi luôn sôi sục khí thế thi đua sôi nổi, không một ai có thể đứng ngoài cuộc.

Trong khí thế hối hả đó, người dân Hòa Vang luôn giữ vai trò chủ thể tích cực trong lao động, sản xuất và hưởng ứng các phong trào thi đua. Tiên phong là phong trào hiến đất mở đường, góp công, góp của xây dựng NTM tại thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước như tiếng trống hội đầu tiên với hệ thống giao thông được đầu tư, nâng cấp, mở rộng.

Nhiều công trình, thiết chế văn hóa, chợ, sân vận động, trường học, kiên cố hóa hệ thống kênh mương nội đồng… được thực hiện. Phong trào bảo vệ làng xóm bình yên, “không để tội phạm có đất sống” ở vùng nông thôn triển khai hiệu quả…

Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường cho biết, dưới sự chỉ đạo đồng bộ của Đảng bộ, chính quyền huyện và sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của thành phố, công tác quy hoạch hạ tầng và hoàn thiện các tiêu chí theo quy định của Trung ương được tiến hành với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm và được sự giám sát chặt chẽ của hệ thống chính trị.

Bên cạnh việc quán triệt, chỉ đạo tại các hội nghị và cuộc họp, Thường trực Thành ủy và UBND thành phố thường xuyên cùng lãnh đạo huyện có nhiều chuyến kiểm tra thực tế ở cơ sở để kịp thời nắm tình hình, đôn đốc triển khai thực hiện rộng khắp trên địa bàn 11 xã.

Vì vậy, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được khắc phục sớm, mang lại hiệu quả thiết thực. Đó là hàng chục chiếc cầu dân sinh được đầu tư xây dựng tại 11 xã. Đặc biệt là cầu Trường Định (xã Hòa Liên) và cầu Phò Nam (xã Hòa Bắc) đã giải quyết sự chia cắt đôi bờ sông Cu Đê, nhất là vào mùa lũ. Cùng với đó, hàng chục trường tiểu học, THCS và THPT tại huyện Hòa Vang được xây dựng mới, góp phần kiên cố hóa hệ thống trường lớp.

Về sản xuất, chủ trương dồn điền đổi thửa đã được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Nhờ đó, giúp Hòa Vang có những cách đồng mẫu lớn để thực hiện quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất các loại nông sản có giá trị cao hơn so với trồng lúa. Theo Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Thương, nhiều hoạt động chuyên đề xây dựng NTM đã tạo ra một phong trào lan tỏa khắp địa bàn; tất cả thể hiện quyết tâm cao nhất để biến đổi diện mạo nông thôn Hòa Vang khang trang, hiện đại hơn.

Với vai trò cầu nối, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Phạm Quý cho biết, qua công tác dân vận khéo, hầu hết cán bộ, đảng viên, Mặt trận và các đoàn thể của thành phố đã nhận thức rõ về tinh thần chỉ đạo của Thành ủy và có nhiều việc làm thiết thực nhất để cùng Hòa Vang thay đổi diện mạo NTM.

Kết quả là hơn 120 tỷ đồng được các cơ quan, địa phương ủng hộ thông qua Ban Dân vận Thành ủy để kịp thời chuyển về Hòa Vang xây dựng các công trình, phát triển các mô hình sản xuất mới hiệu quả và góp phần giảm nhanh hộ nghèo, tăng hộ khá, bảo đảm an sinh xã hội.

Nếp nghĩ mới, cách làm mới

Điều đáng ghi nhận là Đảng bộ và chính quyền huyện Hòa Vang đã biết phát huy nội lực và tranh thủ sự chung tay giúp đỡ từ bên ngoài để phát triển đúng định hướng theo chương trình NTM, nhất là hiện thực hóa Chỉ thị số 18-CT/TU vào cuộc sống, đến từng thôn, xóm.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hòa Tiến Trần Đình Nhơn cho biết, việc huy động nhân dân đóng góp xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn rất thuận lợi. Cùng với đó, công tác vận động người dân thực hiện các phong trào theo chương trình NTM đi vào thực chất do cấp ủy, chính quyền địa phương công khai, minh bạch tất cả các chủ trương kêu gọi sức dân đóng góp và các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài.

Trong khi đó, đối với xã miền núi còn khó khăn như Hòa Phú, song song với nhiệm vụ  hoàn thành các tiêu chí NTM, xã rà soát và có các giải pháp để thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp vườn, đồi hiệu quả để nâng cao tiêu chí thu nhập, nhất là vùng đồng bào dân tộc Cơtu sinh sống.

“Trong quá trình xây dựng NTM, lực lượng quân đội của thành phố nhiều lần tham gia giúp dân làm đường bê-tông nông thôn. Các tổ chức, doanh nghiệp tặng sinh kế để người dân tự lực vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Đây là những việc làm rất ý nghĩa để địa phương có thêm động lực hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM”, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú Nguyễn Ngọc Hải chia sẻ.

Có thể thấy, chính bà con nông dân là chủ thể và cũng là người hưởng lợi từ NTM nên họ ngày càng phấn khởi khi đời sống tốt hơn trước. Với 178 hộ dân thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước, đến bây giờ họ vẫn luôn tự hào khi nhớ lại việc toàn thôn tưng bừng khí thế hiến đất mở đường, đi đầu trong hưởng ứng xây dựng NTM ở Hòa Vang vào đầu năm 2012.

Trưởng thôn Trà Kiểm Nguyễn Thanh Quý vui mừng chia sẻ: “Nhờ bà con hiến đất, góp công mà bây giờ đường sá rộng rãi hơn, trường học cho con em địa phương cũng được xây dựng khang trang, kinh tế hộ gia đình khá giả, thu nhập cao nên người dân Trà Kiểm ai cũng thấy phấn khởi”.  

Đối với ông Nguyễn Văn Thanh, người dân thôn Phú Hòa, xã Hòa Nhơn, cái lợi lớn nhất của chương trình NTM là bản thân ông được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn thực hiện các mô hình làm kinh tế mang lại thu nhập cho gia đình và là người may mắn được cử đi Hàn Quốc học tập kinh nghiệm làm nông nghiệp.

“Tôi thấy trước kia đường từ xã đến từng thôn nhỏ hẹp, chở lúa về tới nhà rất khó khăn, nay có thể vận chuyển bằng ô-tô rất thuận tiện. Trạm y tế, trường học, nhà văn hóa thôn được quan tâm đầu tư bài bản. Hệ thống kênh mương nội đồng khá kiên cố, người dân không còn nỗi lo thiếu nước tưới vào mùa khô do thủy lợi xuống cấp”, ông Thanh bộc bạch.

Tại xã Hòa Phú, nhờ cần cù với mô hình trồng keo, nuôi cá, nhiều hộ gia đình đã ổn định cuộc sống. Lão nông Lê Cổ (thôn An Châu, xã Hòa Phú) phấn khởi cho biết, kinh tế gia đình ông giờ đã ổn định với thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm từ hai ao cá và trồng rừng.

Đây là điều mà ông và các con trong gia đình mơ ước bấy lâu. Còn chị Lê Thị Cẩm (thôn An Trạch, xã Hòa Tiến) chia sẻ, từ sự phát triển của HTX nấm Hòa Tiến, nơi chị tham gia sản xuất, kinh tế gia đình thay đổi theo hướng tích cực. Con cái có điều kiện học tập, đời sống của những người làm nông nghiệp như chị thoát khỏi cực nhọc so với trước.

Đến nay, đa số người dân Hòa Vang đều hưởng ứng thực hiện tiêu chí bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm, mất mỹ quan. Cùng với đó, nhờ xây dựng NTM mà cuối năm 2015, tỷ lệ người dân Hòa Vang có thẻ bảo hiểm y tế đạt 94%...

Ngoài ra, từ phát huy nội lực và nguồn vốn đầu tư bên ngoài, kết cấu hạ tầng nông thôn của huyện Hòa Vang được đầu tư mạnh và từng bước đồng bộ theo hướng đô thị. Điểm nhấn là hệ thống giao thông, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa, điện, nước sạch, nhà ở… được đầu tư bài bản.

Năm 2013, chỉ 1 năm sau khi triển khai Chỉ thị 18-CT/TU, Hòa Tiến và Hòa Châu là 2 xã đầu tiên của huyện Hòa Vang về đích xây dựng NTM sau khi hoàn thành 19/19 tiêu chí. Sau đó, các xã: Hòa Phước, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Nhơn, Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Ninh được công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Hòa Bắc với đặc thù là xã miền núi còn nhiều khó khăn, có đồng bào dân tộc Cơtu sinh sống nên được huyện Hòa Vang quan tâm đầu tư đúng mức để bộ mặt nông thôn sớm thay da, đổi thịt. Đây cũng là xã cuối cùng được công nhận hoàn thành NTM và như vậy, thành phố Đà Nẵng hoàn thành chương trình xây dựng NTM sớm 5 năm so với lộ trình cả nước.

Ngày 31-12-2015 đánh dấu cột mốc quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển của huyện Hòa Vang khi Chính phủ ban hành Quyết định số 2513/QĐ-TTg công nhận huyện Hòa Vang đạt chuẩn huyện NTM. Hòa Vang là một trong 41 đơn vị cấp huyện trong cả nước được Thủ tướng tặng Cờ thi đua hoàn thành xuất sắc phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Bài và ảnh: Việt Dũng-Quốc Khải

;
.
.
.
.
.