20 năm, hàng trăm đứa trẻ sinh ra từ vùng dự án Làng đại học (LĐH) đã trưởng thành và ly hương. Trong vùng dự án, những mái nhà cũ kỹ, những con đường lầy lội khiến cuộc sống của người dân khó khăn và thiệt thòi hơn hẳn xung quanh. Hàng ngàn người dân vẫn ngóng chờ và hy vọng về một LĐH ở phía xa…
Người dân nằm trong vùng dự án quy hoạch Làng đại học tranh thủ trồng rau kiếm sống qua ngày chờ được đền bù, giải tỏa. |
Nhìn con đường lầy lội, ông Phạm Công Sim (61 tuổi, khu vực Tứ Hà, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) thở dài: “Vì nằm trong vùng dự án nên đường sá rứa đó, không được đầu tư sửa chữa gì. Hàng chục năm nay, trẻ con đi học cứ bị trượt ngã suốt, mùa nắng còn đỡ, mùa mưa học sinh phải chấp nhận mang quần áo dính đầy bùn đất vào lớp”.
Ông Sim chỉ vào căn nhà cấp 4 của mình và bảo: “Căn nhà của tôi xây dựng hơn 30 năm rồi, xuống cấp quá mà không được sửa chữa lớn, nên mùa nắng thì nóng như thiêu còn mùa mưa thì dột tùm lum. Khổ lắm!”. Khổ, nên các con ông tìm đường đi làm ăn xa, còn hai vợ chồng già ở nhà, tranh thủ trồng thêm ít luống rau, giàn mướp kiếm tiền sinh sống qua ngày, chờ dự án hoàn thành.
Mua đất và làm nhà ở vùng quy hoạch LĐH, lại mua bằng giấy viết tay nên chị Ngô Thị Thu (47 tuổi, ở khu vực Tứ Hà, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) và cả gia đình phải đối mặt với nhiều nỗi lo mỗi ngày.
Chị Thu cho biết, do không được đăng ký tạm trú tạm vắng nên chị phải gửi đứa con lớn ở nhà ngoại để đi học lớp 11. Con nhỏ phải gửi nhờ hộ khẩu của người quen để được đi học. Không chỉ vậy, hàng chục năm nay, chị và nhiều hộ dân khác vẫn phải câu nhờ điện để sử dụng. Điện lưới phập phù, lúc có lúc không, dễ gây cháy nổ.
Chỉ vào mấy căn nhà xung quanh bị đập nham nhở, còn trơ gạch đá, chị Thu cho biết: “Mấy nhà xung quanh bị đập hết rồi, chỉ còn nhà tôi may mắn chưa bị đập. Khổ mới phải vào đây mua nhà cho rẻ, mà toàn mua bằng giấy viết tay nên giờ tôi chấp nhận với tâm thế cứ sống trong cái nhà này được ngày nào hay ngày ấy, khi chính quyền xuống đập thì chấp nhận mất trắng!”.
Phường Điện Ngọc hiện có 190ha đất nằm trong số 300ha của dự án LĐH. Hơn 20 năm qua, 500 hộ dân với 2.500 nhân khẩu nơi đây phải sống trong cảnh quy hoạch treo. Ngần ấy thời gian, dự án trải qua 5 đời chủ tịch phường mà vẫn vướng phải những khó khăn như hiện tại. Theo đại diện một lãnh đạo ở đây cho biết, đó không chỉ là nỗi lo lắng về tệ nạn xã hội, xây nhà trái phép mà còn là sự an toàn cho người dân khi sống trong nhà tạm vào những mùa mưa bão.
Những căn nhà xây dựng trái phép bị tháo dỡ trong Làng đại học. |
Chỉ cách đó một con đường là hàng trăm hộ dân ở phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cũng đang trong tình trạng đi cũng dở, ở không xong. Nhà ông Lê Hùng (55 tuổi, phường Hòa Quý) được xây dựng tạm hơn 20 năm nay giờ đã xuống cấp nghiêm trọng.
“Chúng tôi chỉ gia cố tạm thôi chứ đâu dám sửa chữa lớn, vì sợ chính quyền vào lập biên bản. Đại gia đình có gần chục người nhưng không sống được trong cảnh này nên tụi nhỏ bỏ làng đi làm ăn xa hết”, ông Hùng nói. Thanh niên đi làm ăn xa nhiều, làng toàn người già nên sự cằn cỗi, hoang tàn lại càng hằn lên rõ nét ở nơi đây.
Khi được hỏi về dự án LĐH, bà Nguyễn Thị Mận (50 tuổi, phường Hòa Quý) thở dài: “Dự án bắt đầu khi tôi sinh mấy đứa nhỏ mà giờ đứa nào cũng trưởng thành, lập gia đình mà vẫn chưa thấy rục rịch chi hết”. Bà Mận kể mỗi khi mùa mưa đến, cả gia đình bà phải dắt díu nhau đi tránh bão vì sợ… nhà sập. Cuộc sống của vợ chồng bà hiện rất khó khăn vì chỉ trông vào mấy sào ruộng, các con cũng nghèo nên nhiều lúc ưng bán đất lấy tiền cho con nhưng đất trong vùng dự án, chính quyền không cho tách thửa, cấp sổ đỏ nên không ai dám mua. Trong khi đó, cách nhà bà không xa, ở ngoài vùng dự án, người dân vẫn bán được đất với giá khá cao.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Kim, Chủ tịch UBND phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cho biết, khoảng 6 tổ dân phố, gần 500 hộ dân tập trung khu vực Hải An và Hải An 1 nằm trong quy hoạch của dự án LĐH. Hàng chục năm qua, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn vì đường sá xuống cấp nhưng không thể đầu tư xây dựng, nhà cửa của người dân không được cơi nới, nhiều hộ đông nhân khẩu vẫn không thể chia tách. Ngoài ra, người dân còn đối diện với nỗi khổ khi điện chưa bảo đảm và nước sinh hoạt chưa có.
Nhà cửa xuống cấp, đường sá lầy lội không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của những hộ gia đình nằm trong vùng dự án quy hoạch LĐH mà còn ảnh hưởng đến những sinh viên đang thuê trọ nơi đây. Đang phơi quần áo trước căn phòng trọ cũ kỹ, thấp tè, N. Linh, sinh viên năm 3 Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin (ĐHĐN) cho biết, cô và hàng trăm sinh viên đang học ở đây phải sống tạm trong những căn nhà xây dựng trái phép ở khu quy hoạch dự án LĐH.
“Phòng trọ ở đây ẩm thấp, điện, nước lúc có lúc không. Sinh viên trọ học ai cũng sợ mùa mưa. Khi gió mạnh, bão to thì chỉ còn cách chạy vào trường trú nhờ. Em cũng muốn ở nhà trọ rộng rãi, thoáng mát nhưng phải thuê phòng trọ cách trường khá xa, rất bất tiện nên đành chấp nhận ở tạm như thế này”, Linh nói.
Những người dân nơi đây hằng ngày vẫn nhìn vào tòa nhà đang xây dang dở của Khoa Y dược phía xa trong LĐH và chờ mong…
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ-MAI TRANG