Đột phá xây dựng chính quyền điện tử

Bài 2:Ứng dụng công nghệ thông tin thiết thực, hiệu quả

.

5 năm liền, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index). Để đạt được thành quả này, chính quyền thành phố đã không ngừng xây dựng, cải tiến, nâng cấp, bổ sung các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) dựa trên nền tảng hạ tầng CNTT đồng bộ, hiện đại.

Nhờ Hệ thống thông tin chính quyền điện tử Đà Nẵng, chị Nguyễn Viết Hạ Linh, cán bộ bộ phận “một cửa” UBND quận Hải Châu, đã nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc.
Nhờ Hệ thống thông tin chính quyền điện tử Đà Nẵng, chị Nguyễn Viết Hạ Linh, cán bộ bộ phận “một cửa” UBND quận Hải Châu, đã nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc.

Nâng cao hiệu quả điều hành

Những năm gần đây, lãnh đạo, chính quyền các cấp, lãnh đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố đều có thể dễ dàng kiểm tra, xử lý công việc bất cứ khi nào, ở đâu nhờ Hệ thống thông tin chính quyền điện tử (CQĐT) Đà Nẵng (egov.danang.gov.vn).

Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) Lê Tấn Nghĩa cho biết: “Hệ thống này giúp tôi nắm bắt kịp thời văn bản điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo hoặc các văn bản báo cáo thực hiện của công chức chuyên môn một cách nhanh chóng. Không những vậy, tôi còn có thể trực tiếp giao việc, triển khai kế hoạch cho cấp dưới và kiểm tra tiến độ công việc một cách dễ dàng nhờ phần mềm quản lý văn bản và điều hành xử lý công việc trên hệ thống”.

Trong khi đó, với chị Trương Thị Thúy Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu), việc đẩy mạnh mô hình “văn phòng không giấy”, việc số hóa, luân chuyển các văn bản, giấy tờ qua các phần mềm quản lý chuyên dụng không chỉ giúp các cơ quan Nhà nước giảm thiểu đáng kể chi phí in ấn, tiết kiệm thời gian mà còn minh bạch, công khai trong xử lý công việc, tăng cường trách nhiệm và năng lực của đội ngũ CNCCVC…

Đến nay, ứng dụng Quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai cho hơn 214 đơn vị cùng tham gia sử dụng. Trong năm 2016, có khoảng 360.000 văn bản đi và 520.000 văn bản đến được quản lý, trao đổi trên ứng dụng.

Tương tự, tại Cục Hải quan thành phố, một số ứng dụng CNTT đã được sử dụng trong quản lý hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, như: hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS tại các Chi cục Hải quan trực thuộc làm thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ truyền thống, bán điện tử sang điện tử; triển khai dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; triển khai quản lý và sử dụng phần mềm quản lý điều hành qua mạng (Cloud Ofice)…

Đến nay, có trên 2.300 doanh nghiệp đã đăng ký khai báo trên hệ thống thông quan tự động, 98% số tờ khai, kim ngạch được thông quan điện tử, 100% doanh nghiệp ứng dụng chữ ký số vào thông quan hàng hóa tự động. Nhờ vậy, giảm thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa, rút ngắn đáng kể thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp.

Với Cục Thuế thành phố, ngoài việc duy trì và ổn định hệ thống mạng, đơn vị còn tập trung nâng cấp và xây dựng các ứng dụng như: hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS); hệ thống ứng dụng trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên - môi trường trong việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai; xây dựng cơ sở dữ liệu về cá nhân nộp thuế khoán, cơ sở dữ liệu về hộ, cá nhân kinh doanh…

Từ các ứng dụng này, Cục Thuế thành phố đã đẩy mạnh việc kê khai thuế qua mạng, công tác nộp thuế điện tử. Lũy kế đến cuối năm 2016, có 17.080 đơn vị đã kê khai thuế qua mạng, đạt 95%; toàn ngành có 16.383 đơn vị đang hoạt động hoàn thành đăng ký nộp thuế điện tử.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết: “Các ứng dụng CNTT của Đà Nẵng đã liên tục được xây dựng, cải tiến, tích hợp; từ quá trình tin học hóa, chuyển sang quá trình mô hình CQĐT và tiến đến xây dựng thành phố thông minh. Từ sự bảo đảm hạ tầng CNTT, Đà Nẵng đã triển khai mô hình ứng dụng CNTT thống nhất theo một kiến trúc, không làm các ứng dụng tràn lan.

Dựa trên Kiến trúc tổng thể ứng dụng CNTT và nền tảng ứng dụng CQĐT thành phố Đà Nẵng (Da Nang eGovplatform), các ứng dụng được phát triển trên một nền tảng công nghệ nhất quán, có tính mở, thuận lợi cho việc tích hợp liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng...”.

Cùng với Hệ thống thông tin CQĐT Đà Nẵng, ứng dụng “Một cửa điện tử tập trung” được triển khai cho tất cả các sở, ban, ngành và 8 quận/huyện, 56 phường/xã đã giúp minh bạch hóa hoạt động của chính quyền, góp phần chống tham nhũng, quan liêu, độc quyền.

Nhờ ứng dụng “Một cửa điện tử tập trung”, hơn 50% dịch vụ công trực tuyến trên nhiều lĩnh vực đã được triển khai, như: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép lái xe, xây dựng, kinh doanh, đầu tư, hộ tịch, y tế… Trong năm 2016, có 121.000 hồ sơ được xử lý trên phần mềm, chiếm 95% tổng số hồ sơ của bộ phận “một cửa”. Dự kiến, đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ  triển khai 100% các dịch vụ công trực tuyến.

Biểu đồ “Đánh giá chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, địa phương trên địa bàn Đà Nẵng từ năm 2012 đến năm 2016 (Yêu cầu của Bộ tiêu chí năm sau luôn cao hơn so với năm trước).
Biểu đồ “Đánh giá chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, địa phương trên địa bàn Đà Nẵng từ năm 2012 đến năm 2016 (Yêu cầu của Bộ tiêu chí năm sau luôn cao hơn so với năm trước).

Cầu nối giữa người dân và chính quyền

Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, mức độ hài lòng của người dân đã tăng lên đáng kể từ khi chất lượng các dịch vụ công được cải tiến và ứng dụng CNTT được tăng cường. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong đời sống xã hội, tạo môi trường để người dân sử dụng CNTT là một trong những động lực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là vùng nông thôn...

Không chỉ tập trung đầu tư các ứng dụng CNTT mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý Nhà nước, Đà Nẵng còn chú trọng xây dựng và triển khai các ứng dụng CNTT tương tác giữa người dân với chính quyền. Nổi bật là ứng dụng Góp ý Đà Nẵng (egov.danang.gov.vn/gop-y) - ứng dụng góp ý chuyên dụng đầu tiên trên cả nước vào thời điểm tháng 1-2016.

Ứng dụng này cho phép các tổ chức, công dân gửi ý kiến, phản ánh của mình và theo dõi, biết được kết quả xử lý của các cơ quan nhà nước liên quan (theo quy chế, trong vòng 7 ngày, cơ quan chức năng phải có phản hồi với người dân).

Trung bình mỗi tháng, Cổng Góp ý Đà Nẵng (và các kênh phụ trợ) nhận trên 600 góp ý, phản ánh của tổ chức, công dân, du khách trong và ngoài nước; bảo đảm 100% góp ý, phản ánh được xử lý, phản hồi; trong đó 99% phản ánh được xử lý, phản hồi trong hạn theo quy chế (không quá 7 ngày làm việc).

Từng phản ánh tại Cổng Góp ý, ông Trần Văn Dũng (ngụ phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) bày tỏ sự hài lòng khi thông tin góp ý được xử lý nhanh chóng:

“Bức xúc về việc trụ điện chắn ngang nhà, tôi đã gửi ý kiến của mình đến Cổng Góp ý và được chính quyền quan tâm, giải quyết ngay trong ngày. Không cần phải đến cơ quan chính quyền, nguyện vọng, tâm tư của người dân vẫn được giải quyết thỏa đáng nhờ các kênh góp ý trực tiếp qua mạng điện tử. Qua đó, khoảng cách giữa người dân và chính quyền đã nối lại gần hơn”.

Có thể nói, việc người dân truy cập vào các dịch vụ công thông qua các kênh giao tiếp mới như gọi điện thoại, tra cứu cổng thông tin điện tử và các phương tiện giao tiếp điện tử khác ngày càng trở nên phổ biến tại Đà Nẵng.

Chị Đặng Ngọc Thùy (SN 1989, ngụ quận Cẩm Lệ), kế toán tự do, cho hay: “Việc nộp thuế qua mạng vô cùng tiện lợi vì ứng dụng dễ sử dụng, không giới hạn số lần nộp, có thể nộp vào bất cứ thời gian nào mà không cần lệ thuộc vào giờ làm việc hành chính, tiết kiệm được chi phí in ấn và đi lại”.

Khắc phục những trở ngại

Tuy nhiên, việc sử dụng các ứng dụng CNTT đôi khi vẫn còn gặp trở ngại bởi nhiều nguyên nhân. Chị Nguyễn Thị Hoài Như (SN 1991, ngụ quận Hải Châu, kế toán viên) cho hay: “Các ứng dụng CNTT liên quan đến thuế chỉ thuận lợi đối với các kế toán đã có kinh nghiệm, hiểu biết về cách xử lý vấn đề khi nộp tờ khai như lỗi java, thiếu phần mềm hỗ trợ... Bên cạnh đó, trong thời điểm hạn nộp tờ khai sắp hết, nhiều cuộc gọi liên lạc đến nhà cung cấp để được hỗ trợ thường bị nghẽn”.

Không riêng công dân, một số CBCC đôi lúc vẫn lúng túng khi sử dụng các ứng dụng CNTT. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành, phần mềm “một cửa” phiên bản mới đôi lúc vẫn còn bị lỗi kỹ thuật, ảnh hưởng đến việc tiếp nhận và trả kết quả công dân; trong quá trình triển khai thực hiện phần mềm quản lý xây dựng vẫn còn vướng mắc về thành phần hồ sơ đầu vào nhiều, khổ quét giấy lớn.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Đàm Quang Hưng lại nêu cụ thể một số lỗi, như: cán bộ gõ tên mình trên Hệ thống thông tin chính quyền điện tử nhưng kết quả hiện sai thông tin; việc scan giấy tờ, thực hiện đăng ký mã số công dân gặp, gửi hồ sơ đi gặp trục trặc; gửi tin nhắn SMS không đi...

Tương tự, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Nguyễn Đắc Xứng cho hay, các phần mềm còn rời rạc, khả năng liên kết dữ liệu chưa tốt, dẫn đến việc khai thác chưa hiệu quả; một số phần mềm chuyên ngành bị lỗi nên việc vận hành chưa được thông suốt.

Nắm bắt được điều này, cùng với việc triển khai các ứng dụng thiết thực, hiệu quả, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã không ngừng nỗ lực cải tiến các ứng dụng CNTT trong quá trình vận hành để khắc phục hạn chế nhằm phát huy hiệu quả cao nhất.

Song song đó, các cán bộ chuyên trách CNTT tại các cơ quan, đơn vị luôn theo sát và kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn CBCC xử lý các lỗi phần mềm. Ngoài ra, các cơ quan, địa phương còn chú trọng đầu tư thêm các phần mềm chuyên môn riêng phù hợp với nhu cầu công việc từng nơi. Riêng Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên tổ chức khảo sát, đánh giá ứng dụng CNTT của các cơ quan, địa phương và phân tích, liệt kê chi tiết để các đơn vị kịp thời khắc phục tồn tại.

Theo kết quả đánh giá, xếp hạng ứng dụng CNTT của các cơ quan, địa phương trên địa bàn thành phố năm 2016 của Sở Thông tin và Truyền thông, có 5,3% các sở, ngành, quận, huyện đạt mức tốt; 21,1% đạt mức khá; 57,9% ở mức trung bình và 15,8% ở mức yếu. Số liệu này dựa trên các yếu tố: tin học hóa hoạt động tiếp nhận và xử lý hồ sơ “một cửa”, ứng dụng Hệ thống thư điện tử thành phố, ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành, tăng cường sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số, trang thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến, phần mềm chuyên ngành.

"Hiện nay, thành phố đang vận hành Hệ thống thông tin chính quyền điện tử và bắt đầu triển khai Đề án Thành phố thông minh. Theo đó, các ứng dụng CNTT cần được áp dụng tối đa, đặc biệt là trong lĩnh vực cải cách hành chính. Thành phố tập trung tạo ra những cải cách mang tính chất mạnh mẽ, đột phá hơn trong ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý và triển khai các tiện ích đi kèm để nâng cao đáng kể chất lượng dịch vụ công, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp”

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chia sẻ trong tập sách “Thành tựu Công nghệ thông tin Đà Nẵng, 2000-2017: Nhìn lại và Chia sẻ” của Sở Thông tin và Truyền thông

Trâm Anh

;
.
.
.
.
.