Về Hòa Ninh, một trong những xã miền núi của huyện Hòa Vang, nhiều người ngỡ ngàng trước sự “thay da, đổi thịt” của một vùng quê nghèo với diện mạo mới khang trang, đường ngõ sạch đẹp, đời sống của người dân ngày càng nâng cao.
Đảng bộ xã Hòa Ninh có 155 đảng viên, sinh hoạt ở 13 chi bộ. Ngay sau thành công của Đại hội Đảng bộ xã lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã nhanh chóng xây dựng chương trình hành động, kế hoạch 5 năm nhằm thực hiện các nội dung Nghị quyết được thông qua tại Đại hội. Theo Nghị quyết này, Đảng bộ xã Hòa Ninh sẽ tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết, nêu cao vai trò quản lý Nhà nước, tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế tài nguyên, đất đai, du lịch; huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới; chăm lo phát triển văn hóa-xã hội, đồng thời giữ vững quốc phòng-an ninh. Đảng bộ xã phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm; duy trì giảm nghèo ở mức dưới 5% dân số; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực…
Ông Nguyễn Hữu Trung, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Ninh cho biết: “Với phương châm “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, gắn với thực tiễn địa phương”, Đảng bộ xã luôn bám sát các mục tiêu kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trực tiếp là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ X đề ra. Để nghị quyết của Đảng thực sự đi vào lòng dân thì phải làm cho người dân thấy được hiệu quả của nghị quyết. Vì vậy, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã chỉ đạo các chi bộ quán triệt kết quả đại hội, nghị quyết và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đến tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đó, các chi bộ căn cứ nghị quyết cũng như tình hình thực tế của chi bộ và nhiệm vụ chính trị được giao để lập chương trình công tác”.
Trên cơ sở những mục tiêu của nghị quyết, Đảng bộ xã Hòa Ninh đã chỉ đạo các cấp, ngành và chi bộ cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; thực hiện tốt các chương trình chuyển giao khoa học-kỹ thuật và ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, nhất là đưa các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng, có giá trị kinh tế cao như: cây mít ghép, bưởi, dừa xiêm… vào trồng trọt để nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, phát triển chăn nuôi hộ gia đình theo hướng tập trung, chuyên nghiệp, tổ chức nhân rộng một số mô hình chăn nuôi mới, có hiệu quả kinh tế cao, như: nuôi gà thả vườn, bồ câu nhốt, thỏ, nhím, heo rừng…
Nhờ sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, người dân nơi đây dần thay đổi nhận thức trong phát triển kinh tế gắn với thực tế tại địa phương. Ông Đặng Văn Nhân (thôn Đông Sơn) phấn khởi cho biết: “Sau khi được chính quyền địa phương hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, gia đình tôi đã chặt bỏ cây keo lá tràm để trồng bưởi. Việc trồng bưởi đã thực sự cho thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng keo. Hiện với 1,5ha trồng bưởi, mỗi năm gia đình tôi thu về cả trăm triệu đồng, hơn nữa chúng tôi cũng không phải lo đầu ra cho loại trái cây này”. Còn theo bà Lê Thị Ái (thôn An Sơn), từ khi có khu du lịch Bà Nà cũng như đường sá được đầu tư nâng cấp thì “bộ mặt” của xã đã thực sự “lột xác”. Giờ đây, người dân thôn An Sơn không cần phải đi rừng kiếm sống, mà ai nấy đều biết kinh doanh, buôn bán phục vụ du khách khi ghé thăm khu du lịch Bà Nà.
Ông Ngô Văn Liêm, cán bộ văn phòng của xã Hòa Ninh cho biết, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện tốt nhất cho người dân mở rộng kinh doanh, buôn bán dọc tuyến đường ĐT 602 và các khu dân cư để phục vụ du khách ghi đến thăm khu du lịch Bà Nà. “Trước đây, cả xã chỉ có vài chục hộ kinh doanh, buôn bán, nhưng đến nay, toàn xã có gần 200 hộ kinh doanh, 6 công ty, xí nghiệp hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Đơn cử, tại thôn An Sơn, dọc theo tuyến đường ĐT 602, có hơn trăm hộ làm dịch vụ du lịch trực tiếp như bán đồ lưu niệm, quán ăn, nhà hàng, chở khách… và xu hướng tiếp tục phát triển thêm nhiều ngành nghề mới để phục vụ du khách đến với khu du lịch Bà Nà”, ông Liêm cho hay.
Có thể khẳng định, với phương châm “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, gắn với thực tiễn địa phương”, đến nay tốc độ tăng trưởng của xã Hòa Ninh đạt khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ hơn 210 hộ nghèo xuống còn 140 hộ nghèo trong toàn xã. Ông Lê Đức Thương, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết, nếu trước đây, giá trị sản xuất thương mại và dịch vụ của xã chỉ đạt khoảng 10 tỷ đồng/năm thì trong năm 2016, vượt lên hơn 40 tỷ đồng và phấn đấu năm 2017 sẽ đạt khoảng 50 tỷ đồng. Cũng nhờ phát triển dịch vụ nên thu nhập của người dân trong xã đã ổn định và phát triển, hiện thu nhập bình quân đầu người đạt gần 30 triệu đồng/năm.
Trọng Hùng