Các nguồn bức xạ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, nhất là ứng dụng thiết thực vào các lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng... Tuy nhiên, các nguồn bức xạ luôn tiềm ẩn sự cố như nổ nhà máy có chất phóng xạ, nguồn phóng xạ bị rò rỉ, phát tán và nguồn phóng xạ vô chủ. Vì vậy, việc diễn tập để ứng phó với sự cố bức xạ, hạt nhân luôn được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Đà Nẵng quan tâm.
Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân tại Công ty CP Thép Đà Nẵng. |
Những cuộc diễn tập chính là cơ hội để chủ cơ sở, các lực lượng chức năng chủ động ứng phó kịp thời nếu có sự cố bức xạ, hạt nhân xảy ra. Theo Sở KH&CN, ngoài đầu tư kinh phí để mua các thiết bị hiện đại xử lý sự cố, Sở KH&CN cũng lên kế hoạch trình UBND thành phố tổ chức các cuộc diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân tại các cơ sở, nhà máy có nguồn bức xạ và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố.
Giữa tháng 9 vừa qua, Sở KH&CN đã tổ chức thành công diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân tại Công ty CP Thép Đà Nẵng. Theo Sở KH&CN, kịch bản diễn tập được xây dựng dựa trên các tình huống có thật đã xảy ra trên thế giới, như vụ nguồn phóng xạ Cesi 137 vô chủ bị nấu lẫn sắt phế liệu ở Tây Ban Nha gây nhiễm phóng xạ ở khu vực nhà máy, chi phí tẩy xạ và thu hồi sản phẩm sắt thép nhiễm xạ trên thị trường châu Âu làm tiêu tốn hàng chục triệu USD; hay như tại Đài Loan, sắt thép xây dựng bị nhiễm xạ gây chiếu xạ, ảnh hưởng đến sức khỏe hàng ngàn hộ dân chung cư…
Những năm gần đây, không những trên thế giới mà tại Việt Nam cũng xảy ra nhiều sự cố mất nguồn phóng xạ, điển hình như vụ mất cắp nguồn phóng xạ Iridium Ir-192 có hoạt độ 42,45 Curie (Ci) của Công ty Apave (2014); vụ mất nguồn phóng xạ Cobalt Co-60 với hoạt độ phóng xạ khoảng 2,5mCi ở Nhà máy thép Pomina 3, Bà Rịa - Vũng Tàu (2015), mới nhất là vụ thất lạc nguồn phóng xạ Cs- 137 ở Nhà máy Xi-măng Bắc Kạn (2016) gây xôn xao trong dư luận trong thời gian dài.
Ông Ngô Hữu Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Đà Nẵng cho biết, công ty này có nguy cơ xảy ra sự cố bức xạ do các nguồn phóng xạ có thể bị lẫn trong sắt, thép nên phải bảo đảm chặt chẽ việc kiểm soát nguồn phóng xạ, nhất là việc kiểm tra, kiểm soát nguồn hàng phế liệu từ nơi nhập, thông quan để kịp thời phát hiện nguồn phóng xạ (nếu có). Ông Phú nhìn nhận, cuộc diễn tập tại công ty giúp đơn vị đúc rút nhiều kinh nghiệm cũng như chủ động phối hợp ứng phó nếu có sự cố xảy ra. Ngoài ra, công ty cũng thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn cho công nhân về cách phòng tránh, bảo đảm an toàn khi có sự cố.
Theo Sở KH&CN Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiến hành thủ tục cấp thêm 28 giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế, 9 chứng chỉ nhân viên bức xạ, 1 giấy xác nhận khai báo thiết bị X-quang; đồng thời tổ chức 1 lớp tập huấn, 1 lớp đào tạo an toàn bức xạ cho hơn 200 nhân viên bức xạ trên địa bàn nhằm phổ biến, đào tạo nghiệp vụ về an toàn bức xạ theo quy định của pháp luật.
Sở KH&CN cũng cho biết, hiện nay, Đà Nẵng có 12 nguồn với trên 28 cơ sở, thiết bị bức xạ và 12 cơ sở dùng nguồn phóng xạ. Các nguồn phóng xạ này chủ yếu được dùng vào việc sản xuất công nghiệp, y tế, giao thông như đo độ dày của giấy trong sản xuất giấy, kiểm tra chất lượng các múi hàn, đo độ chặt nền đường trong giao thông hay chẩn đoán hình ảnh trong y học, nghiên cứu đột biến giống trong nông nghiệp… Mặc dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng về phương án ứng phó sự cố, đầu tư các thiết bị tiên tiến để giảm thiểu tối đa rủi ro nếu có sự cố xảy ra, nhưng các cơ sở, nhà máy có nguồn phóng xạ không được chủ quan, cần quản lý chặt chẽ, khoa học nguồn phóng xạ. Bởi lẽ, nếu xảy ra sự cố thì không chỉ gây tổn thất về kinh tế mà còn thiệt hại cả tính mạng con người và ảnh hưởng toàn xã hội. Ngoài quản lý nguồn phóng xạ tại các cơ sở sản xuất, nguồn phóng xạ lưu động qua địa bàn Đà Nẵng cũng được các sở, ngành chuyên trách kiểm soát chặt chẽ bởi nguồn phóng xạ khi bị phát tán có loại kéo dài tới vài chục năm, việc xử lý sẽ rất vất vả và hệ lụy kéo dài.
Bài và ảnh: THANH TÌNH