Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV - 2 năm, tinh giản biên chế gần 30.000 người

.

Sáng 23-10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, thủ đô Hà Nội. Trước khi khai mạc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong 26 ngày làm việc, Quốc hội tập trung thời gian thảo luận, xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội, nhân sự. Ảnh: VGP
Trong 26 ngày làm việc, Quốc hội tập trung thời gian thảo luận, xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội, nhân sự. Ảnh: VGP

Theo đó, trong 26 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật, 12 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Ngoài ra, Quốc hội tập trung thời gian thảo luận, xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội (KT-XH), góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH hằng năm và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, Quốc hội dành thời gian xem xét, quyết định về vấn đề nhân sự.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.				   Ảnh: VGP
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh: VGP

Tham nhũng chưa được ngăn chặn và đẩy lùi như mong muốn

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ chia sẻ với những khó khăn, mất mát, gửi lời chia buồn đến các gia đình bị nạn trong bão số 10 và mưa lũ thời gian qua, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho nhiều địa phương; đồng thời đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; tinh thần chủ động, sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân trong công tác phòng, chống bão, lũ lụt, cứu hộ, cứu nạn, giải quyết hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: 9 tháng đầu năm, kinh tế nước ta tăng trưởng khá; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; sản xuất, xuất khẩu, du lịch đang tiếp tục tăng trưởng. Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện.

Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế tiếp tục có bước chuyển biến. An sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Quan hệ đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế thu được những kết quả tốt đẹp, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên, đặc biệt với các sự kiện của Năm APEC Việt Nam 2017…

“Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước, biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, giành được những kết quả tích cực, tạo tiền đề để đạt và vượt các chỉ tiêu của năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình KT-XH vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn.

Phân bổ và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn chậm. Việc xử lý những dự án đầu tư không hiệu quả, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, thất thoát kéo dài. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu.

Tình hình vi phạm pháp luật về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội và tội phạm trên nhiều lĩnh vực còn diễn biến phức tạp; còn diễn ra một số vụ phá rừng nghiêm trọng; tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn và đẩy lùi như mong muốn. Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, diễn biến thời tiết bất thường. Tất cả những vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, tác động trực tiếp đến việc hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2017 và thời gian tới rất nặng nề, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tăng cường đoàn kết, thống nhất tư tưởng và hành động, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục thực hiện thắng lợi các nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đặc biệt là các nghị quyết quan trọng vừa được Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đề ra; hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2017, tạo thế và lực cho năm 2018 và chặng đường phát triển tiếp theo”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. 					    Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Ảnh: VGP

Hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017

Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, đến nay đã giảm được 3% biên chế công chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước (30.000 người).

Tuy vậy, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh; phối hợp công tác giữa các cấp, các ngành hiệu quả chưa cao. Còn những yếu kém trong công tác cán bộ; đã phát hiện nhiều vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Tinh thần, thái độ phục vụ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Đây là vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới.

Về tình hình kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh kết quả nổi bật nhất năm 2017 là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế chuyển biến tích cực, có bước đột phá, quý sau cao hơn quý trước và trên đà hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% của cả năm 2017.

Các ngành, lĩnh vực đều có bước tăng trưởng khá, có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nông nghiệp phục hồi mạnh mẽ sau khi gặp nhiều khó khăn trong năm 2016. Công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng tăng cao, bù đắp được sự giảm sút của công nghiệp khai khoáng. Dịch vụ, du lịch phát triển vượt bậc, nhất là du lịch quốc tế đến Việt Nam. Xuất nhập khẩu tăng mạnh, vượt xa mục tiêu đã đề ra của cả năm 2017...

Dự trữ ngoại hối đạt 45 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay. Qua thực tiễn chỉ đạo điều hành 9 tháng đầu năm, việc đạt kết quả tăng trưởng khả quan cho thấy, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí.
Bên cạnh đó, an sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5%, còn khoảng 6,7 - 7,2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 13,5 triệu, bảo hiểm thất nghiệp đạt 11,4 triệu.

Đề cập nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2018 với chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,5 - 6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ tập trung nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, nhấn mạnh đến các giải pháp đầu tư công theo hướng quản lý, giám sát chặt chẽ đầu tư công; tăng cường thực hiện đấu thầu qua mạng; kiên quyết phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các vi phạm. Tập trung chấn chỉnh những bất cập, sai phạm trong các dự án đối tác công tư, nhất là các dự án BOT, BT.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV dự kiến làm việc đến ngày 24-11.

Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, thông qua hàng loạt nghị quyết quan trọng, gồm: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018; Nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành); Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông; Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Nghị quyết về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông...

Về các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến cũng có nhiều luật quan trọng như: Luật tố cáo (sửa đổi); Luật quốc phòng (sửa đổi); Luật an ninh mạng; Luật cạnh tranh (sửa đổi); Luật bảo vệ bí mật nhà nước; Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi tới Quốc hội. Báo cáo nêu rõ, chuẩn bị kỳ họp, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp 3.320 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Trong đó, 935 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các đoàn đại biểu Quốc hội; 2.385 ý kiến, kiến nghị của nhân dân qua hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp.

B.T

;
.
.
.
.
.