Mưa lũ làm 62 người chết và mất tích

.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, do ảnh hưởng mưa bão, đến thời điểm này đã có 40 người chết và 22 người mất tích; nặng nề nhất là tại các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An...

Nước lũ dân cao tại ngòi Thia đã cuốn trôi nhiều nhà cửa, hoa màu của người dân tại bản Thón, xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN
Nước lũ dân cao tại ngòi Thia đã cuốn trôi nhiều nhà cửa, hoa màu của người dân tại bản Thón, xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Tại cuộc họp ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lũ sáng nay (12/10), Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) mạnh cấp 7, đang  di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, ngày mai sẽ vào biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão.

Hồi 7 giờ ngày 12/10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 126,0 độ Kinh Đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 420 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50 - 60 km/giờ), giật cấp 9.

Đến 19 giờ ngày 12/10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 123,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Lu-dông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50 - 60 km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 7 giờ ngày 13/10, vị trí tâm áp bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 120,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75 km/giờ), giật cấp 10.

Bên cạnh ATNĐ, hiện nay bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc vẫn đang di chuyển về phía nước ta, từ ngày 12/10 không khí lạnh sẽ ảnh hưởng tới các tỉnh vùng núi phía Bắc. Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với gió Đông trên cao, nên từ ngày 12/10 ở Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa, mưa vừa; khu vực Hòa Bình - Sơn La, vùng đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Bình sáng 12/10 có mưa to, có nơi mưa rất to.

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cảnh báo ngập úng vùng trũng thấp ven sông thuộc tỉnh Ninh Bình, địa phận TP Yên Bái (Yên Bái), huyện Hạ Hòa, Thanh Ba, thị xã Phú Thọ (Phú Thọ).

Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và sụt lún ven sông tại các huyện: Mường Lát, Thạch Thành, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Yên Định, Thọ Xuân (Thanh Hóa); Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Qùy Châu, Quế Phong, Qùy Hợp (Nghệ An); Hương Sơn, Vụ Quang, Hương Khê, Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Về tình hình thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua, theo báo cáo nhanh của các địa phương, đến thời điểm này đã có 62 người chết, mất tích, trong đó có 40 người chết (Sơn La 5 người, Yên Bái 4 người, Hòa Bình 15 người, Thanh Hóa 8 người, Nghệ An 8 người) và 22 người mất tích (Sơn La 3 người, Yên Bái 11 người, Hòa Bình 3 người, Thanh Hóa 4 người, Quảng Trị 1 người), có 21 người bị thương.

ATNĐ, mưa lũ đã khiến 217 nhà bị sập, trên 17.000 nhà bị hư hỏng, ngập; 8.071 ha lúa, 30.390 ha ngô, hoa màu, rau màu bị ngập, thiệt hại; 1.166 con gia súc, 39.865 con gia cầm bị cuốn trôi.

Ông Nguyễn Đức Quang – Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho rằng: “Cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, tình hình xả lũ các hồ chứa tại các tỉnh Bắc Bộ và BắcTrung Bộ; cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hư hỏng về đê điều, hồ đập, nhất là các trọng điểm xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước, các hồ chứa do địa phương quản lý.Tiếp tục rà soát, huy động lực lượng triển khai sơ tán dân tại các vùng thấp trũng ở bãi sông, hạ du các hồ chứa đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các trọng điểm, các ngầm tràn bị ngập lũ để đảm bảo an toàn về người và phương tiện. Tổ chức kiểm tra, rà soát các trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, chủ động triển khai việc di dời dân đến nơi an toàn, hạn chế thiệt hại như đã từng xảy ra trong các đợt mưa lũ vừa qua.

Theo Baotintuc.vn

;
.
.
.
.
.