Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể, nhiều thanh - thiếu niên từng sử dụng trái phép chất ma túy đã “làm lại” cuộc đời, có công việc ổn định.
Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Khê ký kết quy ước phối hợp với Công an quận về cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh - thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn quận. |
Trường hợp L.V.T, sinh năm 1990, trú tại phường Chính Gián là một điển hình. Gia đình không khá giả, bố lao động phổ thông, mẹ ở nhà nội trợ nhưng T. lại theo bạn bè ăn chơi, sử dụng ma túy đá. Năm 2015, thực hiện Nghị quyết 09/CP của Chính phủ, Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Thanh Khê phối hợp với Công an quận thực hiện cảm hóa, giáo dục 18 em, trong đó có T. Nhờ được quan tâm, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, T. chịu đi học nghề thợ sắt. Hội LHPN thành phố cũng hỗ trợ em 5 triệu đồng mua dụng cụ và cho vay 20 triệu đồng để mua thêm phương tiện hành nghề. “Hai năm trôi qua, từng ngày em luôn nhủ bản thân phải thật cố gắng không phụ lòng những người đã quan tâm, giúp đỡ để em trở thành người có ích cho xã hội”, T. tâm sự.
Phan T.H., sinh năm 1993, trú phường Tam Thuận cũng có hoàn cảnh tương tự. Mẹ một mình nuôi em sau khi cha mất sớm, nào ngờ H. dính ma túy. Năm 2016, H. được Hội Cựu chiến binh phường nhận cảm hóa, giáo dục. Phối hợp với chính quyền địa phương, Hội Cựu chiến binh theo dõi, động viên H. cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Dù gặp không ít khó khăn, nhưng H. đã vượt qua được những cám dỗ, có dấu hiệu tiến bộ. Hiện em đang làm lái xe chở hàng và vẫn được các cấp đoàn thể, chính quyền dõi theo để có những hỗ trợ kịp thời.
Theo chị Lê Thị Thu Huệ, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Khê, các trường hợp thanh-thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy được giao Hội giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ đa phần có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu sự quan tâm và thu nhập không ổn định. Vì thế, khi được đón nhận tình thương và được hỗ trợ việc làm, nhiều em đã nhận ra sai lầm của mình và có thái độ hợp tác, sống tích cực hơn.
Báo cáo của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận Thanh Khê cho thấy, từ đầu năm đến nay, các đoàn thể nhận giúp đỡ 47 em (trong đó, Hội LHPN 11 em, Hội Cựu chiến binh 16 em, Đoàn Thanh niên 13 em). Các đoàn thể được phân công cảm hóa, giáo dục đều quan tâm hỗ trợ sinh kế, giới thiệu việc làm, qua đó phần lớn có việc làm ổn định, góp phần giúp các em tiến bộ. Nguồn kinh phí thực hiện cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh - thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy được thành phố và quận bố trí. Cụ thể, năm 2017 thực hiện 2 đợt, mỗi đợt thành phố bố trí kinh phí để giúp đỡ đối tượng, định mức không quá 8.500.000 đồng/người. Đối tượng mở rộng của quận được quận bố trí kinh phí cho Mặt trận, các hội, đoàn thể để trang bị phương tiện sinh kế, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề... với định mức không quá 10 triệu đồng/người.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Nam Thắng, cán bộ phụ trách văn hóa-xã hội UBND phường Tam Thuận cho rằng, cần phân bổ nguồn kinh phí bảo đảm cho công tác phòng chống tệ nạn xã hội, công tác quản lý cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, quản lý sau cai. Bởi thực tế cho thấy, một số trường hợp tái nghiện và không tiến bộ vì không có nghề nghiệp ổn định, bị bạn xấu tiếp tục lôi kéo.
Để thực hiện tốt công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ theo kế hoạch của thành phố và quận, thời gian tới, quận tăng cường tuyên truyền, giáo dục đạo đức, pháp luật cho thanh-thiếu niên nói chung, thanh-thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy nói riêng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho các em; đẩy mạnh công tác tiếp cận đối tượng, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng để có chính sách hỗ trợ thích hợp. Với đối tượng khó quản lý, cơ quan chức năng quận test để phát hiện và lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc tại gia đình và cộng đồng, đồng thời áp dụng quản lý giáo dục tại địa phương.
Bài và ảnh: HÀ THU