Từ đầu năm đến nay, tại sông Phú Lộc 2 lần xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt và nhiều lần cá chết rải rác, khiến nhiều người dân e ngại nguyên nhân do ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, theo kết quả phân tích của cơ quan chức năng, nguyên nhân chính là hụt DO (oxy hòa tan trong nước), dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt.
Nhà máy xử lý nước thải sông Phú Lộc được đầu tư, nâng cấp, chất lượng nước thải đạt loại A góp phần cải thiện chất lượng nguồn nước tại sông Phú Lộc. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Lượng oxy hòa tan thấp
Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố cho biết, từ sau Tết Nguyên đán 2017 đến nay, công ty nhiều lần đến sông Phú Lộc để xử lý hiện tượng cá chết. Trong đó, nhiều nhất phải kể đến vụ cá chết vào cuối tháng 8 vừa qua.
Ông Mã cho rằng, nguyên nhân cơ bản ngoài một phần do nguồn nước là việc lượng cá trên sông Phú Lộc thời gian qua sinh sôi quá nhanh, mật độ dày đặc. Do đó, những lúc thời tiết thay đổi dẫn đến hiện tượng thiếu oxy hòa tan, khiến cá chết.
Đây cũng là khẳng định của ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố. Theo ông Vinh, khi xảy ra những trận mưa đầu mùa, lúc nước đang nóng, lớp nước dưới bùn sẽ bị sục, khí độc (khí metan) chiếm hết lượng oxy trong nước khiến lượng oxy hòa tan thấp hơn bình thường, cá không có oxy để thở nên xuất hiện tình trạng cá chết.
Để khẳng định điều này, vào các thời điểm diễn ra hiện tượng cá chết, Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố cũng đã lấy mẫu nước để phân tích. Qua phân tích cho thấy các thông số: pH, nhiệt độ, Nitơ tổng, Photpho nằm trong ngưỡng cho phép tại cột B1, QCVN 08-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt và cột B, QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp... Trong khi đó, hàm lượng DO (oxy hòa tan trong nước) là 2,64 mg/l, thấp hơn ngưỡng cho phép (DO≥4 mg/l). Việc DO sụt giảm đột ngột, kèm với mật độ cá dày đặc nên xảy ra hiện tượng cá chết.
Tuy nhiên, cũng theo ông Vinh, sông Phú Lộc đang tiếp nhận một lượng nước thải từ các tuyến kênh phía thượng lưu tuyến kênh và tuyến cống hộp chính chạy xuyên qua các khu dân cư đông đúc của các quận Thanh Khê, Liên Chiểu bao gồm: kênh Phần Lăng, mương Khe Cạn, nước sau xử lý tại bãi rác Khánh Sơn, nước thải của Trung tâm Chế biến gia súc gia cầm... Nhiều nguồn nước chưa được thu gom thải trực tiếp vào sông Phú Lộc dẫn đến ô nhiễm.
Chất lượng nguồn nước sông Phú Lộc ngày càng được cải thiện nhờ nhiều giải pháp đầu tư xử lý điểm nóng ô nhiễm sông Phú Lộc. |
Nhiều giải pháp xử lý
Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong những năm vừa qua, vấn đề ô nhiễm môi trường tại sông Phú Lộc được lãnh đạo thành phố rất quan tâm nên đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường sông Phú Lộc. Trong đó, đã hoàn thành các dự án như:
Dự án cải tạo môi trường cảnh quan dọc sông Phú Lộc (đoạn từ đường Lý Thái Tông đến Nguyễn Tất Thành) đưa vào hoạt động năm 2011; xây dựng hệ thống thu gom nước thải tại một số tuyến kênh, mương chính đổ vào sông Phú Lộc; xây dựng 2 cửa phây dọc đường Yên Khê 1 và Yên Khê 2 để giảm thiểu nước tràn ra sông. Xây dựng hệ thống thu gom dọc đường Hà Hồi - Ngọc Hồi, hồ Trung Nghĩa, đưa vào hoạt động năm 2015; cải tạo tuyến kênh Yên Thế - Bắc Sơn.
Thành phố cũng đã yêu cầu Công ty CP Procimex Việt Nam (chủ dự án Trung tâm Chế biến gia súc gia cầm) xây dựng hệ thống xử lý nước thải để xử lý nước thải phát sinh trước khi thải ra môi trường. Hệ thống xử lý nước thải Trung tâm Chế biến gia súc gia cầm có công suất 500m3/ngày/đêm, đưa vào vận hành thử nghiệm vào tháng 7-2017.
Trong khi đó, ông Đặng Quang Vinh cho biết, trước đây, Trạm Xử lý nước thải Phú Lộc hiện hữu sử dụng công nghệ kỵ khí, nước thải sau xử lý mới chỉ đáp ứng cột B theo QCVN 40:2011/BTNMT và làm phát sinh khí gây mùi hôi như H2S, NH3 phần nào ảnh hưởng đến dân cư lân cận cửa xả tại cầu Phú Lộc.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND thành phố đã đầu tư cải tạo, nâng cấp Trạm Xử lý nước thải Phú Lộc với công suất xử lý 40.000m3/ngày/đêm. Đến tháng 10-2016, trạm đã hoàn thành quá trình cải tạo. Hiện nay, UBND thành phố giao cho Công ty CP Kỹ thuật SEEN - đơn vị thi công thực hiện vận hành trạm, trong thời gian chờ UBND thành phố tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị vận hành Trạm xử lý nước thải.
Trong thời gian đến, thành phố sẽ tiếp tục triển khai các dự án để cải thiện môi trường sông Phú Lộc như: cải tạo hệ thống xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Khánh Sơn với công suất 700m3/ngày/đêm. Công ty CP Kỹ thuật SEEN đang xúc tiến thực hiện và dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2018. Ngoài ra, thành phố sẽ tiến hành xây dựng hệ thống thu gom dọc tuyến kênh Phần Lăng; xây dựng tuyến cống hộp tại đoạn cuối tuyến kênh Phần Lăng trước khi đổ vào hồ Bàu Trảng; xây dựng tuyến mương Khe Cạn từ đường Lê Trọng Tấn đến sông Phú Lộc, các dự án này dự kiến hoàn thành vào tháng 11-2017. Sau khi hoàn thành sẽ giảm thiểu ô nhiễm sông Phú Lộc.
Theo ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố, kết quả phân tích chất lượng nước sau xử lý của Trạm Xử lý nước thải Phú Lộc trước khi xả ra sông Phú Lộc cho thấy các thông số TSS, BOD5, Sunfua, tổng Nitơ, tổng Photpho, Amoni đều nằm trong giới hạn cho phép của cột A, QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp. Ngoài ra, trạm đã được đầu tư hệ thống quan trắc tự động và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát. Kết quả phân tích chất lượng mẫu khí thải sau hệ thống xử lý khí thải của trạm so với cột B, QCVN 19:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ cho thấy 2 thông số ô nhiễm H2S, NH3 trong giới hạn cho phép. |
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ