Năm 2017, Ủy ban MTTQ quận Thanh Khê đặt mục tiêu vận động Quỹ “Vì người nghèo” (VNN) toàn quận đạt 4 tỷ đồng. Đến đầu tháng 10, toàn quận đã hoàn thành vượt mục tiêu vận động trên 5 tỷ đồng. Đây chưa phải là con số cuối cùng về nguồn lực hỗ trợ công tác giảm nghèo của quận. Tại các phường còn rất nhiều hình thức vận động gây quỹ, huy động nguồn lực giúp đỡ hộ nghèo rất thiết thực.
Bàn giao Nhà đại đoàn kết tại phường Thạc Gián. |
Mô hình “tiết kiệm 200 đồng/ngày” vẫn phát triển
Mỗi hộ dân ở khu dân cư tham gia “tiết kiệm 200 đồng/ngày” để giúp nhau thoát nghèo của phường Xuân Hà có từ cách đây 18 năm đến nay vẫn phát triển tốt. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Xuân Hà, Trần Thị Nhung cho hay: Hưởng ứng phong trào tiết kiệm giúp nhau thoát nghèo của Ủy ban MTTQ Việt Nam phường và các tổ chức thành viên, đến nay hầu hết các tổ dân phố thuộc 24 Ban Công tác Mặt trận đều có duy trì mô hình tiết kiệm hằng ngày. Phong trào tiết kiệm giúp nhau thoát nghèo đặc biệt có hiệu quả tốt ở những KDC có hộ nghèo, nhiều người lao động phổ thông, buôn bán nhỏ. Từ mô hình “tiết kiệm 200 đồng/ngày” cách đây 18 năm, nay số tiền tiết kiệm là nâng lên mức tối thiểu là 5.000 đồng/ngày/người. Số tiền mỗi hộ tiết kiệm có khác nhau về số người tham gia. Bí thư Chi bộ Xuân Đán 4, vừa là tổ trưởng tổ góp vốn của KDC cho hay KDC của bà có 40 hộ tham gia góp vốn lên đến 30 triệu đồng mỗi tháng. Việc sử dụng vốn góp rất hiệu quả. Người cần mua thêm phương tiện sinh kế mượn được ngay, không phải chờ đợi duyệt danh sách như nguồn hỗ trợ ở quận, phường. Có hộ muốn thay mái tôn lâu năm đã dột nát nhưng gặp khó vì không đủ tiền, đã có vốn góp hỗ trợ ngay. Hộ có con vừa vào THPT cần mua chiếc máy vi tính cũng được đáp ứng ngay. Hộ có khó khăn đột xuất cần tiền gấp không phải đi vay nóng lãi cao bên ngoài... Rất nhiều tình huống về nhu cầu tiền trong khu dân cư đều được tổ góp vốn hỗ trợ. Vốn mượn xong lại được trả dần và không tính lãi nên bà con rất đồng tình tham gia rất tích cực. Gia đình ông Trần Phú Thương ở tổ 19 có 10 người đều tham gia góp vốn 5.000 đồng/ngày/người. Ông cho biết tham gia mục đích là vừa giúp bà con có khó khăn trong tổ vừa để dành tiền cho gia đình khi cần thiết. “Mỗi người góp 5.000 đồng/ngày không ảnh hưởng gì đến chi tiêu của gia đình nhưng một năm mình để dành được 1,8 triệu đồng. Nếu không có tổ góp vốn, gia đình tôi đâu để dành được 18 triệu đồng/năm”, ông Thương nói. Cùng mô hình góp vốn giúp nhau ở KDC, 24 Trưởng Ban CTMT ở KDC của phường Xuân Hà có hình thức tiết kiệm “nuôi” heo đất từ phụ cấp của mình để dành được 51 triệu đồng/năm giúp hộ nghèo.
Tiền đến tay người nghèo, nhà tài trợ tin tưởng
Kết thúc “Tháng hành động VNN” năm 2017, phường Thạc Gián đạt mức vận động Quỹ VNN 423 triệu đồng so với chi tiêu phấn đấu 300 triệu đồng. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Thạc Gián, Nguyễn Hữu Hoàng cho biết: Từ năm 2015 trở về trước, phường chưa bao giờ đạt được kết quả vận động Quỹ VNN đạt 150 triệu đồng/năm.
Từ năm 2016, vận động Quỹ VNN của phường có bứt phá đạt trên 200 triệu đồng. Ban chỉ đạo giảm nghèo và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phường có sự thay đổi về phương pháp vận động từ chỗ gửi thư kêu gọi rồi thụ động ngồi đợi tổ chức, cá nhân nào có tâm thì đến.
Nay đã khác, lãnh đạo phường phân công nhau đem tài liệu, hình ảnh nội dung nhu cầu cụ thể, mức độ nguồn lực cần giúp đỡ của từng hộ nghèo đến “tiếp thị” các nhà tài trợ. Phương pháp này đạt hiệu quả bởi hình ảnh hoàn cảnh hộ nghèo gây ấn tượng mạnh với các nhà hảo tâm. Mặt khác, các nhà hảo tâm cũng mong muốn đồng tiền mình phải đến tận tay hộ nghèo và sử dụng đúng mục đích. Với cách làm này, phường Thạc Gián đã đạt mức vận động Quỹ VNN đứng đầu 10 phường của quận Thanh Khê.
Năm 2017, phường Chính Gián đề nghị không nhận nguồn hỗ trợ từ Quỹ VNN của Mặt trận cấp trên để hỗ trợ hộ nghèo xây nhà mới mà hỗ trợ từ Quỹ VNN của phường bằng mức hỗ trợ của quận là 50 triệu đồng/nhà từ Quỹ VNN của phường.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Chính Gián giải thích: Do điều kiện phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn nên Mặt trận phường vận động Quỹ VNN thuận lợi hơn các phường khác nên không nhận hỗ trợ của Mặt trận cấp trên để dồn nguồn lực hỗ trợ người nghèo cho phường bạn. Năm 2017, phường Thạc Gián vận động được 382 triệu đồng, đứng thứ nhì trong 10 phường.
Từ đầu năm đến nay, quận Thanh Khê đã xây mới 30 nhà Đại đoàn kết (kinh phí 1,45 tỷ đồng), sửa chữa 161 nhà cho hộ nghèo tổng số tiền (kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng); sửa chữa 4 nhà cho hộ nghèo chính sách (80 triệu đồng), hoàn thành việc sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo đúng thời gian và vượt chỉ tiêu đề ra đầu năm. Mặt trận 10 phường đã trao phương tiện sinh kế cho 54 hộ nghèo trị giá 195 triệu đồng, góp phần giảm 450/800 hộ nghèo.
Bài và ảnh: ĐOÀN SƠN