Ông Trương Quang Nghĩa tham gia Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng

.

Chiều 26-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ở nước ngoài. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Gia Lai, Hậu Giang, Lai Châu.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng Nguyễn Thanh Quang cơ bản thống nhất với phạm vi sửa đổi, bổ sung của luật, tuy nhiên đề nghị có sự rà soát kỹ lưỡng hơn nữa các quy định có liên quan nhằm đảm bảo sự thống nhất với các văn bản luật khác. Theo ĐB Nguyễn Thanh Quang, về cơ bản, quy định về tiêu chuẩn thành viên cơ quan đại diện tại dự thảo Luật không có gì thay đổi so với Luật hiện hành. ĐB cho rằng, tiêu chuẩn của thành viên cơ quan đại diện trước hết phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của cán bộ, công chức, viên chức được quy định tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Riêng đối với các tiêu chuẩn khác về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kinh nghiệm… mang tính đặc thù, cần nghiên cứu quy định trong Luật một chuẩn nhất định nhằm đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu cần có.

Để tạo điều kiện cho thành viên cơ quan đại diện yên tâm công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, ĐB Nguyễn Thanh Quang cho rằng, việc xem xét, bổ sung các chế độ đối với thành viên cơ quan đại diện, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện là rất cần thiết. Do đó, ĐB đề nghị cần nghiên cứu quy định theo hướng hỗ trợ toàn bộ học phí tại nước sở tại và toàn bộ chi phí mua bảo hiểm y tế cho con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện. Bởi lẽ, cuộc sống của cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hiện nay còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đương. Việc quy định hỗ trợ toàn bộ học phí và bảo hiểm y tế cho con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện nhằm góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính, tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo để họ yên tâm công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn đề nghị đưa các tiêu chuẩn đặc thù tại khoản 2 Điều 17 dự thảo luật lên khoản 1 Điều 17 dự thảo luật vì đó là các tiêu chuẩn chung của người làm công tác ngoại giao, không phải phẩm chất riêng của đại sứ đặc mệnh toàn quyền, như: tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc; có trình độ đại học trở lên; có trình độ lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp; đã được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ đối ngoại; sử dụng thông thạo ít nhất một ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu công tác…

ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho rằng, dự thảo luật quy định thành viên cơ quan đại diện tại Điều 17 phải có đủ tiêu chuẩn về trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, kinh nghiệm công tác phù hợp; nhưng không quy định cụ thể như thế nào là đủ nên không có cơ sở để thực hiện, dễ dẫn đến vận dụng tùy tiện. Do đó, ĐB đề nghị luật cần quy định cụ thể hoặc giao cho Chính phủ quy định. ĐB Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) đề nghị, luật nên quy định đảm bảo công bằng về chế độ, chính sách của con các thành viên cơ quan đại diện theo hướng giống như chế độ chính sách đang thực hiện ở nước ta hiện nay như bao cấp về bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, học phí bậc tiểu học…

Ngày 25-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 438/NQ-UBTVQH14 về việc chuyển sinh hoạt Đoàn đại biểu Quốc hội đối với ông Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Theo Điều 1 Nghị quyết, Ủy ban thường vụ Quốc hội chuyển sinh hoạt cho ông Trương Quang Nghĩa từ Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La đến Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng. Như vậy, hiện nay Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng có 7 đại biểu Quốc hội.

B.T - Phạm Hữu Hoa

;
.
.
.
.
.