Việc cổ phần hóa, đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ thúc đẩy mạnh mẽ yêu cầu tách dịch vụ công ra khỏi cơ quan quản lý Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII). Từ đó, giảm áp lực công việc, tập trung nguồn lực cho quản lý hành chính, làm cơ sở để tinh gọn bộ máy và biên chế hành chính.
Đây là khẳng định của Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng (ảnh) khi trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng về ý nghĩa của việc thực hiện đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố quản lý, giai đoạn 2017-2020.
Tập trung các sở để giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính Đà Nẵng là bước đột phá nhằm giảm con người, giảm đầu mối và tăng trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Ông Võ Ngọc Đồng cho biết, nếu thực hiện đúng nội dung đề án thì từ nay đến năm 2020, thành phố giảm 21 đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó giảm do sáp nhập, hợp nhất, giải thể 15 đơn vị, chuyển sang công ty cổ phần 6 đơn vị. Riêng ngành y tế và văn hóa có tổng số 12 đơn vị sự nghiệp sẽ được sắp xếp, sáp nhập trong năm 2018 và 2019.
Chấn chỉnh “phình to” bộ máy
* Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) quyết định nội dung quan trọng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vậy hiệu quả của đề án do Sở Nội vụ xây dựng sau khi triển khai trên thực tế có điểm nào nổi bật, thưa ông?
- Có hai tác động quan trọng mà đề án hướng đến. Thứ nhất, về hiệu quả quản trị đơn vị sự nghiệp. Thông qua các giải pháp như: sáp nhập, hợp nhất, giải thể, cổ phần hóa, đấu thầu quản lý, thuê giám đốc điều hành các đơn vị sự nghiệp để thay đổi công tác quản lý Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp chặt chẽ, cụ thể hơn; chấn chỉnh việc mở rộng, hay nói cách khác là “phình to” bộ máy bên trong đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không căn cứ vào nhu cầu của công việc.
Cùng với đó, đề án góp phần ngăn chặn tình trạng mất cân đối về nhân lực giữa lao động trực tiếp và lao động gián tiếp. Đồng thời, chấn chỉnh tình trạng lạm phát cấp phó, siết chặt hơn nữa công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ viên chức, lao động đúng nhu cầu công việc, tiêu chuẩn, chức danh chuyên môn, nghiệp vụ và vị trí việc làm.
Việc sắp xếp cũng sẽ hình thành nguyên tắc giao quyền quản lý, giao quyền tự chủ nhưng kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thẩm quyền của đơn vị tự chủ trên cơ sở cơ cấu, định mức, tiêu chuẩn; tạo ra cơ chế thông thoáng để phát triển dịch vụ, thúc đẩy tỷ lệ tự chủ và tăng số lượng tự chủ chi thường xuyên.
Thứ hai, về hiệu quả quản lý Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp. Chính việc sắp xếp, giảm đơn vị sự nghiệp sẽ xóa bỏ tình trạng manh mún, nhỏ lẻ để tập trung, thống nhất đầu mối, chức năng, nhiệm vụ và nhân lực để đơn vị sự nghiệp công lập có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, tăng khả năng tự chủ đi đôi với tự chịu trách nhiệm.
Theo tôi, điểm mấu chốt của việc chuyển đổi là tăng tính tự chủ trên nguyên tắc chuyển từ cơ chế cấp phát sang cơ chế đặt hàng; từ hỗ trợ cho các đơn vị cung cấp dịch vụ sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng hưởng thụ; chuyển từ phí sang giá.
Tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ sẽ vừa giảm gánh nặng ngân sách, vừa thúc đẩy hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp theo cơ chế thị trường; đồng thời tạo hành lang pháp lý, môi trường cung ứng dịch vụ sự nghiệp công bằng, cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh.
Việc cổ phần hóa, đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ thúc đẩy mạnh mẽ yêu cầu tách dịch vụ công ra khỏi cơ quan quản lý Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII), Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) và Nghị quyết số 04-NQ/TU của Thành ủy. Từ đó, giảm áp lực công việc, tập trung nguồn lực cho quản lý hành chính, làm cơ sở để tinh gọn bộ máy và biên chế hành chính.
* Trước khi Sở Nội vụ xây dựng đề án, việc sắp xếp một số đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố và các sở, ngành liên quan đã được thực hiện. Vậy những đơn vị nào đã được sắp xếp và tinh giảm?
- Thực hiện tinh gọn bộ máy, hạn chế sự trùng lắp và chồng chéo nhiệm vụ là việc làm thường xuyên được thành phố chỉ đạo triển khai trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, trong năm 2016, qua rà soát, UBND thành phố đã chỉ đạo thực hiện sắp xếp, hợp nhất, tổ chức lại đối với các ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng theo Nghị định 59/2015/NĐ-CP.
Theo đó, hợp nhất BQL Dự án xây dựng số 2 và BQL Dự án xây dựng (trực thuộc Sở Xây dựng) thành BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp; hợp nhất BQL Dự án đầu tư xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung (Sở Thông tin và Truyền thông) và BQL Dự án đầu tư xây dựng số 3 (Sở Xây dựng) thành BQL Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị.
Đồng thời, tổ chức lại hoạt động của BQL Dự án giao thông nông thôn (Sở Giao thông vận tải) và BQL Dự án đầu tư xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thành BQL Các dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Thành phố đã tổ chức lại hoạt động của BQL Dự án giao thông công chính (Sở Giao thông vận tải) thành BQL Đầu tư xây dựng các công trình giao thông. Hoạt động của các BQL dự án mới sau khi hợp nhất, tổ chức lại sẽ do UBND thành phố quản lý, điều hành.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng quản lý trực tiếp BQL Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ưu tiên (Sở Giao thông vận tải) và BQL Dự án đầu tư xây dựng khu công nghệ cao (BQL Khu công nghệ cao). Thành phố cũng sáp nhập, tổ chức lại 8 trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo còn lại 3 trung tâm; hợp nhất 2 trung tâm dạy nghề trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội còn lại 1 trung tâm. Sau khi sắp xếp, hoạt động của các đơn vị này phát huy hiệu quả, thống nhất; công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động chuyên môn khoa học, hợp lý hơn so với trước khi sắp xếp.
Cắt giảm hơn 2.000 biên chế
* Theo lộ trình, sẽ có 21 đơn vị được tinh giảm. Như vậy, đến năm 2020, toàn thành phố sẽ giảm bao nhiêu biên chế và phản ứng của các sở, ngành khi thực hiện việc tinh gọn, sắp xếp, sáp nhập như thế nào?
- Từ nay đến năm 2020, thành phố Đà Nẵng phấn đấu giảm 21 đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó giảm do sáp nhập, hợp nhất, giải thể 15 đơn vị, chuyển sang công ty cổ phần 6 đơn vị. Theo lộ trình, từ nay đến năm 2020, giảm ít nhất 2.000 biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập; chuyển nguồn chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước bao cấp sang nguồn thu dịch vụ của các đơn vị ước khoảng 200 tỷ đồng/năm. Đây là con số rất ý nghĩa, tạo bứt phá mạnh mẽ trong việc giảm sự cồng kềnh của bộ máy Nhà nước trên địa bàn thành phố. Từ đó, giảm chi thường xuyên, tăng đầu tư phát triển.
Lâu nay, việc tinh giảm biên chế tuy có thực hiện nhưng chưa mang lại hiệu quả, bộ máy hành chính vẫn còn cồng kềnh, có nơi làm việc chưa hiệu quả. Do vậy, đề án sẽ tạo đột phá trong việc sắp xếp bộ máy, giảm các đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hạn chế chồng chéo. Trong quá trình triển khai đề án, Sở Nội vụ đã trao đổi với các sở, ban, ngành có các đơn vị sẽ được sắp xếp.
Qua phân tích thấu đáo các mặt tích cực của đề án, hầu hết các sở, ngành, kể cả các sở, ngành chủ quản của 21 đơn vị đã thông qua và thống nhất cao. Tuy vậy, một số đơn vị có đặc thù về con người đã đề nghị nên lùi thời gian tinh giảm sau năm 2020.
* Thời gian qua, tình trạng lạm phát cấp phó ở một số đơn vị vẫn chưa giảm, do vậy việc kiểm soát cấp phó được quy định cụ thể trong đề án như thế nào, thưa ông?
- Để kiểm soát cấp phó, lần này đề án quy định rất rõ: bộ máy và nhân lực làm gián tiếp, hỗ trợ phục vụ chiếm tỷ lệ không quá 1/3. Bộ máy và nhân lực làm trực tiếp về chuyên môn, lao động dịch vụ chiếm tỷ lệ ít nhất 2/3 trong đơn vị. Đơn vị dưới 20 người thì có không quá 2 phòng, dưới 30 người thì thành lập không quá 3 phòng, từ 30 người đến dưới 150 người thì được thành lập không quá 2 phòng gián tiếp, trên 150 người thì thành lập theo tỷ lệ 1/3-2/3 như trên.
Về cấp phó, đơn vị dưới 30 người chỉ có 1 cấp phó; từ 30 người đến dưới 150 người có 2 cấp phó. Đơn vị y tế điều trị bệnh có 150 người trở lên có không quá 3 cấp phó. Các đơn vị sự nghiệp khác có từ 150 người trở lên và có phạm vi hoạt động trải rộng trên nhiều địa bàn hoặc có tính chất phức tạp thì Chủ tịch UBND thành phố xem xét từng trường hợp cụ thể để thực hiện, nhưng không quá 3 cấp phó.
* Xin cảm ơn ông!
Năm 1997, thành phố có 285 đơn vị sự nghiệp công lập với 9.353 người làm việc. Đến năm 2017, có 409 đơn vị sự nghiệp với 22.065 người làm việc, trong đó giáo dục chiếm 61%, cơ sở y tế 9%, văn hóa, thể thao 7,6%, lao động, bảo trợ xã hội 3%, còn lại là các lĩnh vực khác. Các đơn vị sự nghiệp chủ yếu do ngân sách bảo đảm, trong đó bảo đảm toàn bộ là 307 đơn vị, bảo đảm một phần là 68 đơn vị, tự bảo đảm toàn bộ là 21 đơn vị và 6 BQL dự án. Theo báo cáo quyết toán tài chính ngân sách năm 2016 (ngày 14-9-2017), chi thường xuyên cho các đơn vị này là 6.133 tỷ đồng, chiếm gần 56% tổng chi ngân sách (10.993 tỷ đồng). Chi tiền lương cho bộ máy hành chính, sự nghiệp khoảng 2.500 tỷ đồng, chiếm 41% chi thường xuyên, trong đó khối sự nghiệp chiếm đến 80%. Nguồn: Sở Nội vụ thành phố |
"Đề án thể hiện sự đột phá mạnh mẽ so với trước. Đã đến lúc chúng ta đối diện sự thật là phải cải cách, còn cải cách tới đâu, có làm được hết những gì nêu trong đề án hay không, lộ trình ra sao..., đó là công việc cần phải bàn nhiều” Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại cuộc họp về triển khai đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố quản lý, giai đoạn 2017-2020, ngày 3-10-2017. |
VIỆT DŨNG thực hiện