Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 của HĐND thành phố “về mức thu, đối tượng và chế độ thu, nộp phí, lệ phí hộ tịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” vẫn còn hiệu lực thi hành nhưng ngày 11-10-2017, Sở Tư pháp ban hành Công văn số 2940/STP-HCTP (do Phó Giám đốc Sở Tư pháp Châu Thanh Việt ký) với nội dung yêu cầu UBND các quận, huyện, phường, xã không thu lệ phí cấp bản sao trích lục hộ tịch theo Luật Phí, lệ phí.
Công văn 2940/STP-HCTP do Phó Giám đốc Sở Tư pháp Châu Thanh Việt ký ngày 11-10-2017 đã “phủ quyết” Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND của HĐND thành phố. |
Việc này gây lúng túng cho chính quyền cơ sở, bởi thực hiện theo chỉ đạo ngành dọc là trái với nghị quyết của HĐND thành phố, thực hiện theo nghị quyết sẽ mắc khuyết điểm với lãnh đạo cấp trên ngành dọc.
Biết sai nhưng phải thực hiện
Trưởng phòng Tư pháp quận Liên Chiểu Ngô Tiến Dũng cho biết, nhận văn bản chỉ đạo của Sở Tư pháp, đơn vị rất lúng túng, “tiến thoái lưỡng nan”, không biết chọn thực hiện theo bên nào. Một bên là Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND của HĐND thành phố là văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn hiệu lực; một bên là công văn chỉ đạo của Sở Tư pháp.
Theo quy trình, nếu nghị quyết của HĐND thành phố không phù hợp quy định pháp luật thì phải do chính HĐND thành phố sửa đổi, hoặc hủy bỏ quy định này rồi cấp cơ sở căn cứ thực hiện theo, như vậy mới đúng quy định pháp luật.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng lo ngại lãnh đạo ngành dọc cấp trên chỉ đạo mà không thực hiện thì khó tránh khỏi bị phê bình, kỷ luật. Cuối cùng, trên quan điểm vì người dân, chúng tôi quyết định chọn triển khai thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Sở Tư pháp dù biết là trái nghị quyết của HĐND thành phố”, ông Dũng nói.
Phòng Tư pháp quận Sơn Trà cung cấp văn bản thông báo Kết luận cuộc họp giao ban đợt 2-2017 cho biết lãnh đạo Phòng Tư pháp yêu cầu 7 phường thống nhất thực hiện Công văn số 2940/STP-HCTP của Sở Tư pháp.
Cán bộ Tư pháp-Hộ tịch phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) Đinh Phú Thịnh cho hay: “Vẫn biết nghị quyết HĐND thành phố là văn bản quy phạm pháp luật cao hơn công văn của Sở Tư pháp nhưng Phòng Tư pháp triển khai, Chủ tịch UBND phường chỉ đạo đều theo công văn của Sở Tư pháp nên tôi phải chấp hành”. Cán bộ Tư pháp-Hộ tịch phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) Phan Văn Ngọc cho biết, cấp trên ngành dọc chỉ đạo, nên phải thực hiện theo công văn của Sở Tư pháp.
Theo phản ánh của Phòng Tư pháp quận Cẩm Lệ, cả 6 phường đều rất lúng túng “đứng giữa đôi dòng”: không thu lệ phí theo chỉ đạo của Sở Tư pháp hay thu lệ phí theo nghị quyết của HĐND thành phố. Quan điểm của các phường là: theo hướng có lợi cho người dân, các phường thực hiện không thu lệ phí trên tinh thần chỉ đạo của Sở Tư pháp nhưng phải có hướng dẫn cụ thể về số lượng bản sao trích lục hộ tịch mỗi lần công dân yêu cầu; do không quy định số lượng bản sao được cấp và khi cấp lại được miễn phí có thể xảy ra trường hợp công dân nào đó sẽ yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch vượt quá nhu cầu thực tế của mình.
Chủ tịch UBND phường Khuê Trung Lê Công Đông nêu ví dụ: nếu có trường hợp người dân (đã làm mất giấy khai sinh) yêu cầu cấp 1.000 bản sao giấy khai sinh, UBND phường không thể từ chối yêu cầu này của người dân được. Nhưng nếu làm như vậy sẽ gây lãng phí ngân sách cũng như thời gian, công sức của cán bộ phường.
Nghị quyết của HĐND thành phố vẫn còn hiệu lực!
Trái ngược với quan điểm của các quận, phường khác, Phó Chủ tịch UBND phường Thạc Gián (quận Thanh Khê) Ngô Chí Công khẳng định: “Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND của HĐND thành phố là văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực nên UBND phường Thạc Gián vẫn thực hiện thu lệ phí trích lục bản sao hộ tịch theo tinh thần nghị quyết này”.
Ông Công lý giải việc không thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Sở Tư pháp tại Công văn số 2940/STP-HCTP vì công văn này không thể phủ quyết văn bản quy phạm pháp luật của HĐND thành phố. Nghị quyết của HĐND thành phố chỉ bị hủy bởi Quốc hội hoặc sửa đổi bởi chính HĐND thành phố. Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) Lê Thế Nhân cũng khẳng định, phường Hòa Minh thực hiện theo nghị quyết của HĐND thành phố, chưa thực hiện chỉ đạo của Sở Tư pháp.
Theo phân tích của ông Ngô Chí Công, Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu có chức năng “gác cổng” thẩm định văn bản dự thảo nghị quyết của HĐND thành phố trước khi ban hành để thực hiện. Thế nhưng, trường hợp tham mưu thẩm định dự thảo Nghị quyết số 56/2016/NĐ-HĐND đã có sai sót.
Theo đó, Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp số 158/2015/TTLT-BTC-BTP ngày 12-10-2015 và Thông tư số 226/2016/TT-BTC ngày 11-11-2016 của Bộ Tài chính đã quy định không thu lệ phí cấp bản sao từ sổ gốc (PV nhấn mạnh).
Thế nhưng, Sở Tư pháp đã thẩm định để HĐND thành phố thông qua và ban hành Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016, tức thời điểm HĐND thành phố ban hành nghị quyết (có nội dung trái với quy định của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp) sau khi đã có Thông tư liên tịch số 158/2015/TTLT-BTC-BTP và Thông tư số 226/2016/TT-BTC. Vậy việc công văn của Sở Tư pháp trái với tinh thần của Nghị quyết HĐND sẽ giải quyết như thế nào?
Bài và ảnh: SƠN TRUNG