Ngày 10-10, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ môi trường (EPRC) và Viện Nghiên cứu chiến lược môi trường toàn cầu (Nhật Bản) tổ chức hội thảo khởi động dự án ‘‘Giảm thiểu phát thải khí nhà kính, thông qua việc thay đổi lối sống theo hướng tiết kiệm điện, nước tại Đà Nẵng’’. Dự án này nằm trong chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc, do Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ môi trường của Trường Đại học Bách khoa thực hiện từ tháng 6-2017 đến tháng 12-2018, với tổng kinh phí khoảng 100.000 USD.
Dự án nhằm tạo ra sự thay đổi lối sống của người dân đô thị thông qua các biện pháp tiết kiệm điện, nước; đồng thời thúc đẩy tiêu dùng bền vững, giảm thiểu tài nguyên và giảm tải áp lực lên môi trường. Theo khảo sát tại 149 nhà và 15 hộ chung cư cho thấy, hầu hết các hộ dân đều không được tư vấn về các thiết bị điện, 50/91 hộ có toilet 2 chế độ nhưng chưa hiểu rõ công dụng và không quan tâm. Hầu hết các hộ dân đều chỉ quan tâm đến chi phí về điện. Trong khi đó, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, nếu nguồn nước tại Cầu đỏ bị nhiễm mặn thì chỉ cung cấp được 70% lượng nước cho toàn thành phố. Việc phát triển du lịch tại quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn cũng đã dẫn đến việc thiếu nước cục bộ ở khu vực này.
Tại hội thảo, các đại biểu cùng chia sẻ, trao đổi về việc tuyên truyền cho người dân cách sử dụng các thiết bị vệ sinh như: bồn cầu 2 nấc xả, sử dụng vòi hoa sen loại tiết kiệm nước hoặc lắp bộ phận điều chỉnh dòng chảy, lắp thêm thiết bị sục khí vào đầu vòi nước, sử dụng các loại máy giặt cửa ngang tiết kiệm 25% lượng nước so với máy giặt lồng đứng…
PHƯƠNG TRÀ