● 35.293 tỷ đồng dự kiến đầu tư vào Đà Nẵng
Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017 diễn ra ngày 15-10 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Ariyana, với sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí; Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ và hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (thứ ba, từ phải sang, hàng trước), Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa (thứ hai, từ phải sang, hàng trước), Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ (bìa phải, hàng trước) và các đại biểu tại diễn đàn. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017 là sự kiện quan trọng trong chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch nhằm quảng bá hình ảnh, tiềm năng và cơ hội đầu tư tại địa phương, hướng đến Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 vào đầu tháng 11 tới.
Đà Nẵng là nơi sống và làm việc lý tưởng
Theo Bí thư Trương Quang Nghĩa, Đà Nẵng là một trong 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương, là trung tâm kinh tế-xã hội của miền Trung và Tây Nguyên. Cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng được đầu tư đồng bộ và hiện đại nhất ở khu vực miền Trung. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư và kinh doanh tại Đà Nẵng không ngừng được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch với các chính sách khuyến khích hấp dẫn.
Đà Nẵng được cộng đồng doanh nghiệp bình chọn là nơi có môi trường kinh doanh tốt nhất Việt Nam với 7 lần dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); 9 năm liền dẫn đầu cả nước về Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Index); dẫn đầu các địa phương về Chỉ số cải cách hành chính - PAR INDEX từ năm 2013-2016; 6 năm liền thuộc nhóm các địa phương có thứ hạng cao nhất về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) từ năm 2011-2016.
“Đà Nẵng mong muốn giới thiệu với quý vị quan khách cùng cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước triển vọng phát triển thành phố với các cơ hội đầu tư mới, các chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể. Đây còn là dịp đại biểu, doanh nghiệp đề xuất ý kiến đối với lãnh đạo Chính phủ cũng như lãnh đạo thành phố để có sự chỉ đạo và các giải pháp tháo gỡ rào cản, vướng mắc trong quá trình đầu tư và kinh doanh”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nói.
Bí thư Thành ủy đồng thời bày tỏ hy vọng đối thoại thẳng thắn, cởi mở, trên tinh thần xây dựng “để sau sự kiện này, quý vị sẽ biết đến Đà Nẵng là một địa điểm đầu tư nhiều triển vọng, một nơi lý tưởng để sống, làm việc và thư giãn ở Việt Nam”.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, từ năm 2012 đến nay, Đà Nẵng duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP từ 8-9%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng GDP bình quân cả nước. GDP bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm và đạt xấp xỉ 3.000 USD năm 2016.
Với vai trò là động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng đi đầu trong việc phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo kết nối thông suốt cho khu vực miền Trung-Tây Nguyên về cả đường sắt, đường bộ và đường hàng không.
Lũy kế đến tháng 9-2017, Đà Nẵng thu hút 408 dự án trong nước với số vốn đầu tư đạt 101.379 tỷ đồng (tương đương 4,5 tỷ USD) và 525 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đầu tư đăng ký đạt 3 tỷ USD. Sự gia tăng về số lượng dự án cũng như xu hướng tăng vốn đầu tư do mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian qua cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư và tiềm năng phát triển của thành phố.
Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng phấn đấu trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ chất lượng cao và công nghệ cao của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia.
Để từng bước đạt mục tiêu này, Đà Nẵng xác định 3 đột phá về phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, bao gồm: phát triển các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại, tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm, xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng thành phố môi trường; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả khu vực công và khu vực tư nhân.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa bày tỏ mong muốn thành phố được biết đến là một địa điểm đầu tư nhiều triển vọng, một nơi lý tưởng để sống, làm việc và thư giãn ở Việt Nam. Ảnh: THÀNH LÂN |
8 vấn đề cốt lõi
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tiềm năng về thu hút đầu tư của Đà Nẵng. Thủ tướng đề nghị Đà Nẵng cần có tư duy mới, cách làm mới để thể hiện rõ vai trò đầu tàu trong thu hút đầu tư tại khu vực miền Trung.
Đặc biệt, Đà Nẵng cần có tầm nhìn xa, chú trọng tăng cường tính liên kết với các địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế trong công tác xúc tiến đầu tư, tạo nên không gian kinh tế nối liền, một cụm điểm đến hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư trong nước và quốc tế tại miền Trung. Làm được điều đó, Đà Nẵng mới thật sự là đầu tàu, là hạt nhân tăng trưởng của khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Theo Thủ tướng, Đà Nẵng định vị trở thành thành phố đáng sống như Đại hội Đảng bộ thành phố đã xác định. Tuy nhiên, Đà Nẵng cần xác định nội hàm thành phố đáng sống của riêng mình là gì. Với những nét độc đáo riêng có, Đà Nẵng không nhất thiết sao chép hay lặp lại mô hình đô thị đâu đó mà phải tạo ra sự khác biệt để nơi này thực sự trở thành một dấu ấn đậm nét, một nơi phải trải nghiệm trên bản đồ du lịch thế giới.
Theo đó, Thủ tướng cho rằng, cần thực hiện 8 vấn đề cốt lõi. Trước hết, phải có chiến lược đi tắt đón đầu, tăng cường sức mạnh kinh tế, tức phải tăng được quy mô của nền kinh tế, tăng thu nhập của người dân, giải quyết việc làm cho người dân.
“Nền kinh tế thành phố trực thuộc Trung ương mà GDP chỉ bằng 1,5% cả nước thì còn quá nhỏ. Vì vậy, phải có ước mơ, hành động để trả lời câu hỏi diện tích Đà Nẵng gần bằng Singapore, vậy chúng ta làm gì để phát triển một đô thị văn minh, trật tự, phát triển như Singapore trên một số lĩnh vực?”, Thủ tướng nêu vấn đề.
Cốt lõi thứ hai là phải tạo vốn vật chất, tức là phải nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, sân bay, cảng biển, viễn thông…, nhất là giải quyết vấn đề ở phía tây rộng lớn nhưng còn hoang sơ.
Thứ ba, thúc đẩy hệ thống tài chính, tăng độ sâu của hệ thống tài chính, tăng hiệu quả phân bổ vốn và hiệu quả năng suất vốn, cả về quy mô vốn, tài chính vi mô, đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng.
Thứ tư, phải cải thiện chất lượng, tăng cường hiệu quả của thể chế và năng lực quản trị Nhà nước. Đây là yêu cầu lớn đối với cấp ủy chính quyền của Đà Nẵng.
Thứ năm, phát huy tính đa dạng nét Á Đông độc đáo của yếu tố văn hóa, gìn giữ di sản, tạo ra những trải nghiệm xã hội tinh tế, sâu sắc cho người dân và du khách.
Thứ sáu, phải gây dựng vốn con người và thu hút tài năng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bảo đảm người dân được hưởng nền giáo dục tiên tiến, nâng cấp hệ thống chăm sóc y tế chất lượng cao, thu hút tài năng của Việt Nam đến Đà Nẵng.
Thứ bảy, phải vun đắp và bảo vệ các điều kiện tài nguyên và môi trường, giữ môi trường trong lành, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, kiểm soát chất lượng nguồn nước, không khí, quản lý chất thải… “Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng với gần 8 tỷ USD thông qua gần 1.000 dự án đầu tư tại đây thì vấn đề kiểm soát chất thải, nước thải đặt ra vô cùng gay gắt. Không giữ được điều này, chúng ta mất Đà Nẵng, mất thu hút du khách gần xa”, Thủ tướng nói.
Thứ tám, phải làm cho thành phố ngày càng độc đáo, không ngừng thu hút sự sáng tạo trong truyền thông về hình ảnh của một thành phố giàu bản sắc làm lưu luyến du khách trên toàn thế giới. Đà Nẵng nên nghiên cứu đề xuất đường bay thẳng từ châu Âu, Mỹ đến Đà Nẵng để biến nơi đây thành trung tâm hội nghị quốc tế, trung tâm tài chính kinh doanh và công nghệ cũng như lan tỏa sang các tỉnh lân cận.
Đà Nẵng cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam nhanh chóng triển khai Đô thị Đại học Đà Nẵng và các trường đại học khác. Đặc biệt, các trường dạy nghề, nguồn lực con người chất lượng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - chìa khóa thành công của thành phố.
Thủ tướng lưu ý cái gốc của xúc tiến đầu tư chính là chính sách nhất quán, cơ chế hành chính thông thoáng và minh bạch, chính quyền luôn sẵn sàng đối thoại, phát huy tinh thần “3 đồng hành, 5 hỗ trợ”, là đối tác tin cậy của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đà Nẵng cần nỗ lực để giữ vững vị trí đứng đầu chỉ số PCI cả nước, hơn thế nữa còn cần đi từ con số đến hành động, hướng đến cạnh tranh với các thành phố trong khu vực và các tiêu chuẩn OECD.
Đà Nẵng phải sớm kiện toàn bộ máy tổ chức theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả theo tinh thần Hội nghị Trung ương 6, cần có chiến lược để trở thành hình mẫu tốt cho tư duy không cần một chính quyền lớn chỉ cần một chính quyền hiệu lực, hiệu quả, tức là có khả năng quản trị tốt, không phụ sự tin yêu của người dân và doanh nghiệp, sự kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chính quyền thành phố cần tập trung toàn bộ nguồn lực để Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra thành công, để lại dấu ấn tốt đẹp về hình ảnh cũng như người dân thành phố Đà Nẵng nói riêng, người dân Việt Nam nói chung trong lòng các nhà chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và bạn bè quốc tế.
Thủ tướng bày tỏ: “Với lịch sử hào hùng của thành phố Đà Nẵng luôn đi lên bằng ý chí can trường và tinh thần sáng tạo, ham học hỏi, tôi có niềm tin vững chắc về một tương lai khởi sắc của Đà Nẵng”. “Tôi hy vọng các doanh nhân và các nhà đầu tư có mặt tại diễn đàn này sẽ chọn Đà Nẵng là nơi đất lành chim đậu, bằng trí tuệ và tài lực của mình hợp lực cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố đưa con tàu Đà Nẵng vươn ra biển lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Khánh thành Trung tâm Hội nghị quốc tế Ariyana phục vụ APEC Trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017, sáng 15-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cắt băng khánh thành Trung tâm Hội nghị quốc tế Ariyana - công trình trọng điểm phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Được khởi công tháng 3-2016, sau 22 tháng thi công, công trình do Tập đoàn Sovico đầu tư đã về đích vượt tiến độ. Trên tổng diện tích 12.000m2, phòng Grand Ballroom đáp ứng 2.500 chỗ ngồi, kết nối với Cung Hội nghị quốc tế Furama Đà Nẵng, Trung tâm Hội nghị Ariyana trở thành quần thể hội nghị, hội thảo lớn nhất Việt Nam lên tới 5.000 chỗ ngồi và 15 phòng chức năng. |
"Tôi hy vọng các doanh nhân và các nhà đầu tư có mặt tại diễn đàn này sẽ chọn Đà Nẵng là nơi đất lành chim đậu, bằng trí tuệ và tài lực của mình hợp lực cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố đưa con tàu Đà Nẵng vươn ra biển lớn” Thủ tướng Chính phủ NGUYỄN XUÂN PHÚC |
Với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, UBND thành phố Đà Nẵng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư, Thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư, Quyết định cho vay/thỏa thuận cho vay cho 27 dự án với tổng vốn 35.293 tỷ đồng. |
* BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ NGUYỄN CHÍ DŨNG: Cần đột phá tư duy phát triển khi hội nhập quốc tế sâu rộng Đà Nẵng cần có sự đột phá trong tư duy phát triển với những sáng tạo và cách làm mới trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Thành phố cần xây dựng và hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tổng thể cũng như các quy hoạch phát triển ngành/lĩnh vực, quy hoạch sử dụng đất... theo hướng hiện đại với tầm nhìn dài hạn để thu hút đầu tư đạt hiệu quả cao nhất. Cần định hướng và tập trung phát triển Đà Nẵng trở thành một trung tâm công nghiệp, tài chính, thương mại - dịch vụ và du lịch của khu vực miền Trung - Tây Nguyên với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại và tận dụng lợi thế về nguồn nhân lực có chuyên môn và tay nghề cao. Tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp và phục vụ, hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm “khởi nghiệp”, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; trong đó, cần đặc biệt quan tâm khai thác, phát huy tiềm năng “chất xám” của đội ngũ trí thức, các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn thành phố. * ÔNG HIRONOBU KITAGAWA, TRƯỞNG ĐẠI DIỆN VĂN PHÒNG JETRO HÀ NỘI: Tăng cường xây dựng niềm tin giữa Nhật Bản và Việt Nam Trước đây, đầu tư từ Nhật Bản chỉ tập trung chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và công nghệ thông tin. Những năm gần đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực đa dạng như dịch vụ ăn uống, giáo dục... Qua đó có thể thấy những thành quả tích cực của các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư của thành phố Đà Nẵng. Xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm khai thác thị trường Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang kỳ vọng rất lớn vào Việt Nam và thành phố Đà Nẵng đang trên đà tăng trưởng. Để thúc đẩy đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản, điều cấp bách là phải tăng cường hơn nữa việc xây dựng quan hệ tin tưởng giữa Nhật Bản và Việt Nam. * ÔNG ĐẶNG MINH TRƯỜNG, TỔNG GIÁM ĐỐC TẬP ĐOÀN SUNGROUP: Xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi Đà Nẵng cũng như các địa phương khác mà chúng tôi quyết định đầu tư vì các địa phương này đều đứng hàng đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá xếp hạng. Sự cam kết và hỗ trợ của chính quyền địa phương trong xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp được thể hiện rõ qua việc hướng dẫn và hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhanh gọn nhưng vẫn tuân thủ quy định pháp luật hiện hành. Hỗ trợ thực hiện công tác tuyên truyền, vận động trong đền bù, giải tỏa, giao đất sạch cho nhà đầu tư, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Nhất quán trong việc thực hiện các cam kết và chính sách hỗ trợ, tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư mạnh dạn thực hiện dự án. Năng động, sáng tạo trong quá trình thực thi chính sách Trung ương cũng như trong việc đưa ra các sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, mạnh dạn cải cách thủ tục hành chính; đồng thời hỗ trợ và áp dụng những chính sách đôi khi chưa rõ ràng của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Thường xuyên tiếp xúc và lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc... |
THÀNH LÂN