APEC hướng đến nền kinh tế bao trùm, bền vững, ổn định

.

* Bảo đảm tài nguyên bền vững và tầm nhìn APEC tương lai

* “Cùng tạo động lực mới vì một châu Á - Thái Bình Dương kết nối toàn diện”

Chiều 10-11, trong khuôn khổ các sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã diễn ra phiên Đối thoại giữa lãnh đạo các nền kinh tế APEC với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC).

Chủ tịch nước Trần Đại Quang (giữa), Chủ tịch Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 dự và phát biểu tại phiên toàn thể Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), diễn ra tại khách sạn Furama, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (giữa), Chủ tịch Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 dự và phát biểu tại phiên toàn thể Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), diễn ra tại khách sạn Furama, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại phiên đối thoại, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao các đề xuất của ABAC nhằm tìm hướng đi mới và duy trì vai trò của APEC là động lực tăng trưởng và liên kết phát triển kinh tế toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương. Đây cũng là thời điểm APEC cần xây dựng tầm nhìn mới khi bước sang thập niên phát triển thứ tư.

Những vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm là liên kết kinh tế khu vực, kết nối, thúc đẩy các dòng chảy thương mại và đầu tư, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; phát triển bao trùm, an ninh lương thực, tầm nhìn APEC sau 2020. Đây cũng là những vấn đề mà các nhà lãnh đạo APEC trăn trở để tìm ra giải pháp, hướng đi phù hợp.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, liên kết kinh tế, tự do hóa thương mại và đầu tư đã, đang và sẽ tiếp tục là những ưu tiên hàng đầu của APEC. Các nền kinh tế thành viên đều cam kết đẩy mạnh thực hiện Mục tiêu Bogor, trong đó tập trung hơn vào các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư và giảm rào cản phi thuế quan.

APEC sẽ đẩy mạnh hơn việc triển khai các kế hoạch đã được thông qua, nổi bật là kế hoạch tổng thể về kết nối APEC, khuôn khổ kết nối, lộ trình về hợp tác dịch vụ giai đoạn 2016-2025, đồng thời tập trung giải quyết những vấn đề mới đang nổi lên như: thương mại điện tử xuyên biên giới, lộ trình về kinh tế mạng và kinh tế số.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, ngày 10-11. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, ngày 10-11. Ảnh: TTXVN

Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, APEC chia sẻ các quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp về việc đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vào thị trường toàn cầu, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của doanh nghiệp, quyền năng kinh tế của phụ nữ.

Sự tham gia của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nữ nói riêng là động lực mới thúc đẩy tăng trưởng bền vững bao trùm. APEC cam kết sẽ tạo ra những chính sách hữu hiệu để tạo môi trường thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp đã có những đóng góp về ý tưởng xây dựng tầm nhìn của APEC sau năm 2020. APEC đã thành công trong gần ba thập niên qua. Đây chính là giai đoạn có tính chất quyết định then chốt đối với APEC.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đóng góp cùng APEC xây dựng tầm nhìn mới cho diễn đàn APEC trong những thập niên tiếp theo; đồng hành, chung sức cùng nhà nước trong giai đoạn then chốt hiện nay và sắp tới nhằm tạo ra những động lực mới để hiện thực hóa mục tiêu cao nhất của hợp tác APEC là vì doanh nghiệp, vì người dân.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, ngày 10-11. Ảnh: P.V
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, ngày 10-11. Ảnh: P.V

Sau phiên toàn thể, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự ba phiên thảo luận nhóm để cùng các nhà lãnh đạo kinh tế APEC và các đại diện ABAC làm sáng tỏ hơn các chính sách và giải pháp nhằm tăng cường hợp tác của chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp trong việc bảo đảm phát triển kinh tế bao trùm; tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vào thị trường toàn cầu; tích cực đóng góp để APEC trở thành cơ chế hợp tác hiệu quả hơn nữa nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và tạo việc làm cho người dân.

Cuộc Đối thoại là sự kiện chính thức đầu tiên của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC trong dịp Tuần lễ Cấp cao nhằm thúc đẩy trao đổi thực chất giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực, góp phần triển khai những ưu tiên của hợp tác của APEC trong năm 2017, đặc biệt là thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo, phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, hướng tới xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, ngày 10-11. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, ngày 10-11. Ảnh: TTXVN

* Tối cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân chủ trì lễ đón chính thức, tiệc chiêu đãi lãnh đạo và phu nhân, phu quân các nền kinh tế APEC. Phát biểu chào mừng tại tiệc chiêu đãi, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định châu Á-Thái Bình Dương đang trở thành một trong những điểm sáng phát triển kinh tế thế giới với sự phát triển thần kỳ. Thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á-Thái Bình Dương.

Các thành viên APEC sẽ tiếp tục cùng nhau nỗ lực trong phát triển kinh tế khu vực và toàn cầu; cùng nhau thực hiện mạnh mẽ hơn nhằm hoàn thành các Mục tiêu Bogor. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn coi trọng hợp tác phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu. Việt Nam luôn là thành viên tích cực có trách nhiệm trong thực hiện các cơ chế hợp tác của khu vực cùng hướng đến tương lai như chủ đề của năm APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

SƠN TRUNG-TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.