Bão số 13 diễn biến phức tạp, có khả năng tiếp tục mạnh thêm

.

ĐNO - Ngày 10-11, sau khi vượt qua khu vực phía nam đảo Luzon của Philippines, bão số 13 (tên quốc tế là Haikui) tiến nhanh trên Biển Đông với sức gió gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10 và còn có khả năng mạnh thêm, đang hướng vào quần đảo Hoàng Sa.

Hiện có gần 1.000 tàu thuyền đang neo đậu tránh, trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang.
Hiện có gần 1.000 tàu thuyền đang neo đậu tránh, trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 11-11, vị trí tâm bão vào khoảng 17,6 độ vĩ bắc, 114,8 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 360km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 170km tính từ vùng tâm bão có thể đi qua.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ, ngày 11-11, trên đất liền thành phố Đà Nẵng trời nắng, chiều tối và đêm có mưa rải rác; gió cấp 2-3, ven biển cấp 4.

Để chủ động ứng phó với bão số 13, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng có công điện đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu, thuyền còn đang hoạt động trên biển; phối hợp với Ban quản lý (BQL) Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, Chi cục Thủy sản thành phố tổ chức, hướng dẫn sắp xếp tàu, thuyền neo đậu an toàn.  

Bão số 13 có khả năng mạnh thêm.
Bão số 13 có khả năng mạnh thêm.

Các quận, huyện rà soát, chú ý các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông, suối, ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Túy Loan, Cu Đê và khu vực biển Liên Chiểu sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống bão, lũ, lũ quét và sạt lở đất, sơ tán nhân dân đến nơi an toàn; thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng chống mưa, bão; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống và sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn để chủ động, kịp thời xử lý khi thiên tai xảy ra… Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Công viên Cây xanh thực hiện công tác chằng chống và cắt tỉa cây xanh đường phố, hạn chế ngã đổ; chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khẩn trương tổ chức triển khai biện pháp phòng chống ngập úng do mưa lớn cho các công trình, khu dân cư đang thi công dở dang…

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng BQL Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho hay, hiện Âu thuyền Thọ Quang có tổng số tàu thuyền đang neo đậu rất đông, lên tới 998 tàu thuyền, trong đó có 304 tàu cá và 117 ghe máy của Đà Nẵng, 434 tàu cá Quảng Ngãi, 75 tàu Bình Định, 56 tàu Quảng Bình và 12 tàu Thừa Thiên Huế.

Theo thông tin kiểm đếm tàu thuyền của Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố vào ngày 10-11, có 26 phương tiện của Đà Nẵng với 217 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, vùng biển Hải Phòng có 3 phương tiện với 15 lao động, vùng biển Quảng Ngãi có 4 phương tiện với 45 lao động (1 tàu đã neo ở Lý Sơn), vùng biển Huế - Đà Nẵng có 19 phương tiện với 157 lao động. Không có phương tiện nào của Đà Nẵng đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm.

Sớm khắc phục sạt lở, bồi lấp

Tại địa bàn xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), tuyến đường độc đạo từ đường Nguyễn Tất Thành nối dài đi vào khu tái định cư Hòa Liên 4 bị đất, bùn bồi lấp nặng nề, làm mặt đường lầy lội. Trên tuyến ĐT.601 đoạn qua các xã Hòa Liên và Hòa Bắc có nhiều vị trí sạt lở đất đá xuống mặt đường.

Tại khu vực tổ 4, thôn Quan Nam 3 (xã Hòa Liên), đất đá từ công trình cầu 64 (km64) dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan theo mưa chảy xuống bồi lấp đường ĐT.601 và trôi vào nhà dân. Ngay phía trên công trình cầu 64, việc khai thác đất đồi khoét sâu vào núi làm hàng trăm khối đất đá bị sạt lở, đổ về phía đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan.

Trong khi đó, ở khu vực Trường Định (xã Hòa Liên), nước lũ chảy mạnh làm sạt lở, phá bờ kênh và bồi lấp đất vào đồng ruộng. Tuyến đường ADB 5 đoạn qua xã Hòa Liên cũng bị đất đá sạt lở, bồi lấp mặt đường nhiều vị trí. Tuyến đường ADB 5 qua xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) bị sạt lở mái ta-luy âm ở 3 vị trí do nước lũ chảy xiết. Đáng lo ngại là ở khu vực ngã ba sông Cu Đê đoạn sát cầu Nam Ô, sóng biển đã bồi lấp cát vào khu vực nước sâu mà người dân đang dựng rớ (đoạn giáp ranh 2 phường Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu). Nếu tình trạng bồi lấp cát vào khu vực nước sâu này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến việc thoát lũ của sông Cu Đê...

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đức Trí, Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Hòa Vang cho biết: “Chúng tôi sẽ tranh thủ 2 ngày nghỉ cuối tuần này để kiểm tra, đo đạc, đánh giá các vị trí sạt lở, bồi lấp để tính toán khối lượng và biện pháp khắc phục. Riêng khu vực sạt lở đất đá ở tổ 4, thôn Quan Nam 3, UBND huyện Hòa Vang đã đề nghị Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan khắc phục”.

NAM TRÂN

Hoàn tất xử lý môi trường, nguồn nước sau lũ lụt

Ngày 10-11, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, việc xử lý môi trường, nguồn nước sau bão số 12 trên địa bàn thành phố được triển khai từ ngày 7-11 đến nay đã hoàn tất. Ba địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất là huyện Hòa Vang và 2 quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn đã được ngành y tế phun hóa chất, tẩy rửa nguồn nước. Trong đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn thành phố có hơn 450 tổ dân phố với gần 13.000 hộ dân bị ngập nước; 31 khu vực có nguy cơ ô nhiễm; 14 chợ và 78 trường học bị ngập lũ cần xử lý hóa chất sau khi nước rút. Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế về bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường, quản lý chất thải sau bão lũ, ngành y tế dự phòng thành phố đã giao các trung tâm y tế quận, huyện tổ chức khảo sát, xây dựng kế hoạch dọn vệ sinh, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch bệnh sau lũ. Đến nay, nguồn nước sinh hoạt từ hơn 5.200 giếng nước tại huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ và quận Ngũ Hành Sơn đã được xử lý bằng hóa chất khử trùng Cloramin B. Một số bệnh có thể xuất hiện và bùng phát thành dịch sau lũ là đau mắt đỏ, lỵ, sốt xuất huyết…, do đó người dân tuyệt đối không tắm, sử dụng nguồn nước bẩn; nên rửa tay, vệ sinh cá nhân bằng nước sạch; khai thông cống rãnh, làm sạch xung quanh nhà và thực hiện chế độ ăn chín, uống sôi.

PHAN CHUNG

Tất cả học sinh huyện Hòa Vang trở lại trường học sau lũ

Ông Lê Văn Hoàng, Phó phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang cho biết, đến ngày 9-11, tất cả học sinh trên địa bàn huyện Hòa Vang đã trở lại trường sau nhiều ngày nghỉ tránh lũ. Tình hình dạy và học của tất cả các trường đã ổn định.  

Đến nay, bàn ghế học sinh hư hỏng do lũ lụt đã được khắc phục xong. Riêng tường rào tại Trường tiểu học Hòa Bắc (xã Hòa Bắc), Trường mầm non Hòa Tiến 1 (xã Hòa Tiến) bị sập một phần đang được sửa chữa. Ngoài ra, theo ông Lê Văn Hoàng, kế hoạch học bù do từng trường sắp xếp nhưng không được dạy vào chủ nhật.

NGỌC PHÚ

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.