Bão số 13 tiến vào Biển Đông

.

ĐNO – Tối qua (9-11), sau khi đi vào khu vực miền Trung Philippine, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Haikui. Đến sáng nay (10-11), bão Haikui đã vượt qua khu vực phía nam đảo Lu-Dông của Philippines và đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 13 của Việt Nam.

Bão số 13 còn có khả năng mạnh thêm.
Bão số 13 còn có khả năng mạnh thêm.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 4 giờ sáng ngày 10-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,5 độ vĩ bắc, 119,8 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 930km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Dự báo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km còn có khả năng mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 11-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ vĩ bắc, 115,5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 430km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía đông khu vực bắc và giữa biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12. Biển động rất mạnh.

Vùng nguy hiểm gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 12,0 đến 17,0 độ vĩ bắc; phía đông kinh tuyến 113,5 độ kinh đông.

Bảo đảm an toàn hồ đập và quy trình vận hành liên hồ chứa

Theo bản tin lũ trên các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, hiện nay, mực nước trung, hạ lưu các sông ở Quảng Nam đang lên theo điều tiết của hồ thủy điện; đặc biệt, mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 8,02m, ở mức BĐ2; sông Thu Bồn tại Câu Lâu 2,40m, trên BĐ1 0,40m. Dự báo, mực nước các sông ở Quảng Nam tiếp tục dao động theo điều tiết của hồ thủy điện.

Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi và sụt lún ven sông. Do mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày, nhiều hồ chứa đã đầy nước, nguy cơ cao gây mất an toàn cho các hồ chứa xung yếu.

Bên cạnh nhận định bão số 13 có thể ảnh hưởng đến nước ta trong những ngày đến, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng lo ngại diễn biến mưa, lũ trong những ngày tới trong bối cảnh các hồ chứa đã đầy nước và nhiều hồ chứa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Trước tình hình trên, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có công điện đề nghị các tỉnh, thành phố phối hợp với chủ hồ, tổ chức tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá nhanh hiện trạng an toàn các công trình đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn địa phương quản lý.

Cập nhật thường xuyên bản tin dự báo khí tượng thủy văn, các thông tin liên quan đến dự báo, vận hành hồ chứ để tính toán làm cơ sở tham mưu chủ động vận hành xả nước đón lũ, đặc biệt là khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa; tổ chức trực 24/24 giờ, bổ sung các kịch bản ứng phó trong các tình huống khẩn cấp sát thực tế.

Khẩn trương huy động mọi nguồn lực khắc phục hậu quả mưa lũ, các hư hỏng, sự cố công trình hồ đập trong đợt mưa lũ vừa qua để bảo đảm an toàn.

Rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm để hoàn thiện các phương án phòng chống lũ hạ du, nhất là khu vực hạ du đập có đông dân cư, khu đô thị, các công trình hạ tầng quan trọng, sẵn sàng phương án sơ tán dân khi có tình huống khẩn cấp.

Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương chỉ đạo toàn diện công tác kiểm tra, đánh giá về an toàn hồ chứa thuộc phạm vi quản lý; đề xuất phương án vận hành bảo đảm an toàn công trình, hạ du các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thuộc quy trình liên hồ trong phạm vi quản lý theo đúng các quy trình vận hành liên hồ chứa được phê duyệt với các tình huống…

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.