Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 3/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (Luật Cơ quan đại diện).
Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Các đại biểu đánh giá, Luật Cơ quan đại diện hiện hành đã bộc lộ một số bất cập, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng cũng như triển khai các quy định mới của Hiến pháp 2013; đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước; phù hợp với vai trò, vị thế của cơ quan đại diện trong công tác đối ngoại hiện nay.
Dự thảo Luật bổ sung khoản 2 Điều 17, quy định cụ thể về tiêu chuẩn bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền về các mặt: phẩm chất chính trị, đạo đức; trình độ; năng lực, kinh nghiệm; sức khỏe, độ tuổi trên cơ sở bám sát tiêu chuẩn bổ nhiệm các chức danh quản lý, lãnh đạo theo các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và đặc thù của ngành ngoại giao.
Về tiêu chuẩn độ tuổi, nguyên tắc chung là Đại sứ được bổ nhiệm phải trong độ tuổi đủ để hoàn thành ít nhất một nhiệm kỳ công tác, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.
Nhiều đại biểu cho rằng do yêu cầu của công tác chính trị, đối ngoại và phù hợp thực tiễn về tuổi bổ nhiệm Đại sứ của nhiều nước trên thế giới nên cho phép bổ nhiệm Đại sứ đối với một số trường hợp đặc biệt không đủ độ tuổi đảm bảo trọn nhiệm kỳ công tác nhưng có kinh nghiệm hoạt động đối ngoại lâu năm, có uy tín trong ngành ngoại giao, đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ Đại sứ tại một số địa bàn chiến lược và trong lúc chưa có người thích hợp để tiến cử làm Đại sứ.
Đại biểu Ngô Thanh Danh (Đắk Nông) nêu quan điểm về cơ bản, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền là cán bộ, công chức phải tuân thủ những quy định của Luật Cán bộ, công chức và Bộ luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, trên thực tế do yêu cầu công tác vẫn cần những cán bộ này trong những trường hợp đặc biệt. Vì thế, việc này giao cho Chính phủ quy định là phù hợp.
Tán thành với việc cho phép bổ nhiệm Đại sứ đối với một số trường hợp đặc biệt không đủ độ tuổi đảm bảo trọn nhiệm kỳ công tác, nhưng đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) cho rằng vấn đề này phải được luật hóa cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn nhằm tránh áp dụng đại trà và phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan có thẩm quyền.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về nội dung quản lý kinh phí của cơ quan đại diện như trong dự thảo Luật. Theo đó, kinh phí hoạt động thường xuyên được cấp cho Bộ Ngoại giao, trừ kinh phí dành cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh và thương mại theo quy định của Chính phủ; kinh phí dành cho hoạt động chuyên môn đặc thù được cấp cho cơ quan hữu quan phụ trách hoạt động đó để phân bổ thực hiện và Chính phủ quy định chi tiết điểm này.
Một số nội dung về chế độ dành cho thành viên cơ quan đại diện, vợ hoặc chồng và con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan đại diện; việc phối hợp giữa đoàn được cử đi công tác nước ngoài với cơ quan đại diện; vấn đề kéo dài nhiệm kỳ đại sứ... đã được trao đổi làm rõ hơn tại phiên thảo luận.
Theo Vietnam+