ĐNO - Sáng 17-11, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ khẳng định lại dự báo và cảnh báo mưa lớn trên diện rộng ở các tỉnh, thành Trung Trung Bộ bắt đầu từ ngày 19-11 và có khả năng kéo dài từ 5-7 ngày.
Theo đó, từ ngày 19-11, khu vực Trung Trung Bộ bắt đầu chịu ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh có cường độ mạnh. Đến chiều 22-11 không khí lạnh tiếp tục được tăng cường bổ sung mạnh.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường kết hợp với đới gió đông trên cao hoạt động mạnh, nên từ ngày 19-11 tại khu vực Trung Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa, mưa vừa, rải rác mưa to, có nơi mưa rất to.
Đợt mưa này có khả năng kéo dài trong khoảng 5-7 ngày. Tổng lượng mưa của cả đợt phổ biến 150-300mm, có nơi trên 400mm.
Riêng tại thành phố Đà Nẵng, từ ngày 19 đến 25-11, có mưa, rải rác mưa vừa, có nơi mưa to, mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 300mm.
Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi; ngập úng tại vùng trũng khu vực Trung Trung Bộ.
Sáng cùng ngày, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng cho biết, để chủ động ứng phó tình hình mưa lớn và nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi; ngập úng tại vùng trũng trên địa bàn thành phố, Ban đã có công điện yêu cầu các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống lũ quét và sạt lở đất; rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Túy Loan và Cu Đê; thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng chống lũ; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống và sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.
Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải và UBND huyện Hòa Vang thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, kiểm tra đánh giá an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn; tổ chức trực ban phòng chống thiên tai các hồ chứa nước; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố, đảm bảo an toàn công trình.
Được biết, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị quản lý hồ thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước; vận hành điều tiết hồ theo đúng quy trình.
Các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng ven biển, ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các xã có đường cao tốc đi qua (đặc biệt sạt lở đất tại các huyện miền núi: Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Nông Sơn, Phước Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước); sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cấp thiết thực hiện sơ tán, di dời nhân dân đến nơi an toàn khi có các tình huống xấu xảy ra…
HOÀNG HIỆP