Chủ tịch Quốc hội: "Đừng nghĩ về hưu xong thì thôi

.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh như vậy khi bày tỏ ủng hộ bổ sung quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm của cán bộ đã về hưu.

Sáng nay (8/11), các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Việc có bổ sung hình thức tố cáo qua email, điện thoại hay giải quyết tố cáo với hành vi vi phạm của người nay đã về hưu hay không là những nội dung nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội.

“Mình phải có trách nhiệm với dân”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Mình phải có trách nhiệm với dân"

Ủng hộ bổ sung hình thức tố cáo qua email, điện thoại, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh “ta đang ở thời đại công nghệ 4.0 sao Luật lại đặt cái đó ra bên ngoài”

“Nhiều khi người dân nhắn tin có tên tuổi, địa chỉ cụ thể, nói việc này việc kia chuyển các cơ quan chức năng nhiều lần nhưng chưa được giải quyết, đề nghị Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo kiểm tra, trả lời cho tôi. Cái đó được quá ấy chứ, tin nhắn rất rõ ràng!” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết cũng nhận được những tin nhắn như thế và bà đều chuyển cho các cơ quan chức năng. Và mới ngay chiều qua, bà đã chuyển phản ánh về việc người dân 3 lần gửi đơn tố cáo về việc thu hồi đất và tài sản của họ chưa đúng nhưng đến nay Chủ tịch tỉnh đó chưa giải quyết.

“Tôi đã chuyển ngay tin nhắn đó cho Chủ tịch địa phương. Đó cũng là cách mình giao dịch trên phương tiện, không mất công gì, chỉ bấm nút chuyển tiếp là đến đúng địa chỉ. Tôi còn chuyển tiếp cho Ban Dân nguyện những thông tin thế này để theo dõi giúp Quốc hội về tình hình tố cáo. Nếu làm được như thế thì tình hình tố cáo sẽ đỡ căng thẳng hơn rất nhiều. Mình phải có trách nhiệm với dân” – Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm, đồng thời cho rằng có thể áp dụng hình thức qua email và điện thoại cũng có hai mặt nhưng suy đi tính lại phải làm thế mới bớt được việc dân cầm đơn đến các cơ quan công quyền.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, trên thực tế ta khai thác chính quyền điện tử ở nhiều mặt, nếu không sử dụng các công cụ này để phục vụ cho tất cả hoạt động của Nhà nước và người dân thì lại là vấn đề không bình thường.

Theo ông Phạm Minh Chính, thường người đứng đắn bao giờ cũng có đăng ký đàng hoàng nên việc xác minh tin nhắn không khó. Cũng có nhắn tin có tên tuổi địa chỉ rõ ràng nhưng dùng “sim rác”, song nội dung vẫn hoàn toàn chính xác. Do đó phải biết phân loại, sàng lọc để chỉ đạo, xử lý cho phù hợp với điều kiện cụ thể.

Nên giải quyết tố cáo vi phạm của công chức về hưu

Về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nay đã nghỉ hưu, hiện vẫn còn ý kiến khác nhau.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đây là chủ trương và thực tế đã xử lý cán bộ về hưu, tuy chưa sửa Luật Cán bộ công chức nhưng Quốc hội đã có nghị quyết. “Phải làm thế để tất cả cán bộ công chức khi thi hành nhiệm vụ luôn có tinh thần trách nhiệm, đừng nghĩ thôi tôi còn 2 năm nữa là về hưu, về xong thì thôi”.

Liên quan nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng dẫn ý kiến phản ánh “hoàng hôn nhiệm kỳ”, trước khi về hưu ký bổ nhiệm cán bộ rất nhiều, nên nếu không có cơ chế giải quyết câu chuyện này thì bỏ sót. Vừa qua, Thường vụ Quốc hội cũng đã xử lý một số cán bộ đã về hưu.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, sửa luật Luật Tố cáo cũng cần bổ sung đối tượng công chức đã nghỉ hưu để giúp nâng cao trách nhiệm cán bộ công chức, có tính răn đe, tránh lợi dụng quy định của pháp luật.

“Còn việc có đại biểu lo ngại phải sửa Luât Cán bộ công chức thì tôi cho rằng nếu cần thì phải sửa thôi. Nên bổ sung đối tượng cán bộ công chức đã nghỉ hưu” – ông Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.