Đà Nẵng: Hơn 4.300 hộ bị ngập lũ, chuẩn bị di dời dân

.

ĐNO - Tính đến chiều 5-11, toàn huyện Hòa Vang đã có 4.345 hộ dân bị ngập lũ, các vùng rau bị thiệt hại tổng cộng 45ha và nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản.

Trước diễn biến mưa, lũ phức tạp trên địa bàn huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ, tối 5-11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đã họp khẩn với UBND huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ cùng các ngành liên quan để rà soát và bàn biện pháp ứng phó.

Nhiều nhà dân ở xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) đã bị ngập sâu trong lũ.
Nhiều nhà dân ở xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) đã bị ngập sâu trong lũ. Ảnh: NAM TRÂN

Tính đến chiều 5-11, toàn huyện Hòa Vang đã có 4.345 hộ dân bị ngập lũ, các vùng rau bị thiệt hại tổng cộng 45ha và nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản. Nhờ thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nên người dân ở khu vực trũng thấp chủ động di dời đến nhà người thân ở nơi cao ráo, an toàn để tránh lũ.

Quận Cẩm Lệ cũng đã bị ngập lũ ở một vài nơi, nhưng chỉ di dời 3 hộ dân ở phường Hòa Thọ Đông.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố nhận định tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp do các hồ thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn lũ đầy hồ, đang xả lũ với lưu lượng lớn (từ 5.000-6.000m3/s - tính đến 20 giờ tối 5-11) về hạ du sông Vu Gia, còn tiếp tục gây ngập lũ sâu cho nhiều khu vực của huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ.

Những hàng quán cao ráo ở ven sông Tú ... n đã bắt đầu bị ngập vào tối 5-11.
Những hàng quán cao ráo ở ven sông Túy Loan đã bắt đầu bị ngập vào tối 5-11. Ảnh: NAM TRÂN

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh lưu ý huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ và các xã, phường cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo mưa, lũ và triển khai nhanh về địa phương, đồng thời thông báo rộng rãi trên các đài truyền thanh để người dân biết, chủ động phòng tránh.

Cạnh đó, phân công các lực lượng cắm biển cảnh báo tại các tuyến đường bị chia cắt do ngập lũ, ngăn người dân không đi vào các vùng ngập lũ nguy hiểm.

Các địa phương vùng lũ chủ động thông báo cho học sinh nghỉ học vào ngày 6-11 và những ngày tiếp theo nếu vẫn còn ngập.

Từ sáng 6-11 đến trưa cùng ngày, các địa phương huy động lực lượng tiến hành di dời dân ở những nhà ngập sâu lên nhà cao hơn trú ẩn an toàn hoặc đến các trường học, trụ sở cơ quan.

Có văn bản thông báo đến các hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè trên các sông phải di dời vào bờ và người không được ở trên bè để bảo đảm an toàn tính mạng…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cũng chỉ đạo, về lâu dài, các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ tính toán lại quy hoạch thoát nước ở khu vực xã Hòa Tiến, sớm giải tỏa những hộ dân ở khu vực trũng thấp tại xã Hòa Liên…

Cũng trong ngày 5-11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố có công điện yêu cầu UBND huyện Hòa Vang cấm nhân dân và các ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại trong những vùng trũng thấp và ngập lũ; kiên quyết không cho người, phương tiện qua ngầm, cầu tràn; tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối, nhất là khi có nước chảy xiết; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống và sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy chuẩn bị lực lượng hỗ trợ các địa phương tổ chức di dời, sơ tán nhân dân ở các vùng ngập sâu.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Công an thành phố tổ chức di chuyển các tàu thuyền đang neo đậu trên sông Hàn về nơi Khu trú bão Thọ Quang và vịnh Mân Quang đề phòng lũ lớn.

Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ để kịp thời cắt điện ở những vùng bị ngập sâu…

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.