Đề nghị bổ sung giáo viên và kinh phí thực hiện chương trình giáo dục phổ thông

.

Chiều 2-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) và sách giáo khoa (SGK) mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.

Tham gia phát biểu ý kiến, ĐB Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) tán thành với đề nghị lùi thời gian thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 theo hướng: chậm một năm đối với cấp tiểu học, chậm 2 năm đối với cấp THCS và chậm 3 năm đối với cấp THPT. Theo ĐB, đây là việc hệ trọng, ảnh hưởng lớn đến cả một thế hệ nên việc chuẩn bị cẩn trọng để bảo đảm chất lượng là rất cần thiết.

ĐB Yến cho rằng, chương trình GDPT, SGK cũng chỉ là một trong các yếu tố, còn việc quyết định thành công của đề án vẫn là đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, đề án công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục triển khai còn chậm; có những môn học và hoạt động giáo dục mới so với chương trình hiện nay nên cần chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho cả hệ thống GDPT. Hơn nữa, đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình GDPT cũng chưa được phê duyệt.

Theo Nghị quyết số 88/2014/QH13, phương thức triển khai áp dụng chương trình GDPT, SGK mới từ năm học 2018-2019 theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học: Năm đầu của đề án triển khai áp dụng 3 lớp đầu mỗi cấp (lớp 1, 6, 10); năm thứ hai áp dụng 3 lớp (2, 7, 11); năm thứ ba áp dụng 3 lớp (3, 8, 12); năm thứ tư áp dụng 2 lớp (4, 9); và năm thứ năm áp dụng cho lớp 5. ĐB Yến cho rằng, cách làm dồn công việc vào 3 năm đầu, đi từ khó đến dễ như vậy sẽ khó bảo đảm thành công và ít có cơ hội để điều chỉnh, khắc phục.

Nay với phương thức mới điều chỉnh theo từng năm học, số lớp học ở một cấp học áp dụng chương trình GDPT, SGK mới sẽ tăng dần, cụ thể: Năm đầu là lớp 1; năm thứ hai có 2 lớp (2, 6); năm thứ ba có 3 lớp (3, 7, 10); năm thứ tư có 3 lớp (4, 8, 9); năm thứ năm có 3 lớp cuối mỗi cấp (5, 9, 12).

Tổng thời gian hoàn thành việc triển khai áp dụng chương trình GDPT, SGK mới vẫn là 5 năm. ĐB nhận định, điều này sẽ góp phần bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc xây dựng chương trình GDPT, SGK mới một cách chắc chắn, nhất là đối với chương trình một số môn học tích hợp ở cấp THCS và lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT. Đồng thời, theo phương án mới này sẽ có thêm thời gian dành cho việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm SGK mới.

Để bảo đảm tiến độ và chất lượng thực hiện đề án, ĐB Ngô Thị Kim Yến đề nghị Chính phủ quan tâm, nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xem xét tính khả thi khi trình đề án; cần đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân làm chậm tiến độ để có biện pháp khắc phục.

Đặc biệt, trong việc trình Quốc hội điều chỉnh lần này, cần tính toán kỹ lưỡng khối lượng công việc còn lại và quỹ thời gian thực hiện, tránh tình trạng phải điều chỉnh nhiều lần; cần rà soát đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên, đặc biệt ở cấp học THCS, THPT nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, cần có kế hoạch bổ sung đội ngũ giáo viên đáp ứng các bộ môn học mới: Cấp THPT cần khoảng 2.700 giáo viên âm nhạc và 2.700 giáo viên mỹ thuật, bổ sung khoảng 3.828 giáo viên tiếng Anh cho cấp tiểu học. Đồng thời, sớm triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; sớm phê duyệt đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và chương trình GDPT để đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất thực hiện đổi mới chương trình GDPT, SGK; trong đó ưu tiên kiên cố hóa trường học và lớp học, bảo đảm đủ phòng học theo quy định, tránh tình trạng một lớp có đến 45-50 học sinh. ĐB đề nghị cần làm rõ, xác định các nội dung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho các địa phương miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để bảo đảm chất lượng triển khai chương trình mới trên cả nước.

Theo ĐB, Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, SGK GDPT đã có sự phân công trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương trong xây dựng và triển khai chương trình mới.

Tuy nhiên, nội dung kinh phí chưa được xác định đầy đủ, chủ yếu mới tính toán kinh phí phục vụ các hoạt động ở cấp Trung ương, chưa rõ kinh phí của địa phương nên sẽ khó khăn cho địa phương trong việc bố trí ngân sách để thực hiện chương trình GDPT mới, trong khi đó tỷ lệ thời lượng giáo dục trong năm học dành cho nội dung địa phương, nhà trường được chủ động đưa vào cấp tiểu học 16%, cấp THCS và THPT là 28%, đòi hỏi địa phương cũng phải triển khai rất nhiều đầu việc. Do vậy, ĐB đề nghị sớm có hướng dẫn cụ thể để các địa phương và cơ sở giáo dục có thể chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các phần việc của mình.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Tăng trưởng không đạt 6,7%, mọi bài toán phải tính lại

Trong hai ngày rưỡi thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020, đã có 94 đại biểu phát biểu và 27 đại biểu tham gia tranh luận.


Cuối phiên họp sáng 2-11, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giải trình các nội dung mà các đại biểu quan tâm.

Trong đó, về tăng trưởng GDP, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, phải đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% mới bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, nếu không, tất cả bài toán phải tính lại. Chỉ số này góp phần bảo đảm an toàn nợ công, tạo ra nhiều việc làm, thu ngân sách tăng, bảo đảm các mục tiêu chi, đầu tư xây dựng, góp phần giảm bội chi.

Phó Thủ tướng nêu rõ, dù có nhiều yếu tố ảnh hưởng bất lợi cho tăng trưởng, trong đó có sự giảm sút trong khai thác dầu khí, khoáng sản, nhưng Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm nay. Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là tập trung cải thiện môi trường kinh doanh. Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.

Chính phủ vẫn đang tập trung chỉ đạo tái cấu trúc ngành kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phù hợp. Trong đó, tập trung các giải pháp đồng bộ, hoàn thiện thể chế như các luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, phí, ngân sách; gắn quy hoạch với tái cấu trúc ngành, ứng phó biến đổi khí hậu, với thị trường; lấy thị trường quốc tế làm mục tiêu.

B.T

PHẠM HỮU HOA
 

;
.
.
.
.
.