Đi để thấy yêu và tự hào hơn về quê hương mình, đó là một trong những phong trào được phụ nữ và thanh niên quận Thanh Khê thực hiện sôi nổi trong một năm qua.
Phụ nữ quận Thanh Khê tham quan khu lưu niệm nhà Mẹ Nhu và 7 dũng sĩ Thanh Khê. |
Qua một năm triển khai thực hiện công trình thi đua “Tìm về di tích lịch sử, văn hóa thành phố Đà Nẵng”, toàn quận đã có 10/10 phường và 216/222 chi hội phụ nữ khu dân cư; 4 chi hội chợ, cơ quan, với 10.082 lượt người thăm 417 lượt điểm di tích cấp quốc gia, cấp thành phố. Trong những chuyến đi, các mẹ, các chị còn được gặp 35 nhân chứng để được nghe “người thật, việc thật” kể chuyện lịch sử. Với một số điểm đến trên địa bàn quận, hội viên phụ nữ tham gia dọn vệ sinh tại chỗ và đảm nhận công tác chăm sóc hằng năm. Sau mỗi chuyến đi, nhiều chùm ảnh được các chị thực hiện bài bản, nhiều bài viết ghi lại cảm xúc sâu lắng.
Đáng nói hơn, đọng lại sau công trình thi đua này không phải là những con số mà là sự thay đổi nhận thức về giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, tăng thêm sự hiểu biết của mỗi hội viên phụ nữ. Chị Nguyễn Hoàng Thị Diệu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường An Khê chia sẻ, năm vừa qua, Hội LHPN phường tổ chức cho các chi hội trưởng, cán bộ hội tham quan một số di tích lịch sử. Sau đó, các chị triển khai xuống 38 chi hội, có chi hội tự tổ chức đi đến 2 đợt. “Những chuyến đi đã “chạm” vào trái tim của mỗi người về tình yêu đất nước, tăng thêm niềm tự hào dân tộc và kiến thức để kể cho con cháu nghe về di tích lịch sử, văn hóa của thành phố. Bản thân tôi mỗi ngày đều đi ngang qua tượng đài Mẹ Nhu nhưng không hề biết nơi đây có dựng Bia tưởng niệm chiến thắng Yên Khê, nhà tưởng niệm Mẹ Nhu cũng ít khi có dịp đến thăm. Nhưng nhờ những chuyến đi, tôi đã tìm hiểu kỹ hơn về điểm di tích lịch sử, văn hóa của địa phương”, chị Diệu nói.
Chia sẻ thêm về công trình thi đua “Tìm về di tích lịch sử, văn hóa thành phố Đà Nẵng”, chị Lê Thị Thu Huệ, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Khê cho biết, Hội đã tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả từ các chuyến đi và có khen thưởng, động viên những đơn vị thực hiện tốt. “Chúng tôi cho rằng đây là công trình thi đua đầy tính nhân văn và có tính giáo dục cao. Tuy nhiên, thành phần tham gia các chuyến tìm về di tích lịch sử vẫn chủ yếu là cán bộ hội cơ sở, hội viên nòng cốt. Thời gian tới, Hội Phụ nữ các cấp vận động nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn quận tham gia, nhất là chị em lao động phổ thông”, chị Lê Thị Thu Huệ cho biết.
Bên cạnh Hội Phụ nữ, công tác giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ cũng được đẩy mạnh thông qua chương trình tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa của thành phố và địa phương. Theo anh Trương Thanh Toàn, Bí thư Quận Đoàn Thanh Khê, thực hiện chương trình phối hợp năm 2017 giữa Phòng Văn hóa - Thông tin và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quận Thanh Khê, các hoạt động của câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên đều lồng ghép nội dung về di tích lịch sử, văn hóa. Cụ thể, với chương trình “Hành trình di sản văn hóa” được tổ chức vào tháng 10-2017, gần 150 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn quận chia thành 14 đội tham gia giải mã mật thư với những câu hỏi liên quan đến kiến thức lịch sử, văn hóa để di chuyển đến các địa điểm như: Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ phường Thanh Khê Đông, khu di tích nhà Mẹ Nhu, đình làng Thạc Gián, nhà truyền thống nghề cá, đền thờ Ngư Ông đường Nguyễn Tất Thành…
“Hành trình là cơ hội để các bạn trẻ trên địa bàn quận rèn luyện kỹ năng thanh niên và tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn quận theo chương trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VII phát động”, anh Trương Thanh Toàn cho biết thêm.
Bài và ảnh: HÀ THU