Kết nối tình làng nghĩa xóm

.

Ở Hòa Vang cũng như nhiều địa phương khác hiện vẫn duy trì truyền thống văn hóa tốt đẹp nhờ vào lệ “xuân thu nhị kỳ” tổ chức cúng đình, cúng xóm hằng năm. Dù hình thức nghi lễ ở một vài nơi  còn rườm rà, chưa gọn nhẹ nhưng chính những sinh hoạt tín ngưỡng bình dân đó đã kết nối được tình nghĩa xóm làng, tạo nên bầu không khí ấm áp trong cộng đồng.

Cúng xóm là một hình thức gắn kết tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư.
Cúng xóm là một hình thức gắn kết tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư.

Theo lệ, cúng xóm ở Hòa Vang thường tổ chức hai lần trong năm, vào lễ tất niên và lễ tế xuân sau Tết. Cúng xóm thể hiện tín ngưỡng thờ thần, tuy mang màu sắc tâm linh nhưng hướng đến một cuộc sống thế tục rất đỗi bình dị, nhân văn. Lệ này hiện nay đang trên đà phục hồi mạnh mẽ.

Theo quan niệm tâm linh của người Việt, đất nào cũng có Thành hoàng bổn xứ cai quản. Bởi vậy, dù mới thành lập hay đã có từ lâu đời, xóm nào cũng cúng Thành hoàng nơi đó, gọi là lễ cúng xóm, trước là cúng đất để tạ ơn Thành hoàng, thổ địa; sau là tưởng nhớ các chiến sĩ trận vong và những người đã khuất. Còn một mục đích nữa mang sắc thái tâm linh nhưng cũng rất thế tục, đó là cầu xin các thế lực siêu nhiên phù hộ cho gia đình, con cái được sức khỏe hạnh phúc; các hộ làm ăn phát đạt, đoàn kết, thương yêu, quý trọng nhau. Vượt xa nữa, họ cầu mong cho mọi gia đình trong thôn xóm được bình an, đất nước thái bình, nhân dân no ấm. Những nội hàm nhân hậu như vậy được thể hiện trong bản văn tế không biết là do ai truyền lại vừa mang tính hiện đại, vừa mang tính truyền thống.

Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang cho biết, ngày nay trên địa bàn huyện có thêm nhiều xóm mới, tuy không có miếu Thành hoàng nhưng vẫn đều đặn cúng xóm một năm hai lần. Lễ cúng thường diễn ra ngắn gọn trong 45 phút. Những xóm có lịch sử hình thành lâu đời thì việc hành lễ thường cầu kỳ hơn. Cũng như cúng đình, ban tế tự cúng xóm cũng có chánh bái và bồi bái, có người đọc văn tế và ban lễ nhạc, chiêng trống. Những xóm nhỏ thì việc khấn vái do một người đảm nhiệm, thêm một người rót rượu, pha trà. Lễ vật là một ít trầu cau, vàng mã, một chén gạo muối, một bộ tam sinh và một tô cháo thánh.

Cái chính của hai lễ cúng xóm vào dịp tất niên và tế xuân là tạo cơ hội cho tất cả mọi người trong thôn xóm gặp nhau; giao lưu, hàn huyên, hóa giải những khúc mắc (nếu có) và bàn bạc cách làm sao để xóm được đoàn kết, bình yên, môi trường sạch đẹp… Dân chủ được phát huy, dù là nam hay nữ, cụ già hay thanh niên ai cũng có quyền đề đạt ý kiến.

Ông Đặng Quang Vinh, Trưởng ban Quản lý chợ Lệ Trạch, xã Hòa Tiến, cứ đến 20 tháng Chạp hằng năm là cùng bà con thôn Lệ Sơn Bắc, kẻ ít người nhiều tùy tâm, đóng góp trước mua bông hoa trà quả cúng đất đai thổ thần, sau làm bữa cơm ngồi lại với nhau. Vì thế, hai lần cúng xóm trong năm là hai bữa cơm thân mật, mọi tấm lòng đều cởi mở, chúc nhau những lời tốt đẹp, tình nghĩa láng giềng ngày càng sâu đậm, từ đó sẽ định hình nếp sống văn hóa và đẩy lùi những biểu hiện thiếu văn hóa.

Trong cách nhìn của ông Tân, cúng xóm trong thời buổi hiện nay không phải và không hề là một hình thức mê tín. Nó không ép buộc ai phải tham gia, nhà nào thấy hình thức này là hay, là cần thiết thì tự động tìm đến, hoàn toàn tự nguyện, nhưng thường thì không nhà nào vắng mặt. Việc “góp gạo” cho bữa cơm chung cũng tùy hỷ. Người có nhiều góp nhiều, có ít góp ít, khó khăn quá không góp cũng chẳng sao. Ngày cúng xóm thật sự như một ngày hội của xóm. Lúc đó họ hòa đồng, xí xóa cho nhau mọi chuyện và bày ra những mục tiêu chung để cả xóm cùng thực hiện.

Bài và ảnh: VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.