ĐNO - Chiều 5-11, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cùng các Phó Chủ tịch UBND thành phố có buổi họp khẩn với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn nhằm khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng bão số 12, chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra từ ngày 6 đến 11-11 tại Đà Nẵng.
Ngay trong mưa lớn, gió mạnh, lực lượng chức năng huy động nhân lực và phương tiện khắc phục sự cố sập cổng chào trang trí ở đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Chiều 5-11, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cùng các Phó Chủ tịch UBND thành phố có buổi họp khẩn với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn nhằm khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng bão số 12, chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra từ ngày 6 đến 11-11 tại Đà Nẵng.
Tại buổi họp, sau khi đại diện các sở, ngành liên quan báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả mưa lũ và thực tế những khó khăn, vướng mắc, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh: Đà Nẵng được chọn tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC là niềm vinh dự, tự hào rất lớn cho Đà Nẵng. Do đó, đây là thời điểm cán bộ và nhân dân thành phố phải vào cuộc, dốc toàn lực để khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện một cách khẩn trương, quyết liệt, bất luận thời tiết mưa gió kéo dài.
Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các địa phương, đơn vị huy động tối đa phương tiện, thiết bị, nhân lực để thực hiện, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tham gia; phải làm cả đêm và nhất định phải hoàn thành trước giờ khai mạc Tuần lễ Cấp cao APEC. Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị để tập trung triển khai một số công việc chính như:
Tổng dọn vệ sinh môi trường đường phố, ưu tiên những tuyến đường quan khách APEC đi qua; dọn vệ sinh môi trường dọc các bãi biển; dựng lại các tường bao che chắn, pa-nô, phướn, bảng hiệu hư hỏng; xử lý những cây xanh bị ngã đổ; các công trình phục vụ APEC bị thấm dột, bị ngập nước…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đề nghị các sở, ban, ngành liên quan phải khẩn trương khắc phục hậu quả sau ảnh hưởng bão để phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, nhưng phải hết sức lưu ý tới tình hình lũ lụt đang diễn ra tại địa bàn Hoà Vang; nắm chắc tình hình xả lũ, bảo đảm an toàn cho các quận, phường ở cửa sông.
Các đơn vị liên quan cần sớm tháo dỡ tất cả các pa-nô, phướn hư hỏng; tăng cường dọn dẹp môi trường trước Tuần lễ Cấp cao APEC. Lãnh đạo thành phố mong nhân dân Đà Nẵng vì cả nước hãy nỗ lực hết mình để tổ chức APEC 2017 thành công tốt đẹp, tạo ấn tượng cho bạn bè quốc tế. Trong điều kiện mưa gió và thời gian gấp rút, các địa phương, đơn vị, quân đội, công an... phải có phương pháp triển khai phù hợp để bảo đảm hiệu quả và trên hết là tuyệt đối an toàn.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (phải) và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ (trái) kiểm tra Trung tâm Báo chí quốc tế. Ảnh: P.V |
Ngay sau cuộc họp, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Đi kiểm tra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Ariyana, Trung tâm Báo chí quốc tế APEC, lãnh đạo thành phố chỉ đạo các đơn vị cần nhanh chóng rà soát lại toàn bộ công trình bảo đảm an toàn. Ở đâu phải làm đẹp ở đó, phải nỗ lực tối đa mọi việc. Các lực lượng chức năng cũng cần túc trực thường xuyên, chủ động ứng phó đề phòng khi có sự cố xảy ra. Đối với các tuyến đường dọc bãi biển thành phố, yêu cầu các đơn vị, địa phương điều tiết phương tiện thiết bị và nhân lực phù hợp để công việc đạt hiệu quả cao nhất.
Tại Âu thuyền Thọ Quang, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa lưu ý nơi đây số lượng tàu thuyền vào rất đông, yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ phải quản lý tốt tình hình an ninh trật tự; đồng thời phải chăm lo đời sống cho ngư dân vào trú tránh bão…
Qua ghi nhận, tại các khu vực đang triển khai nhiệm vụ, các đơn vị đã huy động đông đảo lực lượng, trắng đêm hoàn thành việc khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm đường sá sạch sẽ, gọn gàng để đón chào Tuần lễ Cấp cao APEC.
Nhanh chóng dọn dẹp sau mưa to, gió lớn
Do mưa to và gió giật mạnh từ đêm 3-11, đến sáng 4-11, nhiều cây xanh bị quật ngã trên nhiều tuyến đường trung tâm thành phố; một cổng chào ở đường Võ Nguyên Giáp bị ngã đổ; nhiều pa-nô, biển hiệu, hàng rào tạm dọc các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp… bị ngã, xé rách để lộ khung sườn…
Địa bàn quận Sơn Trà bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đặc biệt, lúc 9 giờ 30 ngày 4-11, trên đường Hùng Vương đoạn qua chợ Hàn, một cây to ngã đổ làm anh N.Đ.T (38 tuổi, trú xã Đại đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) bị thương và làm hư hại 2 xe máy của những người đi chợ Hàn. Lực lượng chức năng nhanh chóng đưa người bị thương vào bệnh viện cấp cứu, giải phóng lòng đường Hùng Vương để bảo đảm giao thông.
Theo UBND quận Sơn Trà, sóng biển cuốn trôi và làm ngã đổ nhiều cây dừa phòng hộ ven biển mới trồng. 2 thúng máy và 2 thúng bơi của ngư dân phường Mân Thái đậu tại bến Thọ Quang bị sóng lớn đánh chìm. “Ngày 4-11, quận đã huy động lực lượng khắc phục tạm các hàng rào tôn và pa-nô trang trí trên các tuyến đường trọng điểm như: Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt… Ngày 5-11, huy động hơn 2.000 người tổng dọn vệ sinh môi trường các tuyến đường phục vụ APEC như: Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt..., tiếp tục khắc phục các hàng rào tôn và pa-nô trang trí để bảo đảm cảnh quan, môi trường phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC”, ông Huỳnh Văn Hùng, Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Sơn Trà cho biết.
Quận Ngũ Hành Sơn cũng đã chỉ đạo lực lượng ra quân khắc phục hàng rào tôn ngã đổ, dọn vệ sinh môi trường… Công ty Công viên cây xanh huy động toàn bộ nhân lực, phương tiện khắc phục ngay những cây xanh ngã đổ, chống dựng cây xanh, một số trường hợp không bảo đảm an toàn thì di dời cây xanh về vườn ươm hoặc cắt nhỏ, thu dọn mặt bằng, bảo đảm an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, đặc biệt là trên các tuyến đường chính phục vụ APEC. Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng bố trí nhân lực trực khơi thông các điểm đọng nước cục bộ do tắc nghẽn cửa thu nước mưa mặt đường (do lá cây rụng), bảo đảm thoát nước. Đối với những hư hỏng, ngã đổ một số cột đèn, vỡ bóng đèn điện chiếu sáng trang trí, Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng cũng khắc phục nhanh chóng…
Lũ làm ngập sâu nhiều nhà dân, trường học ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Ảnh: NAM TRÂN |
Lũ lên nhanh, khẩn trương ứng phó
Khoảng 9 giờ ngày 5-11, lũ lớn trên sông Vu Gia bắt đầu tràn về xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), 2 tiếng đồng hồ sau dâng cao 1,1m, gây ngập sâu nhiều tuyến đường và nhà dân.
Theo UBND xã Hòa Tiến, lũ ngập hoàn toàn 6 thôn: Cẩm Nê, Bắc An, Thạch Bồ, An Trạch, Lệ Sơn 2 và Nam Sơn; các thôn Lệ Sơn Nam, Lệ Sơn Bắc, La Bông và Yến Nê 2 cũng ngập một phần. Các tuyến đường như: ĐH.409, đường liên thôn La Bông đi Yến Nê 2, đường Yến Nê 1 đi tổ 3 Cẩm Nê, cầu Bến Giang, đường liên thôn An Trạch đi La Châu Bắc, liên thôn từ ĐH 409 đi Nam Sơn… cùng nhiều tuyến kiệt, hẻm đã bị ngập sâu. Xã Hòa Tiến đã tổ chức căng dây và đặt biển cảnh báo nguy hiểm ở những đoạn đường ngập nước. Đài Truyền thanh xã liên tục phát thanh thông báo những tuyến đường bị ngập nước và nhắc nhở người dân chủ động thu hoạch hoa màu, chuẩn bị chống lũ… Xã cũng đã có 2.320 hộ/7.920 khẩu bị ngập lũ nhưng chưa ngập đến mức phải di dời. Lũ cũng đã gây ngập sâu và thiệt hại 10,2ha rau cải; 20.000 cây hoa cúc, vạn thọ… cùng diện tích 1.000m2 trồng nấm rơm.
Theo UBND xã Hòa Nhơn, có 300 hộ dân bị ngập, hầu hết đều bị lũ tràn vào nhà, trong đó 30 hộ ngập sâu hơn 1,2m và đã di dời 10 hộ đến nơi cao ráo. Lũ còn ngập sâu, gây chia cắt các tuyến đường ĐH2, cầu Bà Hủ… Ngoài ra, lũ ngập 3 vùng rau: Thạch Nham Tây, Phước Hưng Nam, Ninh An, Phú Hòa 1 (trồng bí đao, dưa leo, khổ qua, cải…) với tổng diện tích ngập 10ha.
Ông Ngô Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết: “Tất cả các thôn trên địa bàn xã Hòa Liên đều bị ngập nước cục bộ. Ngập nặng nhất là 13 hộ dân ở thôn Quan Nam 3 do ảnh hưởng của dự án tuyến kênh thoát lũ Hòa Liên đang thi công dang dở”.
Ngày 5-11, nước lũ tiếp tục lên nhanh gây chia cắt cục bộ một số địa phương, nhiều nơi bị cô lập hoàn toàn. Trong đó, quốc lộ (QL) 14B từ Đà Nẵng đi Tây Nguyên đã bị ngập nước, tê liệt giao thông.
Theo ghi nhận của chúng tôi, QL14 nối Đà Nẵng đi qua huyện Đại Lộc (Quảng Nam) lên các tỉnh Tây Nguyên bị ngập sâu trong nước, nhiều phương tiện cố vượt lũ. Lũ đã chia cắt các tuyến đường từ thị trấn Ái Nghĩa nối thành phố Đà Nẵng. QL14 từ Đà Nẵng đi đường Hồ Chí Minh, lên Kon Tum đã bị tắc hoàn toàn tại khu vực xã Đại Nghĩa.
Cảnh sát giao thông và Công an các đơn vị tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão. Ảnh: Thanh Tình |
Trước tình hình lũ lớn trên sông Vu Gia, từ đêm 4-11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu 2 hồ thủy điện Sông Bung 4 và Đăk Mi 4 chuyển sang trạng thái vận hành giảm lũ, được phép tích lũ đến mực nước cao nhất cho phép (đầy hồ).
Theo đó, 2 hồ chứa này đã tích từ 80-85% lượng lũ về hồ và chỉ xả lũ về sông Vu Gia từ 15-20%. Đến sáng 5-11, lưu lượng lũ về các hồ chứa nhiều, thêm hồ thủy điện A Vương được huy động vận hành giảm lũ cho hạ du sông Vu Gia. Tuy nhiên, đến chiều 5-11, với lưu lượng xả lũ về sông Vu Gia của các hồ thủy điện tăng mạnh từ 700m3/s lên 5.911m3/s (lúc 15 giờ ngày 5-11) do thủy điện Sông Bung 4 và Đăk Mi 4 đã tích đầy hồ, mực nước lũ ở huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ sẽ còn tiếp tục dâng cao và tình hình ngập lũ kéo dài ít nhất một ngày nữa.
Trưa 5-11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng có công điện yêu cầu UBND các quận, huyện triển khai ngay phương án phòng, chống lũ; rà soát, sơ tán nhân dân tại các khu dân cư những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại khu vực ven sông Yên, Túy Loan và Cu Đê (các xã Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Bắc), khu vực biển Liên Chiểu; dự trữ lương thực, nước uống đề phòng lũ lớn; thông báo tình hình mưa lũ để nhân dân chủ động ứng phó, hạn chế nhân dân đi lại trong vùng ngập lũ; sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn để chủ động, kịp thời xử lý khi thiên tai xảy ra...
Khẩn trương tiến hành triển khai dọn dẹp vệ sinh, môi trường, cây xanh ngã đổ trên các tuyến đường chính phục vụ APEC và các tuyến đường chính, địa phương quản lý, bảo đảm mỹ quan đô thị theo thư kêu gọi của Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ kêu gọi cộng đồng chung tay dọn vệ sinh đón chào APEC Ngày 4-11, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ gửi thư ngỏ kêu gọi cộng đồng chung tay dọn vệ sinh đón chào APEC. Thư của Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nêu: “Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thành phố Đà Nẵng thân mến! Thành phố của chúng ta đã vinh dự được Chính phủ tin tưởng, lựa chọn là địa điểm tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Đây là niềm tự hào to lớn đối với người dân và chính quyền thành phố. Ý thức được vinh dự và trách nhiệm đó, trong hơn 2 năm qua, cán bộ, chiến sĩ và người dân thành phố đã làm việc, cống hiến không ngừng nghỉ để hoàn thành tốt công tác chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này. Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua, Đà Nẵng và các vùng lân cận đã phải chịu ảnh hưởng không nhỏ của cơn bão Damrey, gây thiệt hại tới tài sản, đe dọa tính mạng của con người và ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC của thành phố nói riêng và của cả nước nói chung. Thay mặt cho chính quyền thành phố Đà Nẵng, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ và người dân thành phố Đà Nẵng đồng lòng ra sức hỗ trợ các lực lượng chức năng dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, sẵn sàng đón chào các đại biểu đến tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 vào ngày 6-11”. Cẩm Kim |
Hơn 4.300 hộ dân bị ngập lũ, khẩn trương di dời dân Trước diễn biến mưa, lũ phức tạp trên địa bàn huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ, tối 5-11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh họp khẩn với UBND huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ cùng các ngành liên quan để rà soát và bàn biện pháp ứng phó. Tính đến chiều 5-11, toàn huyện Hòa Vang đã có 4.345 hộ dân bị ngập lũ, các vùng rau bị thiệt hại tổng cộng 45ha và nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản. Nhờ thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nên người dân ở khu vực trũng thấp chủ động di dời đến nhà người thân ở nơi cao ráo, an toàn để tránh lũ. Quận Cẩm Lệ cũng bị ngập lũ ở một vài nơi, nhưng chỉ di dời 3 hộ dân ở phường Hòa Thọ Đông. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố nhận định tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp do các hồ thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn lũ đầy hồ, đang xả lũ với lưu lượng lớn (từ 5.000-6.000m3/s - tính đến 20 giờ tối 5-11) về hạ du sông Vu Gia, còn tiếp tục gây ngập lũ sâu cho nhiều khu vực của huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh lưu ý huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ và các xã, phường cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo mưa, lũ và triển khai nhanh về địa phương, đồng thời thông báo rộng rãi trên các đài truyền thanh để người dân biết, chủ động phòng chống. Cạnh đó, phân công các lực lượng cắm biển cảnh báo tại các tuyến đường bị chia cắt do ngập lũ, ngăn người dân không đi vào các vùng ngập lũ nguy hiểm. Các địa phương vùng lũ chủ động thông báo cho học sinh nghỉ học vào ngày 6-11 và những ngày tiếp theo nếu vẫn còn ngập. Từ sáng 6-11 đến trưa cùng ngày, các địa phương huy động lực lượng tiến hành di dời dân ở những nhà thấp trũng lên nhà cao hơn trú ẩn hoặc đến các trường học, trụ sở cơ quan; có văn bản thông báo đến các hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè trên các sông phải di dời vào bờ và người không được ở trên bè để bảo đảm an toàn tính mạng… Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cũng chỉ đạo, về lâu dài, các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ tính toán lại quy hoạch thoát nước ở khu vực xã Hòa Tiến, sớm giải tỏa những hộ dân ở khu vực trũng thấp tại xã Hòa Liên… HOÀNG HIỆP |
Bão số 12 làm 58 người chết và mất tích Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến chiều ngày 5-11, bão số 12 đã làm 29 người chết; 29 người mất tích; về nhà cửa: 626 nhà bị sập; về sản xuất nông nghiệp: 4.425ha lúa, 25.212ha hoa màu bị ngập, hư hại; về thủy sản: 228 tàu cá bị chìm, hư hỏng; 1.491 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản bị thiệt hại. Theo nhận định, đây là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua đổ bộ vào khu vực Nam Trung Bộ nhưng nhiều cấp chính quyền địa phương và người dân còn chủ quan, chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn. Theo TTXVN |
Học sinh ở huyện Hòa Vang và một số trường ở quận Cẩm Lệ nghỉ học ngày 6-11 Chiều 5-11, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng có công văn cho học sinh ở huyện Hòa Vang và một số trường ở quận Cẩm Lệ nghỉ học ngày 6-11. Công văn nêu rõ, cho phép học sinh các trường học trên địa bàn huyện Hòa Vang; học sinh các Trường mầm non Sao Mai, tiểu học Ông Ích Đường, Trần Nhân Tông và THCS Đặng Thai Mai thuộc quận Cẩm Lệ nghỉ học ngày 6-11. Nếu tình hình thời tiết diễn biến phức tạp thì thủ trưởng các đơn vị, trường học được quyền quyết định tiếp tục cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn. Do ảnh hưởng của cơn bão số 12, mưa lớn liên tục nhiều ngày qua cùng với thủy điện tăng cường độ xả lũ khiến nhiều tỉnh khu vực miền Trung xuất hiện lũ lớn. Tại thành phố Đà Nẵng, nhiều vùng trên địa bàn huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ đã bị ngập lụt. Công văn cũng hướng dẫn các đơn vị, trường học dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, sẵn sàng đón chào Tuần lễ Cấp cao APEC từ ngày 6 đến 11-11. Cụ thể: các trường huy động toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh tổng dọn vệ sinh khuôn viên, thu dọn cây xanh bị gãy đổ, trang trí lại pa-nô, khẩu hiệu, cờ phướn chào mừng Tuần lễ Cấp cao APEC. Tất cả hoàn thành công việc trước 9 giờ ngày 6-11. Các đơn vị cần bảo đảm an toàn lao động trong quá trình tham gia tổng vệ sinh. PHƯƠNG TRÀ |
Nhu yếu phẩm tăng giá Trong 2 ngày qua, do ảnh hưởng mưa bão, mặc dù nguồn hàng về các chợ Đà Nẵng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nhưng lượng khách mua bán ít hẳn. Ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn cho thấy, sáng 5-11, hầu hết các mặt hàng từ rau xanh, củ quả, trái cây… vẫn được bày bán đa dạng, tuy giá cả đã được đẩy lên khá cao. Cụ thể, rau dền tăng 3.000 đồng/bó, hành ngò tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg, cà rốt Đà Lạt 30.000 đồng/kg, đậu ve 20.000 - 23.000 đồng/kg (tăng 4.000-5.000 đồng/kg), riêng rau muống rất hiếm, giá từ 10.000 - 15.000 đồng/bó. Đối với các mặt hàng hải sản tươi sống, do tàu, thuyền về trú tránh bão nên không có nhiều hàng tươi, chủ yếu là hàng cấp đông nhiều ngày. Thay vào đó, các loại cá đồng được bày bán dồi dào. Tuy nhiên, giá cả cũng tăng theo hơn trước từ 5.000 - 10.000 đồng/loại như cá nục 40.000 - 50.000 đồng/kg, cá diêu hồng 70.000 đồng/kg, cá thu nhỏ trên 200.000 đồng/kg, cá ngừ 60.000 - 70.000 đồng/kg… Ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, mặc dù mưa bão, nhưng trước đó sở đã chỉ đạo các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị và các chợ trên địa bàn bảo đảm dự trữ nguồn hàng phục vụ mùa mưa bão. Bên cạnh đó, nhu cầu của người dân thời điểm này chưa cao nên tình trạng khan hàng không xảy ra đối với các mặt hàng nhu cầu thiết yếu. Theo nhận định của tiểu thương chợ Đầu mối Hòa Cường, lượng hàng vẫn còn nhiều tại các chợ do tồn đọng từ nhiều ngày trước, nhưng nếu tình hình mưa lớn dài ngày, dự báo giá cả thực phẩm sẽ tăng vì các xe hàng Bắc - Nam có thể không về kịp. DUYÊN ANH |
DUYÊN ANH - HOÀNG HIỆP - THÀNH LÂN