Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV

Thúc đẩy xây dựng Chính phủ kiến tạo

.

Ngày 18-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ báo cáo một số vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong khuôn khổ kỳ họp thứ 4 QH khóa XIV.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tại phiên trả lời chất vấn của Quốc hội ngày 18-11. Ảnh: Chinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tại phiên trả lời chất vấn của Quốc hội ngày 18-11. Ảnh: Chinhphu.vn

Tinh giản được trên 30.000 biên chế

Về cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ năm 2015 đến nay đã tinh giản được trên 30.000 người. Chính phủ đã tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác cán bộ, nhất là tuyển dụng, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý; đã xử lý nghiêm nhiều vi phạm.

Tuy nhiên, cải cách hành chính nhìn chung còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; tổ chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả. Tinh thần hành động quyết liệt đã được thể hiện rõ trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, nhưng vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “thờ ơ”, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện nghiêm nghị quyết và kết luận của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2021, mỗi năm giảm ít nhất 2,5% biên chế trong cả hệ thống chính trị; bảo đảm nguyên tắc không thành lập mới tổ chức làm tăng biên chế, trừ trường hợp đặc biệt được lãnh đạo Đảng, Nhà nước phê duyệt chính thức.

Đề nghị doanh nghiệp tư nhân không đưa hối lộ

Về giải pháp phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần công khai, minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, nhất là thủ tục đơn giản hơn, bảo vệ nhà đầu tư một cách chính đáng. Điều vui mừng là doanh nghiệp tư nhân trong năm nay có thể thành lập mới 125.000 doanh nghiệp. Về giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục giảm chi phí, lệ phí, nhất là chi phí không chính thức, tránh kiểm tra chồng chéo. “Nhân đây, tôi đề nghị doanh nghiệp tư nhân nói không với đưa hối lộ các cấp, ngành để giảm chi phí không chính thức”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Trả lời về vấn đề vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, FDI đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu, giải quyết lao động, chuyển giao công nghệ. Hiện xuất khẩu FDI chiếm 60% kim ngạch, giải quyết 3 triệu lao động. Tuy vậy, bên cạnh mặt tiến bộ, FDI còn một số tồn tại, bất cập phải xử lý, như: công nghệ ở mức trung bình; có tình trạng chuyển giá, trốn thuế FDI; nhiều doanh nghiệp FDI có những vi phạm và nhà nước đã xử lý nghiêm. Chính vì vậy, cần phát triển mạnh mẽ FDI trên tinh thần cơ cấu lại. “Chúng ta phải tính toán khi kêu gọi, không phải đầu tư với bất cứ giá nào”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh:  TTXVN
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Chính phủ kiến tạo là chủ động thiết kế chính sách pháp luật

Trả lời về câu hỏi Chính phủ kiến tạo là tuyên ngôn hay mục tiêu hành động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nội hàm Chính phủ kiến tạo trước hết là chủ động thiết kế chính sách pháp luật để nước ta phát triển. Đảng ta nói thể chế pháp luật là điểm nghẽn của sự phát triển thì phải chủ động tốt. Nhà nước không làm thay thị trường, nhân dân. Chính phủ kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục phục vụ người dân. Chính phủ hành động là nói đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân, thiết lập kỷ cương, thay ngay cán bộ không đáp ứng yêu cầu. “Cán bộ giao mãi không làm, chậm trễ để nhân dân chờ đợi thì kiến tạo cái gì?”, Thủ tướng Chính phủ đặt câu hỏi. Xây dựng Chính phủ điện tử và trên các lĩnh vực là hướng cần thiết để xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Trả lời câu hỏi về một số vụ án tham nhũng có bị “chìm xuồng” không, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôi khẳng định, Đảng, Nhà nước không cho phép “chìm xuồng” vụ án tham nhũng. Không có vùng cấm trong việc xử lý tham nhũng. Chính vì vậy, hệ thống hành pháp, tư pháp phối hợp các cấp, ngành, địa phương xử lý nghiêm vi phạm, đúng pháp luật để nhân dân yên tâm, công khai kết quả trước QH”. Về câu hỏi liên quan đến nạn tham nhũng vặt, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ đang tiếp thu để điều chỉnh Luật Phòng, chống tham nhũng theo tinh thần để không thể, không nên tham nhũng. Chính phủ đã báo cáo với QH, với Trung ương về việc xem xét nâng lương cho cán bộ, công chức - một biện pháp cần thiết khi tham nhũng vặt đang diễn ra.

4 bài học từ xét xử Hà Văn Thắm

Trước đó, vào buổi sáng ngày 18-11, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trả lời chất vấn của các ĐBQH.

Về bài học của vụ án Hà Văn Thắm, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết đã rút ra 4 bài học. Thứ nhất là đã xác định đúng tội danh, sau lần xử sơ thẩm thứ nhất đã trả hồ sơ và yêu cầu viện kiểm sát truy tố đúng tội danh. Thứ hai là có tranh tụng trong xét xử, vụ án được công khai, minh bạch. Thứ ba, xét xử có phân hóa - mở đường cho người làm công ăn lương. Thứ tư, hội đồng xét xử đã làm hết chức năng của mình, bên cạnh việc tuyên án rất nghiêm minh, trách nhiệm, cũng đã kiến nghị khởi tố một số vụ án liên quan, xử lý cán bộ và chấn chỉnh hoạt động quản lý kinh tế.

Đề cập vụ Trịnh Xuân Thanh, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, đầu năm nay, tòa đã khởi tố bổ sung bị cáo này trong phiên tòa xét xử phúc thẩm về hành vi tham ô. Mới đây, các cơ quan chức năng đã họp và đang điều tra theo hướng đó; ngoài Trịnh Xuân Thanh thì khởi tố bổ sung 3 bị can khác.

Lạm phát tiếp tục được kiểm soát

Cập nhật tình hình kinh tế - xã hội từ Phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa IX đến nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, giá tiêu dùng tháng 10 tăng 2,25% so với tháng 12-2016, bình quân 10 tháng tăng 3,71%. Các chính sách tài chính, tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, vốn tín dụng tập trung cho lĩnh vực ưu tiên... Theo xếp hạng do Ngân hàng Thế giới vừa công bố, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ.

S.TRUNG tổng hợp

;
.
.
.
.
.