Kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất (18-11-1930 – 18-11-2017)

Khối đại đoàn kết toàn dân Đà Nẵng - nhìn từ kinh nghiệm lịch sử và ý nghĩa hiện thực

.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ sức mạnh vô song; đến thời đại ngày nay, Đảng ta đã đúc kết và khẳng định là “động lực chủ yếu để phát triển đất nước”.

Tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc phải được xem như một giá trị văn hóa vĩnh hằng, là nhân tố cực kỳ quan trọng cấu thành nền văn-hóa-chính-trị Việt Nam.

Sự đồng thuận của người dân Đà Nẵng góp phần tạo diện mạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.  Ảnh: ĐẶNG NỞ
Sự đồng thuận của người dân Đà Nẵng góp phần tạo diện mạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Lần giở những trang lịch sử xứ Quảng, sau thắng lợi của cuộc bình Chiêm năm 1471 của vua Lê Thánh Tông, những lưu dân Việt đầu tiên từ đồng bằng sông Mã, sông Lam và một phần châu thổ sông Hồng lần lượt đặt chân đến đất này. Từ đây đã tạo nên mối giao thoa của nền văn hóa Đại Việt với văn hóa Chăm-pa trong tiến trình tiếp biến văn hóa cực kỳ quan trọng để hình thành lớp người đầu tiên của cộng đồng cư dân xứ Quảng.

Chính đặc điểm lịch sử này đã đặt ra cho thế hệ tiền nhân một sứ mệnh trọng đại, đó là phải nhanh chóng tạo ra một khối liên kết cộng đồng để chống chọi lại với “kẻ thù hai chân và bốn chân” nơi vùng đất không mấy được thiên nhiên ưu đãi với “thế nước chảy gấp” và “thổ lực không hậu” (“Đại Nam nhất thống chí”) (1).

Đây cũng là mảnh đất mà kẻ thù xâm lăng đã bao phen dòm ngó. Ngay từ đầu thế kỷ XV, trong tác phẩm nổi tiếng Dư địa chí, nhà chính trị và nhà quân sự thiên tài Nguyễn Trãi đã mệnh danh đây là “phên dậu thứ năm” của nước Đại Việt. Chúa Nguyễn Hoàng trước lúc lâm chung đã nhắc con cháu mình không quên “đây là đất yết hầu của miền Thuận, Quảng”.

Lịch sử còn ghi đậm cột mốc ngày 1 tháng 9 năm 1858, khi Đà Nẵng thay cho cả đất nước đương đầu cuộc xâm lăng đầu tiên của một đế quốc phương Tây thời kỳ cận đại với hàng ngàn phát đại bác cùng với hơn 2.000 lính liên quân Pháp-Tây Ban Nha đổ bộ lên cửa biển Đà Nẵng.

Âm mưu của địch là đánh nhanh thắng nhanh chiếm Đà Nẵng, từ đó uy hiếp kinh đô Huế và buộc triều đình nhà Nguyễn đầu hàng. Nhưng sự kháng cự quyết liệt của quân và dân Đà Nẵng đã làm cho kẻ thù bị sa vào một thế trận bị vây hãm, tiêu hao sinh lực, cuối cùng phải rút lui, chuyển hướng tấn công vào Gia Định, để lại “một tháp hài cốt chứa ngàn thánh giá” trên bán đảo Sơn Trà, như lời sử gia người Pháp P.Héduy trong cuốn Lịch sử Đông Dương xuất bản 1983 tại Paris (2).

Sau đó, còn hai lần Pháp quay lại Đà Nẵng (vào tháng 4 năm 1859 và tháng 9 cùng năm đó) nhưng cuối cùng vẫn chọn giải pháp lui binh sau 19 tháng hao người tốn của, bị vây chặt tại mặt trận Đà Nẵng.

Lịch sử hiện đại thế kỷ XX lại ghi tiếp trang sử chống ngoại xâm mới của vùng đất này. Tại bãi biển Xuân Thiều, ngày 8 tháng 3 năm 1965, những tên xâm lược Mỹ đầu tiên của tiểu đoàn thủy quân lục chiến đổ bộ lên Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược tàn bạo của tên sen đầm số 1, tên đế quốc hùng mạnh nhất của thế kỷ XX.

Cùng với quân dân Quảng Nam với trận đánh Núi Thành nổi tiếng vào tháng 5-1965 tiêu diệt 1 đại đội lính Mỹ, quân và dân Đà Nẵng đã xứng đáng với danh hiệu “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”; cùng cả nước 20 năm can trường đổ máu hy sinh, đi tới thắng lợi huy hoàng Đại Thắng Mùa Xuân 1975 lịch sử.

Bài học thắng lợi ở đây là gì? Lẽ đương nhiên đây là bài học tổng hợp với nhiều nguyên nhân, nổi bật lên đó là lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, sự mưu lược, tài trí... Nhưng tất cả những phẩm chất đó được đặt trên cái nền của khối đoàn kết cộng đồng vững chãi của quân và dân Đà Nẵng. Trở lại với sự kiện 1858. Lúc ấy có thể nói là không tránh khỏi tâm lý ngỡ ngàng trước đám quan lính “Tây dương”! Súng ống thô sơ, kinh nghiệm trận mạc chưa có. Vậy thì, sức mạnh ban đầu ở đây chỉ có thể là sự đồng tâm nhất trí đánh Tây. Có những hình thức chiến tranh mà nếu như chỉ có quân đội triều đình, hoặc nếu chỉ một nhóm nhỏ người dân thì không thể giành thắng lợi được.

Chẳng hạn như việc đào hào đắp lũy kiên cố ven biển để ngăn không cho địch tiến sâu vào nội địa; việc xây thành Điện Hải và hệ thống lũy đất cao trong khu vực nội thành; rồi đến việc nhân dân nhất tề thực hiện “vườn không nhà trống”, đan sọt tre, đóng thùng gỗ chứa đất đá lấp sông Vĩnh Điện chặn tàu chiến giặc, dùng “thảo long” (rồng cỏ) đốt tàu chiến. Nhiều hình thức tập hợp dân chúng độc đáo như các đội “chiến tâm”, “dân dõng”, kể cả các đội “hiên thuận” gồm những người tù tự nguyện tham gia đánh giặc.

Hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân ở Đà Nẵng còn có sự tham gia của các giáo dân. Khi đặt chân lên vùng đất này, người Pháp hy vọng là sẽ có sự nổi dậy hưởng ứng của giáo dân địa phương phối hợp với đại bác và pháo hạm. Nhưng sự thực đã hoàn toàn trái ngược.

Tài liệu lưu trữ của Pháp còn ghi lại một sự thật não nề: “Ngay từ những ngày đầu, người Việt Nam đã tạo một khoảng trống chung quanh người Pháp, đạo quân con chiên mà Rigault de Genouilly (Viên chỉ huy đầu tiên của liên quân Pháp-Tây Ban Nha đánh vào Đà Nẵng-TG) trông chờ đã không xuất hiện.

Trái lại không có một con chiên nào đứng trong hàng ngũ Pháp, và những lời cam kết cùng hứa hẹn của những người truyền giáo, là sẽ có mặt trong đoàn quân viễn chinh Pháp, đã không được chứng thực tí nào”(3). Thực tế lịch sử đã chứng minh, tính cố kết cộng đồng không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, sắc tộc, tôn giáo là một phẩm chất quý báu của con người xứ Quảng, con người Đà Nẵng.

Lịch sử đã để lại cho vùng đất này gia tài to lớn và vô giá, đó là một Nhân Dân đã từng được tôi luyện và trưởng thành qua bao lần đổ máu hy sinh đi đầu chống ngoại xâm. Từ chiến đấu chống kẻ thù ngoại xâm sang chiến đấu chống nghèo nàn lạc hậu, các tầng lớp nhân dân thành phố Đà Nẵng đã phấn đấu tận lực trong quá trình xây dựng thành phố từng bước giàu mạnh, văn minh hiện đại.

Hơn 20 năm sau ngày trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn thách thức tất yếu trong quá trình phát triển, nhưng trên tất cả các lĩnh vực, thành phố Đà Nẵng đều đã có những bước phát triển đầy ấn tượng.

Chỉ riêng về mặt quy hoạch, chỉnh trang đô thị, có thể nói đây là một cuộc cách mạng trong nếp nghĩ, nếp sống đồng thời cũng là một thử thách đối với khối đại đoàn kết toàn dân thành phố. 120.000 hộ dân trên tổng dân số 800.000 dân cơ hữu liên quan đến giải tỏa nhà cửa, đất đai, vườn tược động chạm đến cuộc sống, lợi ích và cả những kỷ niệm thiêng liêng của mỗi gia đình. Nhưng điều đáng quý là đã không xảy ra những “điểm nóng” và rất ít hiện tượng khiếu kiện đông người vượt cấp.

Có được những thành tựu đầy ấn tượng như trên là nhờ cả hệ thống chính trị đều nhập cuộc. Cấp ủy Đảng ban hành các chỉ thị nhằm thực hiện tốt quy chế dân chủ, coi trọng công tác tư tưởng, chống mọi hành vi quan liêu, nhũng nhiễu, hách dịch với nhân dân.

Chính quyền tích cực đôn đốc triển khai, luôn có mặt tại những nơi xung yếu. Mặt trận các cấp vận động, thuyết phục các tầng lớp nhân dân. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội đã được Đảng bộ và chính quyền thành phố ghi nhận, thể hiện qua các hình thức tập hợp, vận động đa dạng, linh hoạt, từ đó đã nâng cao giác ngộ chính trị và huy động đông đảo nhân dân tham gia tích cực các cuộc vận động lớn của chính quyền thành phố.

Từ thực tế lịch sử cũng như kinh nghiệm những năm gần đây cho thấy vai trò quan trọng của tính tích cực chính trị, thái độ đồng tình hưởng ứng của người dân đối với những chủ trương lớn của thành phố, từ các bậc lão thành cách mạng, các vị cao niên đã sống qua nhiều chế độ đến các chức sắc tôn giáo, những nhân sĩ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, công thương gia; từ những công chức, viên chức đến người lao động nghèo...

Cũng từ thực tế đó, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã đúc kết và khẳng định, trong những năm qua, cái được lớn nhất của Đà Nẵng là được lòng dân, cái được lớn nhất là tạo ra sự đồng thuận trong xã hội để xây dựng Đà Nẵng vươn lên giàu đẹp từ trong gian khó, nghèo nàn.

Trong điều kiện của cơ chế thị trường hiện nay, vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc hoàn toàn không đơn giản. Sức công phá của mặt trái cơ chế thị trường dẫn đến những biến động trong cơ cấu thành phần dân cư, sự phân tầng xã hội, khoảng cách giàu nghèo... đã có những tác động tiêu cực đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thang giá trị đạo đức xã hội có những biến động. Tính ích kỷ, thu vén cá nhân, lợi ích cục bộ đang là lực cản của khối liên kết cộng đồng. Đó là chưa kể những nguyên nhân bên ngoài, đang phá hoại truyền thống đoàn kết lâu đời của dân tộc.

Bối cảnh chính trị xã hội ấy lại càng đòi hỏi người đảng viên cộng sản, người cán bộ của dân, trong đó có cán bộ Mặt trận, đoàn thể phải thực sự gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân và đặc biệt là có trách nhiệm với dân trong hoạt động thực tiễn để nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Không thể bằng lời nói hoa mỹ về vai trò quần chúng trong khi suy nghĩ và hành động lại dựa vào một nhóm lợi ích đứng trên quần chúng.

Đây là bài học không mới, nhưng luôn là bài học quý giá để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; là bài học không chỉ rút ra từ lịch sử, không chỉ cho hôm qua, cho hôm nay mà cho tất cả các thế hệ mai sau. Trong tình hình hiện nay, cốt lõi của bài học này là thái độ chủ động, thành tâm đến với nhân dân để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân đồng thời giải quyết những bức xúc trong nhân dân.

Hơn lúc nào hết, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành như chân lý được kiểm nghiệm, đồng thời như một thứ văn hóa ứng xử trong hiện tại: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị... Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. (4)

Sức mạnh của tư tưởng đại đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta, trải qua tiến trình lịch sử, đã trở thành tài sản vô giá, một thứ “vốn xã hội” phải luôn được bổ sung và bảo tồn, ngay cả trong kỷ nguyên phát triển vũ bão về khoa học công nghệ, khi máy móc có thể làm thay sức mạnh và trí tuệ của con người.

Thành phố Đà Nẵng - một cực phát triển của đất nước cũng sẽ tiếp tục giữ gìn, phát huy và nhân lên sức mạnh ấy để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vì một thành phố hiện đại, giàu đẹp, văn minh, góp phần vào sự nghiệp phát triển đi lên của dân tộc.

Bùi Công Minh

(1), (2), (3): Dẫn theo Tìm hiểu con người xứ Quảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam xuất bản, 2004.
(4) Bài nói chuyện tại Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên Việt toàn quốc, ngày 10-1-1955. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, tập 7, tr.438.

;
.
.
.
.
.