Lũ rút chậm, hơn 7.500 hộ dân bị ngập

.

ĐNO - Từ 9 giờ sáng 6-11, lũ trên sông Vu Gia bắt đầu rút nhưng rất chậm do lũ chảy qua các cửa tràn của các hồ chứa thủy điện về sông Vu Gia trên dưới 2.000m3/s.

Đường Thăng Long đoạn qua cầu Cẩm Lệ bị ngập lũ rất sâu.
Đường Thăng Long đoạn qua cầu Cẩm Lệ bị ngập lũ rất sâu. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Đến sáng 6-11, các khu vực ngập ở hai bên sông Túy Loan lũ đã rút mạnh. Tuy nhiên, do lũ của sông Vu Gia ở mức cao nên ở ngã ba Túy Loan có hiện tượng lũ chảy từ sông Yên qua sông Túy Loan để thoát về sông Cầu Đỏ. Vì vậy, mực nước ngập trong nhà dân hạ thấp chậm.

 

Nhiều nhà dân ở huyện Hòa Vang vẫn còn ngập sâu vì lũ rút chậm.
Nhiều nhà dân ở huyện Hòa Vang vẫn còn ngập sâu vì lũ rút chậm. Ảnh: HOÀNG HIỆP

 

Lũ sông Vu Gia ở xã Hòa Tiến cũng bắt đầu rút chậm từ 9 giờ trưa 6-11. Vệt lũ trên cột mốc lũ ở xã Hòa Tiến cho thấy, mực nước lũ cao nhất trong đợt lũ này chỉ thấp hơn đỉnh lũ năm 1999 là 0,5m.

Lũ sông Vu Gia dâng cao vào rạng sáng 6-11 đã gây ngập sâu tuyến Quốc lộ 1A ở khu vực giáp cầu Quá Giáng và ở thôn Giáng Nam 2. “Lũ năm nay cao hơn đỉnh lũ năm 2013. Đa phần nhà dân ngập sâu từ 0,3-0,5m, chỉ có một xóm nhỏ ngập sâu từ 1-1,5m. Đến chiều 6-11, lũ rút rất chậm nên vẫn còn ngập Quốc lộ 1A”, ông Lê Đình Ca, Chủ tịch UBND xã Hòa Phước cho hay.

Tuyến đường Cầu Đỏ - Túy Loan vẫn còn bị ngập lũ ở nhiều đoạn.
Tuyến đường Cầu Đỏ - Túy Loan vẫn còn bị ngập lũ ở nhiều đoạn. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng, đến chiều 6-11, huyện Hòa Vang có 9/11 xã (72/119 thôn) bị ngập lũ, lụt với tổng số hộ dân bị ngập là 7.569 hộ. Các địa phương đã sơ tán 319 hộ dân bị ngập sâu (chủ yếu ở huyện Hòa Vang), còn lại, người dân chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, tự di dời sang nhà người thân, quen ở khu vực cao hơn để tránh lũ.

Người dân thôn Tây An (xã Hòa Châu, h ... ) đang sơ tán ra khỏi nhà ngập lũ.
Người dân thôn Tây An (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đang sơ tán ra khỏi nhà ngập lũ. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Về giao thông, còn nhiều tuyến đường liên xã bị chia cắt như: ĐT.601, ĐH2, ĐH409 và các tuyến đường liên thôn, liên xã ở 7 xã: Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Liên đã bị chia cắt hoàn toàn.

Lũ ngập chấm mái các nhà tạm ven sông Cầu Đỏ.
Lũ ngập chấm mái các nhà tạm ven sông Cầu Đỏ. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Đặc biệt, lũ, lụt đã gây thiệt hại nặng cho diện tích 78,9ha trồng rau, trong đó, huyện Hòa Vang có 45ha, quận Liên Chiểu 6ha, Cẩm Lệ 10,9ha, Ngũ Hành Sơn 17ha; 1ha khoai và sắn (quận Liên Chiểu), 4ha hoa cúc vừa trồng để chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán (quận Cẩm Lệ)… Ngoài ra, còn nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản cũng bị thiệt hại.

“Hai mẹ con tôi trồng ít rau cải để ăn và bán, mua mắm muối, nhưng bị lũ ngập lên dập hết cả. Diện tích trồng đậu tây cũng hư hại hoàn toàn. Ngay cả khoảnh đất nhỏ trồng sả ở ven đường Cầu Đỏ - Túy Loan bị ngập lũ nên phải thu hoạch ngay và mùa sau phải trồng lại vì sau khi ngập lũ là thối rễ”, bà Đồng Thị Thoàng (trú tổ 5, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) bần thần.

Bà Đồng Thị Thoàng (trú tổ 5, phường H ... h trồng sả vì ngập lũ gây thối rễ
Bà Đồng Thị Thoàng phải nhổ trụi diện tích trồng sả vì ngập lũ gây thối rễ. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bé, một hộ nuôi cá lồng trên sông Cẩm Lệ đang cho hay: “Lứa cá diêu hồng mới nuôi gần 2 tháng, gặp lũ về nên bị chết, phải đem lên đường bán nhằm vớt vát chút vốn, nhưng nhiều người chê”.

Một bè cá diêu hồng nuôi ở sông Cẩm Lệ bị chết do lũ về được đem lên bờ bán để vớt vát vốn.
Một bè cá diêu hồng nuôi ở sông Cẩm Lệ bị chết do lũ về được đem lên bờ bán để vớt vát vốn. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Một hộ kinh doanh thuê xe múc vớt bè ... àm hỏng cầu tạm ở gần cầu Cẩm Lệ.
Một hộ dân thuê xe múc vớt bèo và rau muống dày đặc để tránh làm hỏng cầu tạm ở gần cầu Cẩm Lệ. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Một người dân đứng rất lâu để chờ có thuyền nào đi ngang xin đi nhờ vào nhà.
Một người dân đứng rất lâu để chờ có thuyền nào đi ngang xin đi nhờ vào nhà. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Ông Nguyễn Bình, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu cho hay: “Xã có 6/8 thôn bị ngập lũ, nhưng thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nên người dân chủ động phòng, chống lũ.

Hiện thôn Tây An có 120 hộ, đa phần lũ không tràn vào nhà. Xã cũng đã chuẩn bị sẵn mì tôm và phương tiện để sẵn sàng đưa vào cho dân”.

Còn theo ông Ngô Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến, hiện xã có hơn 3.200 hộ bị ngập lũ. Xã đã chủ động sử dụng thuyền thường xuyên đi vào các khu dân cư để trợ giúp người dân ngập lũ và đã kịp thời đưa 3 trường hợp đi cấp cứu, đưa một trẻ em từ khu vực ngập lên đường cao tốc đoàn tụ với bố mẹ.

“Do lũ lên nhanh, đúng ngày chủ nhật nên nhiều bà con chưa kịp dự trữ thức ăn, điện lại cúp nên nhiều hộ không còn thức ăn tươi trong tủ lạnh. Có thể các hộ dân ngập lũ bị đứt bữa, nhưng không đến nỗi thiếu lương thực, thực phẩm”, ông Ngô Ngọc Trúc nói.

Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cũng cho hay: “Xã có 590 hộ bị ngập sâu. Người dân chủ động phòng, chống lũ theo phương châm “4 tại chỗ” và cũng có lương thực, thực phẩm trong nhà. Tuy nhiên, do ngập lũ đã hơn 2 ngày nên có thể có đứt bữa”.

Ông Ngô Văn Dụng (trú tổ 2, thôn Tâ ... en mua đem đến đầu đường ĐT.605.
Một người dân vui mừng vì bơi ghe ra nhận được bánh mì và thịt gà do người quen mua đem đến đầu đường ĐT.605. Ảnh: HOÀNG HIỆP

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.