Ngày 24-11, tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ phát động hưởng ứng sáng kiến toàn cầu “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học”. Theo báo cáo của Bộ Công an, mỗi năm cả nước xảy ra 3.000 - 4.000 vụ bạo lực trẻ em, trong đó có khoảng 100 trẻ em bị giết hại và 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục được phát hiện. Còn theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, gần 74% số trẻ em Việt Nam từ 2-14 tuổi bị cha, mẹ, người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực; gần 24% số phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 15 tuổi cho biết, chồng họ đã có hành vi bạo lực đối với con.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bạo lực trẻ em trong gia đình, nhà trường chủ yếu là do: gia đình, nhà trường chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quan tâm đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Đồng thời cha mẹ, người chăm sóc trẻ em thay thế, thầy cô giáo và chính bản thân trẻ em còn thiếu kiến thức cơ bản về ý thức, hành vi thực hiện pháp luật về quyền trẻ em, đặc biệt quyền được bảo vệ, quyền được đảm bảo an toàn của trẻ…
Lễ phát động hưởng ứng sáng kiến toàn cầu “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học” là hoạt động nằm trong Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 và hưởng ứng sáng kiến toàn cầu “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học” của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, triển khai tại Việt Nam trong 5 năm 2017-2022.
Kim Ngân