Chiều 22-11, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam tiếp tục có mưa to. Đợt mưa lũ khiến 3 người chết, 1 người bị thương.
Người dân Thừa Thiên-Huế khó khăn khi mưa lũ gây ngập kéo dài. |
Chiều 22/11, tại Thừa Thiên - Huế trời mưa to đến rất to, lũ trên các sông dâng cao trở lại. Nhiều nơi thấp trũng ở các huyện Quảng Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà bị chia cắt.
Tại xã Quảng Phước, nước lũ dâng cao, hơn 300 nhà dân ngập sâu đến nửa mét. Mưa lớn gây ngập các tuyến đường giao thông huyết mạch, phương tiện đi lại chủ yếu bằng ghe thuyền.
Ông Nguyễn Hồng ở thôn Thủ Lễ 2, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền cho biết, nhà ông ngập sâu hơn nửa mét, thiệt hại 3 tấn xi măng. Cơn lũ lớn khiến gia đình ông Hồng rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn, chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Phương tiện đi lại của người dân trong những ngày mưa lũ. |
Lũ chồng lũ gần nửa tháng qua khiến cuộc sống hàng ngàn hộ dân ở vùng trũng tỉnh Thừa Thiên - Huế đảo lộn, nguồn lương thực dự trữ đã cạn. Đợt mưa lũ này ở Thừa Thiên - Huế đã làm 3 người chết, hơn 10 nghìn hộ dân bị ngập nhà; hơn 600ha hoa màu và cây ăn quả bị lũ cuốn trôi.
Đường về các xã vùng thấp huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị nước đã rút bớt. |
Bà Trần Thị Vẽ ở thôn Giáp Kiền, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà ngao ngán: "Khổ lắm! Đi đâu cũng không được, đi làm không được, đi buôn đi bán cũng không được. Khó khăn phải chịu chứ biết làm sao. Lúa ướt, hư đậu hư rau, chuối thì gãy nhiều".
Tại thành phố Đà Nẵng, mưa to cộng với thủy điện trên thượng nguồn xả nước khiến các xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Châu, Hòa Liên, huyện Hòa Vang ngập lụt trở lại.
Nước lũ rút chậm, một số trường học ở Quảng Trị tiếp tục cho học sinh nghỉ học. |
Theo dự báo, trời sẽ tiếp tục mưa to. Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam yêu cầu các chủ hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2, A vương, Đăk Mi 4, sông Bung chủ động xả điều tiết để đón đợt lũ mới.
Ông Đinh Hữu Tấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Mi, chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 4 cho biết, Thủy điện Đăk Mi 4 xả 200m2/giây, trong đó xả về phía sông Vu Gia một nửa, còn một nửa xả nước phát điện về phía sông Thu Bồn: "Dự báo đêm mai có mưa lớn nên hạ nước trong hồ. Theo công văn của tỉnh thì hạ mực nước trước để khi lũ về còn có thể tích nước đón lũ. Đề phòng từ tối ngày 23-25, lượng mưa về nhiều, lúc đó mình giữ nước trên hồ để giảm lũ cho hạ du".
Đến chiều nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, mưa đã giảm. Nước lũ tại các xã vùng thấp trũng huyện Hải Lăng rút chậm. Hiện vẫn còn hơn 100 hộ dân bị ngập lụt. Nước rút đến đâu người dân bắt tay vào khắc phục thiệt hại đến đó. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ các địa phương đã phân công các thành viên trực thường xuyên, theo dõi mực nước trên các sông, hồ đập kịp thời xử lý, ứng phó với thiên tai./.
Theo VOV