Chính trị - Xã hội
Nét đẹp trợ tang
Do phương thức sản xuất mang tính tương trợ, cách sinh hoạt đậm nét cộng đồng nên dù đã trải qua bao đời, người dân quê vẫn giữ cách đối đãi son sắt nghĩa tình. Hiện nay, nhiều vùng thôn quê của huyện Hòa Vang còn duy trì hoạt động trợ tang mang đậm tình làng, nghĩa xóm như thế.
Đoàn người thôn Thạch Bồ (xã Hòa Phong) vượt lũ đưa tiễn người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng năm 2009. |
Chuyện người như chuyện nhà mình
Đã qua hơn 5 năm nhưng mỗi khi nhắc đến tình nghĩa xóm làng, ông Đinh Ha, Bí thư Chi bộ thôn Phú Hòa 2 (xã Hòa Nhơn) luôn nhớ đến đám tang của ông Nguyễn T. Ông T. ra đi sau thời gian ốm đau nặng. Ông có 3 người con thì đứa con lớn tật nguyền, hai đứa nhỏ đang tuổi ăn học nên tang gia rất bối rối.
Trước hoàn cảnh đó, Chi bộ, Ban nhân dân, Ban công tác Mặt trận và Chi hội Chữ thập đỏ của thôn đã họp khẩn để bàn việc tang lễ cho ông T. “Chúng tôi phân công mỗi người một việc, từ lo chạy vòng ngoài đến tiếp khách, nghi lễ cũng như đào huyệt, phương tiện di quan… Mỗi cá nhân nhận nhiệm vụ phải nỗ lực như lo chuyện của chính gia đình mình nên việc hậu sự của ông T. đều suôn sẻ” ông Ha chia sẻ.
Trường hợp ông T. không phải hiếm ở huyện Hòa Vang. Trong đợt lũ cuối năm 2009, nước lên rất nhanh, người dân vùng thấp trũng Thạch Bồ (xã Hòa Phong) vừa lo chạy lũ vừa chung tay lo hậu sự cho ông Nguyễn C. để đưa cụ ông 87 tuổi này đến nơi an nghỉ cuối cùng tại trảng Bà Đài.
Hiện nay, hầu hết 119 thôn trên địa bàn huyện Hòa Vang đều có Ban trợ tang. Hoạt động của Ban trợ tang ở mỗi thôn có thể khác nhau nhưng chung quy là cùng với tang gia lo hậu sự chu đáo. Mỗi khi gia đình nào trong thôn có người mất, thôn sẽ huy động 8 đầu xe (chủ xe là người địa phương) để đưa tang, hoặc xe tang của thôn để chở quan tài. Bên cạnh đó, thôn cắt cử người túc trực tại đám tang lo kiểng cổ, chiêng trống. “Cứ gia đình nào trong thôn có người mất, chúng tôi đều đến trao đổi với tang gia để biết cần giúp những gì. Đám tang nào cũng vậy, chúng tôi không phân biệt gia đình giàu hay nghèo”, ông Ha cho biết.
Văn minh trong việc tang
Sau nhiều năm vận động, đến nay phần lớn các thôn tại huyện Hòa Vang đều triển khai mô hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Đặc biệt, có chi bộ xây dựng nghị quyết về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang” như thôn Cẩm Nê (xã Hòa Tiến), thôn Phò Nam (xã Hòa Bắc)… Đặc biệt, tập tục rải vàng mã trên đường đưa tang hầu như không còn.
Để thay đổi tập tục từ xưa của người dân không phải là điều dễ dàng. Ông Trần Đình Nhơn, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Tiến cho rằng, Chỉ thị 43-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về Năm văn hóa, văn minh đô thị đã giúp người dân nhận thức được sự lãng phí và tốn kém trong tang lễ. Hiện nay, nhiều thôn đã áp dụng mô hình “3 không trong ma chay”: không rải vàng mã; không uống rượu, đánh bài và không thuê nhạc công.
“Trong quá trình giúp tang chủ lo hậu sự, Ban trợ tang chỉ quán xuyến công việc được giao chứ tuyệt nhiên không dùng cơm của gia tang”, ông Ha nhấn mạnh. Bởi theo ông Ha, trong lúc tang gia bối rối, tang chủ phải lo biết bao công việc nhưng vẫn phải dành không ít thời gian, công sức, tiền bạc để lo cơm nước là quá tốn kém và không cần thiết.
Việc trợ tang ở huyện Hòa Vang có từ rất lâu đời và vẫn được duy trì đến ngày nay. Được sự hướng dẫn về thực hiện nếp sống văn minh nên việc trợ tang của nhiều địa phương cũng đã thay đổi theo hướng tinh gọn, hiện đại nhưng trách nhiệm với người quá vãng và cái tình, cái nghĩa xóm làng thì vẫn bảo lưu nguyên vẹn như thuở xa xưa.
Bài và ảnh: THANH GIANG