Các phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV tiếp tục ghi nhận những đổi mới theo hướng tích cực.
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 đã khép lại trong một dư âm tốt. Không chỉ tiếp đà cho Hội nghị TW 6 về quyết tâm tinh gọn bộ máy, phòng chống tham nhũng, phát triển bền vững đất nước, kỳ họp còn cho thấy, mọi vấn đề của dân thì dân đều có quyền được biết, công khai, dân chủ.
Các đại biểu tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV |
Giữa bộn bề công việc cuối năm, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 có thời gian làm việc ngắn hơn thường lệ. Ngắn nhưng không có nghĩa là cắt giảm chương trình. Một khối lượng lớn công việc đã được giải quyết, từ lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề lớn của đất nước cho đến những vấn đề kinh tế- xã hội sát sườn cho năm 2018. Ngắn nên càng phải hiệu quả, thực chất.
Diễn ra ngay sau hội nghị TW6, cử tri như được tiếp thêm niềm tin khi một loạt vấn đề về tinh gọn bộ máy, phòng chống tham nhũng và phát triển bền vững đất nước được mổ xẻ, thẳng thắn và quyết liệt.
Không thẳng thắn sao được khi thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao trong khi có đến 11 triệu người được hưởng lương ngân sách, bộ máy hành chính thì cồng kềnh, kém hiệu quả.
Không sốt ruột sao được khi trước và sau kỳ họp thứ 3, trong gần 1.600 cuộc tiếp xúc cử tri thì hầu như cuộc tiếp tục nào, dân cũng bày tỏ lo lắng về vấn nạn tham nhũng, về những cán bộ giàu lên nhanh chóng, về những khối tài sản bất thường,về cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập hết sức lỏng lẻo…
Bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu vướng mắc, tồn tại, hạn chế đã vang lên giữa nghị trường để rồi, Quốc hội đã thống nhất dành thêm thời gian để thảo luận thật kỹ, thật thấu đáo trước khi thông qua Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi.
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 không chỉ đề ra chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể cho phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018 mà còn thông qua nhiều quyết sách quan trọng cho sự phát triển bền vững đất nước những năm sắp tới.
Đó là những quyết sách về hạ tầng giao thông, về đền bù, tái định cư cho dân khi nhà nước thu hồi đất để xây dựng sân bay, là những cơ chế chính sách đặc thù cho đô thị lớn nhất cả nước cũng như tạo đà cất cánh cho những vùng đất tiềm năng.
Cử tri mong muốn, mỗi cái bấm nút hôm nay của đại biểu sẽ được hiện thực hóa trong tương lai với những gam màu tươi sáng, không phải ân hận, không phải tiếc nuối. Nhất định phải như vậy.
Kỳ họp thứ 4 có tổng cổng 26 ngày làm việc thì có đến 11 ngày được phát thanh và truyền hình trực tiếp đến cử tri cả nước. Ngay cả những phiên thảo luận về hoạt động tư pháp cũng được công khai để những nghi ngại, những râm ran, đồn đoán trong dư luận lâu nay không còn chỗ đứng. Những báo cáo mật, những phiên họp kín dần được thay thế bằng những phiên họp công khai, dân chủ và trách nhiệm.
Cũng như các kỳ họp trước, hoạt động chất vấn luôn sôi động và thu hút sự quan tâm, theo dõi của cử tri cả nước. Hàng loạt vấn đề nóng về nợ công, thuế, hải quan, về hoạt động ngân hàng, nợ xấu, ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội, tác động của cơ chế thị trường đối với hoạt động truyền thông, những lỗ hổng trong quản lý an ninh mạng…đã được thảo luận một cách sôi nổi.
Đã bớt đi những câu hỏi dông dài, đã vơi dần những câu trả lời chung chung, đùn đẩy trách nhiệm. Ngay những thành viên mới của Chính phủ lần đầu đăng đàn cũng thể hiện được bản lĩnh, sự sâu sát đối với lĩnh vực mình được phân công quản lý.
Cũng ở đó, cử tri đã thấy rõ hơn về một Chính phủ hành động và kiến tạo như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đó là một Chính phủ với trách nhiệm kiến thiết một môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo phúc lợi xã hội và nói đi đôi với làm.
Có thể nói, những đổi mới trong cách thức thảo luận về kinh tế - xã hội - ngân sách nhà nước, việc tăng thời gian thảo luận tại Hội trường, tăng cường tính đối thoại và tranh luận đã tạo nên sự đồng thuận cao trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng. Nghị trường càng sôi động thì càng mang hơi thở cuộc sống, càng gần gũi với cử tri và những quyết sách sẽ không xa rời thực tế.
Theo VOV