Sáp nhập các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp và dạy nghề:

Cách làm hay của Đà Nẵng

.

8 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Kỹ thuật tổng hợp-Hướng nghiệp và dạy nghề (GDTX, KTTH-DN)) của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thành phố đã sáp nhập thành 3 Trung tâm GDTX số 1, số 2 và số 3. Qua hơn 10 tháng hoạt động, các trung tâm phát huy hiệu quả, tinh thần cán bộ, giáo viên phấn khởi, thu nhập có cải thiện. Kết quả này khẳng định phương án sắp xếp của Sở GD-ĐT là đúng đắn và là điểm sáng về sắp xếp lại hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố.

Việc sắp xếp lại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên của Đà Nẵng được đánh giá gọn tổ chức bộ máy và tăng tính năng động của các đơn vị sự nghiệp. TRONG ẢNH: Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 1 của thành phố.
Việc sắp xếp lại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên của Đà Nẵng được đánh giá gọn tổ chức bộ máy và tăng tính năng động của các đơn vị sự nghiệp. TRONG ẢNH: Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 1 của thành phố.

Bộ máy gọn, thu nhập cải thiện

Theo đề án của Sở GD-ĐT, các Trung tâm GDTX, KTTH-DN quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà sáp nhập thành Trung tâm GDTX thành phố và đổi tên thành Trung tâm GDTX số 1; các Trung tâm GDTX, KTTH-DN quận Hải Châu, Liên Chiểu, Thanh Khê sáp nhập thành Trung tâm GDTX thành phố số 2; các Trung tâm GDTX, KTTH-DN huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ sáp nhập thành Trung tâm GDTX thành phố số 3.

Theo lãnh đạo cả 3 trung tâm cho biết, tất cả cán bộ, giáo viên đều rất hào hứng đón nhận chủ trương sáp nhập, làm gọn bộ máy của trung tâm GDTX các quận, huyện trước đây. Bởi mọi người đều có chung mong muốn thoát khỏi cảnh hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả kéo dài nhiều năm do khó khăn trong công tác tuyển sinh THPT hệ GDTX ngày càng co lại, phạm vi liên kết đào tạo ở trung tâm cấp quận, huyện chỉ đến trung cấp. Giám đốc Trung tâm GDTX số 2 Nguyễn Tấn Giao phấn khởi cho hay:

Sáp nhập lại trung tâm đã giải quyết được tình trạng giáo viên dạy văn hóa trước đây ở mỗi trung tâm riêng lẻ ở từng quận đều thiếu. Do đó, các trung tâm trước đây đều phải thỉnh giảng các giáo viên ở các trường THPT trên địa bàn.

Tuy nhiên, chế độ thù lao theo quy định Nhà nước quá thấp nên việc thỉnh giảng gặp khó khăn. Nay sáp nhập các đơn vị lại có nhiều lợi thế. Đó là từ trung tâm cấp quận lên được trung tâm cấp thành phố, phạm vi chức năng, nhiệm vụ rộng hơn; đội ngũ được củng cố đầy đủ và mạnh hơn. Tuy mới đi vào hoạt động hơn 10 tháng nhưng hiệu quả chuyển biến tích cực.

Trong 3 quý đầu năm, Trung tâm GDTX số 2 đã chi tăng thu nhập cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tổng cộng 590 triệu đồng, trung bình mỗi người tăng thêm hơn 1 triệu đồng/tháng.

Trung tâm GDTX số 1 vốn có nền tảng là trung tâm cấp thành phố trước khi sáp nhập (với các trung tâm GDTX quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn), sau khi sáp nhập đã có bước phát triển mạnh mẽ. Năm học 2016-2017, Trung tâm GDTX số 1 tiếp tục là đơn vị dẫn đầu khối GDTX của thành phố.

Đến nay Trung tâm đã tự chủ được 30% kinh phí hoạt động. Giám đốc Trung tâm GDTX số 1 Trương Xuân Vịnh cho biết, xác định mục tiêu sẽ tiến dần đến tự chủ hoàn toàn kinh phí hoạt động, cán bộ, giáo viên, nhân viên trung tâm rất chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch liên kết đào tạo các cấp trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và các lớp nghề ngắn hạn theo nhu cầu của xã hội.

Trung tâm đang xây dựng đề án thành lập trung tâm sát hạch tin học tập trung nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo tin học. Không mạnh như các Trung tâm số 1 và 2, Trung tâm GDTX số 3 đang có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng dạy văn hóa, dạy nghề cho học sinh; đồng thời xây dựng đề án liên kết đào tạo nghề phục vụ nhu cầu các dự án đô thị hóa trên địa bàn huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ và thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Phát triển mạnh hơn

Thành phố thực hiện sắp xếp các Trung tâm GDTX theo tinh thần Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV ngày 19-10-2015 của 3 Bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội, GD-ĐT và Nội vụ, nhưng cách làm của Đà Nẵng còn gọn hơn.

Đó là thay vì giao các Trung tâm GDTX quận, huyện thuộc Sở GD-ĐT quản lý về cho UBND các quận, huyện, Sở GD-ĐT thành phố sáp nhập thành 3 trung tâm GDTX cấp thành phố và vẫn do Sở GDĐT thành phố quản lý.

Như vậy thay vì tiếp tục tồn tại 8 trung tâm thì nay chỉ giảm còn 3. Giám đốc Trung tâm GDTX số 3 Lê Xuyên khẳng định, việc sáp nhập của Sở GD-ĐT là cách làm đúng đắn, tránh được tình trạng chồng chéo trong quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Nguyễn Đình Vĩnh khẳng định, việc sáp nhập các Trung tâm GDTX cấp quận, huyện lên cấp thành phố có ưu điểm là phạm vi, chức năng, nhiệm vụ rộng hơn. Đây chính là hướng để các trung tâm này tiếp tục phát triển mạnh hơn trở thành nơi cung ứng dịch vụ giáo dục, dạy nghề theo nhu cầu của xã hội, từng bước giảm phụ thuộc vào ngân sách, tiến đến tự chủ hoàn toàn về tài chính. Khi tiến hành sáp nhập các trung tâm GDTX, sở đã thực hiện đúng cam kết “không bỏ rơi một ai”.

Việc bổ nhiệm lãnh đạo cấp trưởng, phó các trung tâm sau khi sáp nhập trên cơ sở minh bạch, khách quan, hợp lý và tạo được tâm lý “tâm phục, khẩu phục” trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của 3 trung tâm.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng, Bộ Nội vụ đánh giá cao mô hình sáp nhập các trung tâm GDTX của thành phố Đà Nẵng. Hiện nay, Sở GD-ĐT cùng với Sở Kế hoạch-Đầu tư khảo sát thực trạng cơ sở vật chất tại 3 trung tâm và tham mưu UBND thành phố bố trí vốn 15 tỷ đồng đầu tư cải tạo cơ sở vật chất của cả 3 trung tâm do sử dụng qua nhiều năm nên đang xuống cấp. Các công trình sẽ khởi công trong năm 2018.

Bài và ảnh: ĐOÀN SƠN

;
.
.
.
.
.