Thống nhất những vấn đề cốt lõi, đổi tên TPP thành CPTPP

.

Ngày 11-11, tại Trung tâm Báo chí quốc tế đã diễn ra cuộc họp báo dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi nhằm thông báo kết quả đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP năm 2017.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, các bộ trưởng phụ trách kinh tế của 11 nước thành viên TPP đã họp tại Đà Nẵng trong các ngày 8, 9 và 10-11 để thảo luận và sớm đưa TPP vào thực thi trong tình hình mới.

Trên cơ sở kết quả trao đổi giữa các nước từ sau cuộc họp cấp bộ trưởng các nước TPP tại Hà Nội vào tháng 5-2017, các bộ trưởng đồng ý với tên gọi mới của TPP gồm 11 thành viên (TPP 11) là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP - Comprehensive and Progressive Trans Pacific Partnership).

Bên cạnh đó, các bộ trưởng cũng đưa ra tuyên bố chung khẳng định các nước CPTPP đã thống nhất được những vấn đề cốt lõi của hiệp định mới theo hướng giữ nguyên nội dung của TPP, đồng thời cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để đảm bảo sự cân bằng trong bối cảnh mới. Các bộ trưởng cũng nhất trí rằng CPTPP là một hiệp định toàn diện, có tiêu chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích của các thành viên, có tính đến trình độ phát triển của các nước.

Dựa trên những tuyên bố này, các bộ trưởng giao các trưởng đoàn đàm phán tiếp tục xử lý một số vấn đề kỹ thuật và rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết các hiệp định. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: “Kết quả đạt được tại Đà Nẵng đã thể hiện nỗ lực rất lớn của 11 nước CPTPP nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực”.

Về CPTPP, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi giải thích thêm, trong 8.000 trang điều khoản của hiệp định, chỉ có 20 điều tạm hoãn theo thỏa thuận TPP ban đầu, trong đó có 10 điều liên quan tới sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, còn 4 điểm để riêng để các bên đàm phán thống nhất trong thời gian tới.

Tại buổi họp báo được tổ chức chiều cùng ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố Canada luôn ủng hộ tự do thương mại, đồng thời bày tỏ sự hài lòng vì khung chương trình cho CPTPP đã được xây dựng trong thời gian APEC diễn ra. Song, Thủ tướng Justin Trudeau nhấn mạnh, nếu chỉ giảm các hàng rào thương mại và mở cửa thị trường thì sẽ không đủ để có thể đem lại lợi ích cho toàn bộ nhân dân Canada. Do đó, Chính phủ Canada sẽ tiếp tục thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc bảo vệ lợi ích của đất nước khi tiếp tục thảo luận về CPTPP.

Đại diện nền kinh tế Nhật Bản cũng tổ chức họp báo vào tối 11-11 và cho biết tất cả các thành viên của APEC đã đồng thuận cao về CPTPP. Trong thời gian đến, các cơ quan của các nền kinh tế thành viên sẽ bắt tay cùng xây dựng những nguyên tắc cụ thể có tính pháp lý để trình các thành viên CPTPP ký kết thông qua.

"Việc Mỹ - với vai trò và sức nặng kinh tế của mình - rút khỏi TPP đã gây ra những khó khăn nhất định cho các quốc gia trong việc tiếp tục giữ quan điểm duy trì TPP với những tiêu chuẩn chất lượng cao và một điểm cân bằng mới”.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế Việt Nam:

CPTPP là con đường liên kết chủ đạo của khu vực APEC

CPTPP đối với Việt Nam có 3 giá trị: Thứ nhất, tác động đến kinh tế Việt Nam một cách tích cực.

Thứ hai, đây không chỉ là hiệp định thương mại tự do mà còn là hiệp định gắn chặt chẽ với các cải cách thể chế bên trong, những cải cách liên quan đến chính sách điều tiết sau đường biên giới mà Việt Nam đang vào giai đoạn bước ngoặt của cải cách.

Thứ ba, Việt Nam và các thành viên của APEC, trong đó có một số nước CPTPP, vẫn muốn thúc đẩy quá trình liên kết, hội nhập, tư do hóa thương mại, đầu tư trong APEC.

Dù rằng còn gặp nhiều khó khăn nhưng việc TPP 11 (ban đầu-PV) thỏa thuận được chứng tỏ con đường hội nhập liên kết vẫn là con đường chủ đạo của khu vực APEC. Và Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà rõ ràng đã có tiếng nói tăng được vị thế của mình trong quá trình này.

Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Đối ngoại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines):

Đẩy mạnh tăng trưởng ngành hàng hải

Đúng là việc Mỹ rút ra khỏi TPP ban đầu đã gây ra một phản ứng tiêu cực trong khối doanh nhân chúng tôi. Đối với Vinalines, chúng tôi không mong muốn điều đó xảy ra vì TPP tạo ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và đối với ngành hàng hải nói riêng.

Đó là cơ hội được tiếp cận thị trường hàng hóa vận tải lớn, kết nối các nhà đầu tư của các nước thành viên TPP. Chúng tôi rất hoan nghênh và phấn khởi trước sự tái khởi động của TPP11 và đạt được thỏa thuận thành công, điều này khẳng định xu thế của toàn cầu hóa - những vấn đề được nhắc nhiều tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. 

Ông Terry W.Hay, Giám đốc điều hành Công ty JABT INC (Mỹ):

Mỹ rút khỏi TPP không ảnh hưởng nhiều

Nếu Mỹ cùng tham gia vào TPP thì thương mại giữa Mỹ và các nước APEC sẽ phát triển nhanh hơn rất nhiều hiện tại. Đó là lợi ích không tranh cãi. Tuy nhiên, việc nước Mỹ rút ra khỏi TPP sẽ mở ra cơ hội cho Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới, là cơ hội cho họ trở thành quốc gia mạnh nhất.

Và việc này cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến các nước còn lại. Bởi việc luân chuyển hàng hóa tạo ra nền kinh tế, nền kinh tế thì luôn chuyển động, nếu bạn tham gia vào đúng lúc thì sẽ rất tốt, nhưng nếu không tham gia, bạn cũng không thể bắt nó ngừng lại được.

Nước Mỹ rút khỏi TPP nhưng không có nghĩa là không có quan hệ thương mại, đầu tư và tham gia giải quyết những vấn đề toàn cầu khác. Ở góc độ nào đó, tôi cho rằng Mỹ là quốc gia có sự tăng trưởng bao trùm, do đó nếu Chính phủ chúng tôi vẫn tiếp tục đầu tư vào các nước tham gia TPP thì thương mại cũng sẽ vẫn phát triển theo hướng tích cực.

DUYÊN ANH - KHANG NINH

;
.
.
.
.
.