Lúc 13 giờ ngày 1-11, thủy điện Đăk Mi 4 (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) bắt đầu vận hành xả lũ qua tràn về sông Vu Gia. Trong khi đó, cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng có công điện gửi các quận, huyện, sở, ban, ngành nhằm ứng phó với tình hình mưa, lũ.
Thủy điện Đăk Mi 4 bắt đầu xả lũ về sông Vu Gia lúc 13 giờ ngày 1-11 với lưu lượng từ 300-2.000m3/s. |
Thủy điện xả lũ về sông Vu Gia
Trong ngày 31-10 đến sáng 1-11, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh kết hợp với trường gió đông từ mặt đất lên đến 3.000m hoạt động mạnh dần nên tại khu vực Trung Trung bộ có mưa lớn diện rộng. Lượng mưa ở Đà Nẵng phổ biến từ 50-100mm, có nơi cao hơn như Hòa Bắc 120mm; tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi có lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, một số nơi cao hơn như Tiên Phước 260mm, Trà My 293mm... Mưa to kết hợp nước biển dâng cao làm mực nước các sông ở Đà Nẵng và Quảng Nam đang dâng lên. Lúc 13 giờ ngày 1-11, mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 6,45m, ở mức báo động 1 (BĐ1), mực nước sông Cẩm Lệ tại cầu Cẩm Lệ là 0,8m, dưới BĐ1 là 0,2m. Lưu lượng lũ về các hồ thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn tương đối lớn. Từ rạng sáng đến chiều 1-11, lưu lượng lũ về hồ thủy điện A Vương từ 125-287m3/s, về hồ thủy điện Đăk Mi 4 từ 828 - 1.370m3/s..., làm mực nước trong các hồ dâng lên nhanh, nhất là hồ Đăk Mi 4 dâng cao hơn mực nước đón lũ 3m. Nhằm chủ động đón lũ, các hồ A Vương và Sông Bung 4 đã vận hành xả nước qua phát điện về sông Vu Gia với lưu lượng lớn, riêng hồ thủy điện Đăk Mi 4 thông báo vận hành xả lũ qua tràn về sông Vu Gia với lưu lượng xả từ 300 - 2.000m3/s.
Do mực nước sông Vu Gia đang ở mức cao kết hợp với mưa to và các thủy điện xả lũ, Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ dự báo mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đến sáng 2-11 sẽ dâng lên vượt mức BĐ1 là 0,5m. Đài cũng dự báo, từ ngày 1-11 đến 2-11, khu vực Trung Trung bộ tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng nhưng cường độ mưa giảm hơn, tâm mưa tập trung chủ yếu từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 150mm. Riêng tại Đà Nẵng, từ chiều, tối 1-11 đến sáng 2-11 có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-60mm, có nơi từ 70-100mm. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 1. Đài cũng lưu ý đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng thấp trũng.
Chủ động ứng phó mưa, lũ, áp thấp nhiệt đới
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng đã có công điện yêu cầu các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống lũ quét và sạt lở đất; rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Túy Loan và Cu Đê; thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng chống lũ; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống và sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn. Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải và UBND huyện Hòa Vang thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, thường xuyên kiểm tra, đánh giá an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn; tổ chức trực ban phòng chống thiên tai các hồ chứa nước; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố, bảo đảm an toàn công trình...
Nhằm ứng phó áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) gần bờ, tình hình mưa, lũ tại khu vực Nam Bộ và ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão đang tiến vào Biển Đông, hướng vào khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ, sáng 1-11, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp để ứng phó. Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng quyết định sẽ cử đoàn công tác làm việc với Ban Chỉ đạo APEC cùng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam để bàn các biện pháp chủ động ứng phó với ATNĐ, mưa, lũ, nhằm bảo đảm Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 được tổ chức an toàn, thành công.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, ATNĐ gần Biển Đông có sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm là cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9 và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ hôm nay (ngày 2-11), vị trí tâm bão vào khoảng 11,9 độ vĩ Bắc, 115,5 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 140km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 10-14 độ vĩ Bắc và phía đông kinh độ 115...
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP