Ngày 31-10, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Dự hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đoàn thể của thành phố và tương đương.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí chủ trì hội nghị.
Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: S.TRUNG |
Không có chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ
Theo báo cáo tại hội nghị, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), đội ngũ cán bộ thành phố có những chuyển biến tích cực cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu; trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ được nâng lên. Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ từng bước khắc phục tình trạng nể nang, ngại va chạm; trách nhiệm người đứng đầu được đề cao; giúp cán bộ nhận thức đầy đủ ưu điểm để phát huy, kịp thời khắc phục, sửa chữa khuyết điểm.
Kết quả đánh giá, phân loại cán bộ đã tạo cơ sở quan trọng cho các cấp ủy, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ... Thành phố có cách làm mới để phát hiện, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ, như: Thành ủy viên tiến cử cán bộ trẻ (nhiệm kỳ 2010-2015), lãnh đạo các cơ quan, đơn vị giới thiệu cán bộ trẻ để đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt của thành phố (nhiệm kỳ 2015-2020), Đề án 922, Đề án 89…, thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý. Báo cáo khẳng định: “Trong phạm vi các chức danh do Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, không để xảy ra hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ”.
Công tác bảo vệ chính trị nội bộ góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn thành phố. Công tác kiểm tra đã góp phần ngăn ngừa và khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót khi mới phát hiện, hạn chế tiêu cực, giảm sai phạm của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ.
Báo cáo cũng nêu những hạn chế như: Nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số nơi còn bị buông lỏng, thậm chí vi phạm, nhất là biểu hiện “dân chủ hình thức”. Cơ cấu đội ngũ cán bộ của thành phố vẫn chưa phù hợp, cán bộ trẻ tuy có tăng nhưng vẫn còn ít; thiếu cán bộ quản lý đô thị giỏi và cán bộ có trình độ chuyên môn cao trên một số lĩnh vực.
Công tác đánh giá cán bộ vẫn còn tình trạng nể nang, chưa thực chất. Tình trạng khép kín trong công tác quy hoạch cán bộ chưa được khắc phục ở một số địa phương, đơn vị; chưa có sự quy hoạch cán bộ liên thông theo ngành, lĩnh vực giữa phường, xã với quận, huyện, thành phố với quận, huyện và ngược lại, giữa Đảng với chính quyền, Mặt trận, đoàn thể...
Nhiều cấp ủy và cán bộ lãnh đạo chưa chủ động xây dựng quy hoạch cán bộ; chưa gắn quy hoạch cán bộ với đào tạo, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ. Việc rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm chưa thành nền nếp. Số lượng cán bộ nữ, cán bộ trẻ đưa vào quy hoạch các cấp chưa bảo đảm tỷ lệ theo yêu cầu. Công tác luân chuyển cán bộ chưa xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể… Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhiều khi chưa gắn với công tác quy hoạch.
Tại hội nghị, có 8 ý kiến tham luận của các sở, ngành, địa phương trao đổi về kinh nghiệm tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý; thu hút, bố trí sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; công tác cải cách hành chính trong Đảng…
Phấn đấu mỗi nhiệm kỳ đổi mới trên 20% cán bộ lãnh đạo
Báo cáo nêu mục tiêu chung về xây dựng đội ngũ cán bộ đến năm 2030. Theo đó, sẽ tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ từ thành phố đến cơ sở, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có phẩm chất chính trị, đạo đức, có tầm nhìn chiến lược, có năng lực lãnh đạo, quản lý thực tiễn đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng trong thời gian đến.
Mục tiêu cụ thể là phấn đấu xây dựng nguồn cán bộ có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn để mỗi nhiệm kỳ đổi mới khoảng trên 20% số cán bộ lãnh đạo các cấp, ít nhất 1/3 cấp ủy viên các cấp theo quy định của Trung ương; phấn đấu đến năm 2025, có 100% cán bộ chủ chốt phường, xã có trình độ trung cấp lý luận chính trị và trình độ đại học chuyên môn trở lên; xây dựng được đội ngũ cán bộ có cơ cấu hợp lý và có tính bền vững về tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ trong cấp ủy các cấp và đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục giữa 3 độ tuổi theo quy định của Trung ương. Trước mắt, chuẩn bị tốt nhân sự HĐND, UBND, Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ đến.
Cùng với đó, thành phố đề xuất với Trung ương sớm ban hành các quy định và hướng dẫn thực hiện một số nội dung trong công tác cán bộ
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: S.TRUNG |
Quản lý quy hoạch cán bộ có động, có mở
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đánh giá cao kết quả trong gần 20 năm Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII). Theo đó, đội ngũ cán bộ thành phố có những chuyển biến tích cực cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu; trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ được nâng lên; đa số cán bộ, công chức, viên chức thể hiện được sự năng động, sáng tạo trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đề cập công tác cán bộ trong thời gian đến, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và các địa phương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương về công tác cán bộ, gắn với thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khóa XII) trong toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở và trong nhân dân.
Tăng cường công tác phân cấp gắn liền với quản lý tốt công tác cán bộ; tăng cường công tác quản lý quy hoạch cán bộ với quyết tâm và trách nhiệm cao; tiếp tục thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ kết hợp chặt chẽ với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp thành phố, cấp quận, huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Quy hoạch phải đúng theo nguyên tắc có “vào” có “ra” và bổ sung nhân tố mới vào quy hoạch, phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, đúng tuyến, đúng luồng. Song song đó, thực hiện nghiêm túc, đúng nguyên tắc và theo lộ trình Kế hoạch kiểm điểm, khắc phục sai phạm theo Thông báo số 292-TB/UBKTTW; những việc có khả năng làm được thì khẩn trương khắc phục ngay.
Sửa đổi Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXI phù hợp với các quy định và tình hình thực tế, ban hành các quy định về phân cấp quản lý cán bộ, quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; ban hành tiêu chuẩn chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý theo Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04-8-2017 của Bộ Chính trị, qua đó nâng cao chất lượng quy trình công tác cán bộ.
Đồng thời, nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ thông qua việc ban hành quy định về tiêu chí đánh giá cán bộ cấp thành phố nhằm nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, đảm bảo khách quan, công khai, đúng quy trình và đánh giá đúng thực chất đối với cán bộ.
Trong đó, cần nghiên cứu đổi mới phương pháp đánh giá theo hướng định lượng; thực hiện nghiêm túc Đề án tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị; rà soát, giảm cấp phó tại các đơn vị theo đúng quy định.
“Đối với người làm công tác tổ chức, phải am hiểu về công tác cán bộ, nghiên cứu kỹ các quy định, không để xảy ra các sai sót. Cán bộ làm công tác tổ chức phải có đạo đức, trung thực, công tâm, khách quan, có bản lĩnh, tham mưu phải hết sức trách nhiệm, có chính kiến; có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tổ chức với ngành nội vụ”, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu.
S.TRUNG