Chiều 25-12, tại hội thảo góp ý kiến hoàn chỉnh đề án “Quan trắc cập nhật dữ liệu phóng xạ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018-2022”, các nhà khoa học cho rằng, việc quan trắc cập nhật dữ liệu phóng xạ môi trường là cấp thiết, nhất là lập cơ sở dữ liệu nền.
Đà Nẵng nằm trong khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng lớn bởi các sự cố bức xạ hạt nhân do hoạt động của gió mùa đông bắc, gió mùa tây nam gây lan truyền bức xạ hạt nhân từ các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Campuchia (các nước xây dựng, phát triển các nhà máy điện hạt nhân).
Quan trắc phóng xạ môi trường sẽ cung cấp thông tin chính xác về tình trạng phóng xạ trong môi trường cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, phục vụ cảnh báo sớm cũng như đưa ra các phương án ứng phó kịp thời...
Đại diện Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân đề nghị, trước mắt Đà Nẵng cần quan trắc để lập cơ sở dữ liệu nền ban đầu về phóng xạ môi trường cho thành phố nhằm tạo cơ sở so sánh, đối chiếu cho những năm tiếp theo; đồng thời tập trung vào quan trắc phóng xạ môi trường trong trầm tích, thực vật, thực phẩm...
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị cần phân kỳ, tập trung mỗi năm quan trắc phóng xạ môi trường về trầm tích hoặc nước, thực phẩm. Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố... đề nghị làm rõ thêm các luận cứ khoa học, pháp lý và thực trạng về phóng xạ môi trường để đề án hoàn thiện hơn.
HOÀNG HIỆP