ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG

Tiết học hay về Ngũ Hành Sơn

Một trong 5 định hướng phát triển đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Ngũ Hành Sơn lần thứ 5, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra là xây dựng quận Ngũ Hành Sơn trở thành đô thị du lịch, dịch vụ kiểu mẫu. Cụ thể hóa nghị quyết, nhiều đơn vị của quận đã có những cách làm mới, sáng tạo. Riêng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Ngũ Hành Sơn xây dựng những tiết học để bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền về lịch sử, địa lý và du lịch cho học sinh địa phương.

Trưởng phòng GD&ĐT quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Lâm chia sẻ, để phát triển quận Ngũ Hành Sơn thành đô thị du lịch, mỗi người dân trên địa bàn phải là một hướng dẫn viên du lịch, một “đại sứ” du lịch thân thiện, hiếu khách và quan trọng nhất là nắm vững kiến thức về lịch sử, địa lý của địa phương. Từ thực tế đó, Phòng GD&ĐT quận đã tổ chức hội thi “Tiết học hay về Ngũ Hành Sơn”. Thông qua các bài giảng, thầy, cô giáo đã bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, niềm tự hào là công dân nhỏ tuổi của quận Ngũ Hành Sơn và chuẩn bị sẵn sàng các em trở thành một “đại sứ du lịch” tại địa phương. Cùng với đó, việc nghiên cứu, xây dựng tiết dạy của các thầy, cô giáo cũng góp phần huy động sự quan tâm của cộng đồng đối với lịch sử, địa lý địa phương”.

Với hội thi này, mỗi giáo viên đã cố gắng xây dựng nội dung bài học thực sự phong phú. Tiết học “Vài nét về con người và văn hóa Ngũ Hành Sơn” của cô Phạm Thị Thuần (Trường tiểu học Mai Đăng Chơn) thu hút hơn khi lồng ghép những đoạn phim sinh động. Học sinh dễ dàng ghi nhớ kiến thức về “Lễ hội Quán Thế Âm” khi cô giáo Nguyễn Thị Thảo Trang (Trường tiểu học Lê Văn Hiến) tổ chức đố vui trong bài giảng. Trong tiết học “Danh thắng Ngũ Hành Sơn” của cô Nguyễn Thị Phương (Trường tiểu học Tô Hiến Thành), các em học sinh háo hức hóa thân thành hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu về quê hương.

Ông Nguyễn Lâm nhận định: “Với các tiết học này, giáo viên và học sinh sưu tầm tư liệu phong phú, hình ảnh đẹp, rõ nét, sát nội dung. Đặc biệt, một số tiết học về Khu di tích lịch sử K20, giáo viên xây dựng nội dung bài học khá sâu sắc, khai thác được các đặc điểm nổi bật và quan trọng của di tích lịch sử K20”. Bằng cách truyền đạt sinh động, những tiết học được học sinh hào hứng đón nhận và thích thú. Từ niềm yêu thích lịch sử, địa lý, học sinh sẽ có ý thức và trách nhiệm hơn đối với quê hương, đất nước. Các em cũng sẽ là nhân tố tích cực góp phần lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước đến những người xung quanh…

Để khuyến khích học sinh trở thành “đại sứ du lịch”, các trường còn xây dựng và tổ chức chương trình ngoại khóa dành cho học sinh tiểu học với chủ đề về quê hương, đất nước. Đặc biệt, hoạt cảnh về lịch sử, văn hóa địa phương đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Tiêu biểu là các hoạt cảnh sự kiện lịch sử và sự hình thành núi Ngũ Hành “Huyền tích Ngũ Hành Sơn”... Đa số các em học sinh tham gia hoạt động trong ngày hội với tinh thần sôi nổi, vui tươi, hào hứng, thể hiện tình yêu nồng nàn đối với quận Ngũ Hành Sơn cũng như sự khát khao hiểu biết và hứng thú khi được trải nghiệm.

Trong thời gian đến, Phòng GD&ĐT quận Ngũ Hành Sơn sẽ hoàn chỉnh tài liệu giáo dục về địa phương dựa trên các bài thi chất lượng từ hội thi “Tiết học hay về Ngũ Hành Sơn” để làm tư liệu tham khảo cho cấp tiểu học. Cùng với đó, xây dựng tài liệu bồi dưỡng cho học sinh những kỹ năng cơ bản, ý thức, cách ứng xử phù hợp của những công dân tại địa phương đang phát triển nhanh ngành du lịch, dịch vụ. Chắc chắn hoạt động thiết thực này sẽ đóng góp tích cực để xây dựng quận Ngũ Hành Sơn trở thành đô thị du lịch, dịch vụ kiểu mẫu như mục tiêu đề ra.

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.