Trong khi nhu cầu cần người giúp việc nhà như nội trợ, giữ trẻ, chăm người già, người ốm... rất lớn thì tại Đà Nẵng chưa có cơ sở nào đào tạo nguồn nhân lực này. Cung và cầu về nhân lực giúp việc nhà còn khoảng cách rất xa.
Giúp việc nhà tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế đòi hỏi rất nhiều kỹ năng chuyên môn, nhất là chăm người bệnh, người già và trẻ nhỏ. |
Sinh con được 1 tháng, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hương (tổ 12, phường An Khê, quận Thanh Khê) bắt đầu tìm người chăm con nhưng suốt 3 tháng liền, anh chị phải 3 lần “chia tay” người giúp việc. Theo vợ chồng chị Hương, có hàng tá lý do cho thực tế không trông đợi này, như đòi hỏi cụ thể về mức tăng lương, hoặc bởi người giúp việc đề nghị được dành một khoảng thời gian cụ thể cuối ngày để xem phim! Giải pháp cuối cùng là chị Hương xin nghỉ không lương để chăm con trong khi chờ người giúp việc vừa ý.
Còn anh Huỳnh Văn T. (tổ 25, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) cũng lắc đầu ngao ngán khi phải đi thuê người chăm cha bị bệnh. Anh T. kể: “Lúc ba tôi mới đau, mấy anh em trong nhà chia nhau chăm, nhưng được hơn 1 tháng thì phải đi thuê người giúp việc vì không thể bỏ chuyện buôn bán.
2 người đầu tiên đến nhận việc và mỗi người chỉ ở được đúng một tháng rồi xin nghỉ với đủ lý do, nhưng chủ yếu cứ đòi tăng lương. Đến người thứ 3, tôi quyết định nâng mức lương từ 6 triệu đồng lên 7 triệu đồng/tháng, nhưng họ cũng đòi tăng lương tiếp.
Hết đường, tôi đành phải nhượng bộ là tăng 8 triệu đồng/tháng, cộng thêm hỗ trợ một phòng ở phía sau để họ đưa cả con và chồng từ Huế vào. “Mức chi phí này là hết sức chịu đựng về tài chính của gia đình, nếu họ đòi tăng tiếp, chắc tôi hoặc vợ phải nghỉ việc để ở nhà chăm ba”, anh T. than thở.
Khoảng trống đào tạo nghề giúp việc
Báo cáo mới đây của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng tại hội thảo về đào tạo nghề trên địa bàn thành phố cho biết, thời gian gần đây, công tác đào tạo nghề đã có sự chuyển biến tích cực về số lượng đơn vị tham gia cũng như sự đa dạng ngành nghề để cung cấp cho thị trường. Hiện thành phố có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với gần 300 ngành nghề khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là đào tạo nghề bậc cao đẳng, trung cấp, nhóm nghề có trình độ sơ cấp rất ít và đặc biệt không có tên nghề giúp việc.
Ngay như Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Đà Nẵng (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH) với chức năng “Tổ chức đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất và dịch vụ ở trình độ sơ cấp, đào tạo nghề nghiệp dưới 3 tháng” thì cũng mới dừng lại ở việc môi giới cho người có nhu cầu tìm người giúp việc dưới danh nghĩa “lao động phổ thông”.
Đại diện của Trung tâm này cho biết, đây chính là khoảng trống mà đơn vị đã nhìn thấy và đang chuẩn bị để khoảng đầu năm 2018 sẽ mở lớp đào tạo nghề giúp việc đầu tiên. Qua đó học viên sẽ được đào tạo những kỹ năng cơ bản như cách sử dụng thiết bị điện gia đình, cách chăm sóc người bệnh, trẻ em...
Theo ông L.T.B (xin không đưa tên), phụ trách trung tâm giới thiệu việc làm N.A (đường Cách mạng Tháng Tám), lâu nay trung tâm vẫn tổ chức tiếp nhận hàng trăm người (chủ yếu đã lớn tuổi) ở các vùng quê Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế để giới thiệu giúp việc nhà cho các gia đình thành phố.
Trung tâm hưởng hoa hồng tương đương 30-40% tháng lương đầu tiên của người được giới thiệu. Thực tế, trung tâm chỉ dừng ở mức đó, còn việc đào tạo tay nghề thì... giao cho gia đình hướng dẫn dần dần, chứ người lao động chưa ai có kỹ năng giúp việc nhà.
Trong lúc chưa có cơ sở nào đào tạo nghề giúp việc gia đình, thì trên nhiều trang mạng môi giới việc làm lại nhan nhản quảng cáo hết sức hay ho như sẵn sàng giới thiệu người giúp việc có sức khỏe tốt, kinh nghiệm nhiều năm, thành thạo việc nhà... Tuy nhiên, trên thực tế, để kiếm được người giúp việc từ “nguồn” Internet chưa bao giờ là điều đơn giản, bởi thường thì quảng cáo một đằng, chất lượng một nẻo.
Bài và ảnh: THANH VÂN