Chính trị - Xã hội

Kiến nghị giải quyết về thời hạn sử dụng đất

17:21, 19/12/2017 (GMT+7)

Sáng 19-12, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Bá Sơn và ĐBQH Võ Thị Như Hoa tiếp xúc cử tri chuyên đề liên quan đến việc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đã cấp đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh ghi sai thời hạn sử dụng đất.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn và Võ Thị Như Hoa tại buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn và Võ Thị Như Hoa tại buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề.

Cần tổ chức đối thoại sớm để giải quyết cho người dân, doanh nghiệp

Tại buổi tiếp xúc, nhiều ý kiến cử tri xoay quanh 2 nội dung chủ yếu: đất sản xuất, kinh doanh do người dân, doanh nghiệp mua của thành phố trước đây đều ghi thời hạn sử dụng lâu dài nhưng đến nay lại bị chuyển thành thời hạn 50 năm và những lô đất người dân mua trong diện bị Thanh tra Chính phủ thanh tra nhưng người dân không biết, đến khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất mới biết là lô đất của mình đã có văn bản hành chính của thành phố yêu cầu tạm dừng giao dịch.

Bà Nguyễn Thị Mỹ (thành phố Hải Phòng) cho biết, gia đình bà đến Đà Nẵng đầu tư mua một số lô đất, đến gần đây thì chuyển nhượng cho người khác và đã nhận tiền cọc. Tuy nhiên, khi đến làm thủ tục sang tên tại văn phòng đăng ký đất đai lại được yêu cầu phải đổi sang sổ đỏ có thời hạn sử dụng là 50 năm. Vì không thực hiện đúng như cam kết là chuyển nhượng đất có thời hạn sử dụng lâu dài nên việc chuyển nhượng không thành, gia đình bà phải đền gấp đôi tiền cọc là 3 tỷ đồng. “Khi mua đất chúng tôi chỉ tin tưởng vào thông tin ghi trên sổ đỏ chứ đâu có biết có thay đổi gì”, bà Mỹ bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Tùng (Công ty CP Xây dựng 512) cho biết doanh nghiệp đã mua 2 lô đất thương mại dịch vụ ở đường Lê Đại Hành, lúc đó sổ đỏ ghi thời hạn sử dụng lâu dài nhưng nay khi đi giao dịch, văn phòng đăng ký đất đai buộc phải sửa thời hạn trên sổ là 50 năm. Ông Tùng cho rằng lô đất có thời hạn sử dụng lâu dài với thời hạn sử dụng 50 năm sẽ khác nhau về giá trị và khi công ty mua là mua theo giá trị đất sử dụng lâu dài, nay yêu cầu chuyển sang đất sử dụng thời hạn 50 năm là thiệt hại cho doanh nghiệp.

Bà Đoàn Thị Thanh Thủy (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cũng trong trường hợp tương tự nhưng vì cần tiền nên buộc phải chấp nhận thay đổi thông tin thời hạn sử dụng đất thành thời hạn sử dụng đất 50 năm mới chuyển nhượng được lô đất.

Ông Trần Hữu Công (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) nêu bức xúc của nhiều người dân mua phải lô đất nằm trong kết luận của Thanh tra Chính phủ nên không thể giao dịch được. Ông Công cho rằng việc ngăn chặn giao dịch các lô đất nằm trong nội dung kết luận Thanh tra cũng như việc buộc các lô đất có thời hạn sử dụng lâu dài chuyển sang thời hạn sử dụng 50 năm mới cho phép giao dịch đang làm xáo trộn thị trường bất động sản thành phố. Ông Công đề nghị thành phố phải tổ chức đối thoại sớm để tháo gỡ cho người dân.

Cử tri nêu kiến nghị tại buổi tiếp xúc chuyên đề với Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng. Ảnh: SƠN TRUNG
Cử tri nêu kiến nghị tại buổi tiếp xúc chuyên đề với Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng. Ảnh: SƠN TRUNG

Phải tháo gỡ để bảo đảm an toàn môi trường đầu tư

Ông Trịnh Bằng Có, đại diện Hiệp hội Du lịch thành phố, phát biểu cho rằng những vướng mắc cử tri nêu là phản ảnh cái sai của cơ quan chức năng thành phố chứ không phải của dân. Khi người dân, doanh nghiệp mua đất, họ đã thỏa thuận về giá cả, về thời hạn sử dụng đất với thành phố rồi.

Đến nay nhiều lô đất đã chuyển nhượng qua nhiều người và cũng làm sổ đỏ ghi thời hạn sử dụng lâu dài. Nay chuyển đất kinh doanh thương mại có thời hạn sử dụng 50 năm, chính quyền thành phố và Thanh tra Chính phủ phải nghiên cứu xử lý ngay theo hướng người dân đúng, chính quyền chưa đúng và phải bồi thường cho người dân về thay đổi thời hạn sử dụng đất.

Bà Lê Thị Nam Phương, đại diện Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố đề nghị Đoàn ĐBQH thành phố kiến nghị với Ủy ban Thường vụ QH để có giải pháp hợp lòng dân giải quyết việc này. Bà Phương cho rằng kết luận của Thanh tra Chính phủ yêu cầu thu hồi 3.400 tỷ đồng sai phạm đất đai không phải là số tiền bị mất. 

Cách làm của thành phố trước đây (giảm 10% cho người dân, doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất trong 60 ngày) không phải là làm mất tiền mà thành phố được nhiều hơn, nhanh chóng có nguồn lực đầu tư phát triển đến hôm nay. Đoàn ĐBQH thành phố cần có kiến nghị để Ủy ban Thường vụ QH có ý kiến với Chính phủ tháo gỡ việc này vừa hợp lòng dân vừa bảo đảm an toàn môi trường đầu tư của thành phố.

Tham gia ý kiến tại buổi tiếp xúc, luật sư Trương Văn Bình đến từ Công ty Luật Bình Minh khẳng định việc yêu cầu người dân chuyển đổi thời hạn sử dụng đất sang 50 năm làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.

Trao đổi với cử tri, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Nguyễn Bá Sơn ghi nhận tất cả các ý kiến cử tri, đồng thời đề nghị cử tri cung cấp hồ sơ cụ thể từng trường hợp vướng mắc để có cơ sở kiến nghị chính quyền thành phố và Ủy ban Thường vụ QH có giải pháp giải quyết.

Chia sẻ với ý kiến cử tri lo lắng việc này do chính quyền trước đây làm liệu chính quyền hiện nay có giải quyết, ĐB Nguyễn Bá Sơn khẳng định: UBND thành phố sẽ có cuộc đối thoại với các cử tri, doanh nghiệp đang có vướng mắc về việc này. Đoàn ĐBQH sẽ tập hợp ý kiến của cử tri để kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ QH xem xét, có ý kiến với Chính phủ có giải pháp tháo gỡ vấn đề này.

Bài và ảnh: SƠN TRUNG

.