Một năm thực hiện "Thành phố 4 an"

Chuyển biến tích cực

.

Phạm pháp hình sự giảm, tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí, an toàn vệ sinh thực phẩm được kiểm soát, các chương trình an sinh xã hội triển khai hiệu quả là những chuyển biến tích cực sau một năm triển khai thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”.

Cảnh sát giao thông hướng dẫn người tham gia giao thông đi đúng phần đường, làn đường.Ảnh: NGỌC PHÚ
Cảnh sát giao thông hướng dẫn người tham gia giao thông đi đúng phần đường, làn đường.Ảnh: NGỌC PHÚ

Kéo giảm tội phạm và tai nạn giao thông

Xác định thực hiện hiệu quả Đề án chương trình “Thành phố 4 an” là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, ngay từ đầu năm, Đảng ủy, Giám đốc Công an thành phố tập trung quán triệt, chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp.

Đại tá Nguyễn Văn Hoa, Trưởng Công an quận Liên Chiểu cho biết, Công an quận tập trung đánh mạnh, đánh trúng vào tội phạm cố ý gây thương tích và tội phạm ma túy. Đây là loại tội phạm gây bức xúc trong nhân dân, khiến xã hội bất an, gây hậu quả nặng nề và là nguyên nhân của các loại tội phạm khác.

Ở các địa phương như quận Sơn Trà, Thanh Khê, Hải Châu, lực lượng công an tập trung đánh mạnh vào tội phạm băng ổ nhóm theo các chuyên đề, tội phạm ma túy, trộm cắp tài sản, cướp giật. Phòng Cảnh sát hình sự Công an các quận đấu tranh mạnh với tội phạm cướp giật, cá độ bóng đá, đặc biệt là tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội. Phòng Cảnh sát ma túy tập trung đấu tranh các đường dây ma túy từ miền Bắc vào, cũng như một số đường dây ma túy qua đường hàng không…

Năm 2017, cơ quan công an đã điều tra, khám phá 376/449 vụ vi phạm trật tự xã hội (tỷ lệ khám phá 83,7%); đặc biệt, nhiều loại tội phạm gây nhức nhối trong xã hội được giảm mạnh như: trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Việc tuần tra đêm của các lực lượng công an, dân quân, bảo vệ dân phố, biên phòng cũng đã góp phần ngăn ngừa các loại tội phạm hoạt động về đêm và nâng cao cảnh giác của người dân trong việc bảo vệ tài sản.

Bên cạnh đó, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) cũng là một vấn đề được quan tâm đặc biệt. Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố cho biết, ngành giao thông vận tải tổ chức 2 đợt khảo sát các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT), qua đó đề xuất UBND thành phố có biện pháp khắc phục, sửa chữa bất cập trong tổ chức giao thông tại 93 vị trí; triển khai cải tạo, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại 20 nút giao.

 Đặc biệt, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện tích cực Đề án Lắp đặt hệ thống camera giám sát phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), trật tự an toàn giao thông (TTATGT), trật tự đô thị với 1.155 camera được lắp đặt và vận động các tổ chức, nhân dân lắp đặt 22.600 camera giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các tuyến đường, khu vực công cộng, khu dân cư.

Qua hệ thống camera, đã phát hiện 12.196 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, 23 vụ TNGT; 1 vụ cướp tài sản, 2 vụ cướp giật, 129 vụ trộm cắp tài sản, 14 vụ cố ý gây thương tích, 9 vụ hủy hoại tài sản, qua đó góp phần hỗ trợ đảm bảo ANTT, ATGT, trật tự đô thị trên địa bàn.

Thành phố quan tâm cải tạo các nút giao thông phức tạp; thông xe hầm chui nút giao phía Tây cầu sông Hàn và nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương; tiếp tục đề xuất phương án đầu tư một số nút giao thông trọng điểm giai đoạn 2016-2020, như nút giao thông phía Tây cầu Rồng, nút giao phía Tây cầu Trần Thị Lý; thay đổi hình học, lắp đèn tín hiệu giao thông như nút giao phía Tây cầu Tiên Sơn, nút giao đường Nguyễn Hữu Thọ - Lê Đại Hành…

Ngành cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện các chuyên đề xử lý của Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an thành phố. Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng CSGT Công an thành phố cho biết, việc truyên truyền luôn được đổi mới với nội dung sinh động, trong đó hướng mạnh vào lực lượng trực tiếp tham gia giao thông như tài xế xe ben, xe tải, học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động.

CSGT còn tăng cường xử lý nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như: vượt nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, xe không bảo đảm kỹ thuật, vượt đèn đỏ, đi không đúng phần đường, làn đường... Việc phạt nguội thông qua hệ thống camera cũng đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành giao thông của người dân trên địa bàn thành phố.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát tình trạng thu mua, tiêu thụ thực phẩm. Trong ảnh: Cảnh sát môi trường quận Cẩm Lệ phát hiện lô xương và nội tạng động vật bẩn trên địa bàn.
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát tình trạng thu mua, tiêu thụ thực phẩm. Trong ảnh: Cảnh sát môi trường quận Cẩm Lệ phát hiện lô xương và nội tạng động vật bẩn trên địa bàn.

Những bữa ăn sạch và đời sống phát triển

Sau một năm thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”, lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và an sinh xã hội (ASXH) cũng đạt những kết quả rất tích cực.

ATVSTP là vấn đề “sống còn” không chỉ đối với từng bữa ăn của mỗi gia đình mà còn với thành phố xem du lịch là ngành kinh tế chủ lực như Đà Nẵng. Xác định tầm quan trọng của công tác bảo đảm ATVSTP, các ngành, các cấp, nhất là ngành y tế, nông nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp.

Theo Chi cục ATVSTP thành phố, ngành y tế đã tổ chức hàng trăm buổi nói chuyện, tuyên truyền tại 7 quận, huyện và 56 phường, xã, thu hút hàng chục nghìn người tham gia. Lực lượng liên ngành cũng tổ chức tốt công tác kiểm tra tại các chợ, cơ sở chế biến thực phẩm, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý, chấn chỉnh vi phạm quy định ATVSTP.

Trong năm, các sở, ngành, các cấp tổ chức kiểm tra, thanh tra, điều tra 14.589 lượt; kết quả có 13.641 cơ sở đạt yêu cầu, đạt 93,5%; xử lý phạt tiền hành vi vi phạm ATVSTP 500 đối tượng, cảnh cáo 448 đối tượng.

Ngoài ra, thành phố đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP cho 4.815/4.895 cơ sở quản lý, đạt 98%. Trong đó, có 3.828/3.828 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc ngành Y tế quản lý, đạt tỷ lệ 100%; 566/592 cơ sở sản xuất, kinh doanh, lưu thông phân phối thực phẩm thuộc ngành Công thương quản lý, đạt 95,60% (tuyến thành phố cấp 370/370 cơ sở, đạt 100%, tuyến quận, huyện cấp 196/222 cơ sở, đạt 88,28%); 421/475 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc ngành Nông nghiệp quản lý, đạt 88,63% (tuyến thành phố cấp 151/181 cơ sở, đạt 83,42%, tuyến quận, huyện cấp 270/294 cơ sở, đạt 91,83%).

Đặc biệt, theo Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản thành phố, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 3 cơ sở; xác nhận được 6 cửa hàng cung ứng thực phẩm rau an toàn; phối hợp với các tỉnh, thành cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố.

Đến nay có thêm 10 nhà cung cấp rau an toàn tại tỉnh Lâm Đồng tham gia cung ứng rau sạch cho thành phố, nâng tổng số nhà cung ứng rau an toàn lên 13 đơn vị. Chi cục cũng triển khai thực hiện chuỗi cá sạch để người dân có thêm cơ hội tiếp cận sản phẩm an toàn, chất lượng.

Đối với công tác ASXH, năm 2017 trên địa bàn thành phố có hàng nghìn người được nhận sinh kế làm ăn để thoát nghèo, hàng nghìn người có công ăn việc làm; 1.400 ngôi nhà được sửa chữa và xây mới cho đối tượng chính sách...

Năm nay, gia đình ông Nguyễn Hoài Nam (tổ 28A, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) có được căn nhà mới nhờ sự giúp đỡ của chính quyền, Ủy ban MTTQ phường và quỹ Vì người nghèo với tổng số tiền hỗ trợ 60 triệu đồng.

Nhìn căn nhà khang trang, ông Nam không giấu được xúc động: “Đây là niềm mơ ước của gia đình tôi từ lâu, nhưng chưa thể thực hiện được. Nhờ chính quyền và các đơn vị hỗ trợ, gia đình tôi đã biến được mơ ước thành hiện thực”.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, công tác ASXH được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Ngoài chăm lo thường xuyên cho các gia đình chính sách, người có công, thăm, tặng quà cho người nghèo nhân các ngày lễ, Tết, việc thực hiện chương trình “có nhà ở” của địa phương đã được triển khai tốt.

Trong năm 2017, bằng các nguồn lực từ thành phố đến địa phương, toàn quận xây mới, sửa chữa hơn 100 nhà cho các đối tượng. “Giúp đỡ hộ nghèo có nhà ở ổn định, yên tâm làm ăn, phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững là một trong những mục tiêu giảm nghèo của quận Sơn Trà để góp phần thực hiện tốt chương trình ASXH của thành phố Đà Nẵng”, bà Tâm chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thu Hạnh (người dân sống tại phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu): ATVSTP luôn là vấn đề được người dân quan tâm. Xem báo chí, ti-vi thấy ở nhiều nơi rất kinh hoàng; riêng ở thành phố chúng ta thời gian qua được quan tâm đặc biệt, chính quyền vào cuộc quyết liệt nên người dân cũng an tâm hơn. Trước đây mỗi lần ra chợ mua rau, thịt là phải “nâng lên, đặt xuống” vì sợ thuốc trừ sâu, chất vàng ô… nhưng với những cách làm của Đà Nẵng, tất cả vì “chất lượng bữa ăn” của người dân nên ra chợ không còn phải ái ngại như trước.

32.500 lao động có việc làm

Theo báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện chương trình  “Thành phố 4 an” của Thành ủy Đà Nẵng, trong năm 2017, các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố ước tạo việc làm cho 32.500 lao động; trong đó, tạo việc làm tăng thêm cho 24.680 lao động, tăng 4,4%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ước giảm còn 3,6%; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ước tuyển sinh 48.000 học sinh, sinh viên, đạt tỷ lệ 106,19% so với kế hoạch, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 49%.

Bên cạnh đó, thực hiện mục tiêu chăm sóc Người có công, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ với kinh phí trên 100 tỷ đồng; hoàn thành Đề án hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho các gia đình có công cách mạng với kinh phí hơn 43 tỷ đồng, 1.430 căn nhà được sửa chữa, xây mới, đạt 107,9% KH; bên cạnh đó đảm bảo chi trả thường xuyên cho gần 22.000 đối tượng chính sách với kinh phí gần 400 tỷ đồng/năm; hoàn thành việc giải quyết các hồ sơ tồn đọng, nâng cấp sửa chữa các mộ, nghĩa trang liệt sĩ.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo và “Không có hộ đặc biệt nghèo”, đã có 265.000 lượt người, hộ thụ hưởng với kinh phí 320 tỷ đồng. Nhờ vậy, đã giúp đỡ cho 5.687 hộ vươn lên thoát nghèo, đạt tỷ lệ 129,2% so với kế hoạch giao, đến cuối năm 2017 thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo chính sách người có công. Nâng mức trợ cấp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội từ 270.000 lên 350.000 đồng.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.