Ý kiến đại biểu

.

LTS: Bên lề kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố khóa IX, Báo Đà Nẵng ghi nhận ý kiến các đại biểu (ĐB) HĐND thành phố đề xuất những nội dung, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội thành phố trong năm 2018.

* Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Phan Thanh Long: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản

Để thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố trong thời gian đến, theo tôi, thành phố cần có thêm 3 giải pháp căn bản. Giải pháp quan trọng đầu tiên là cần phải có chính sách đồng bộ, đặc biệt là khâu giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trở thành vật cản, ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội về hạ tầng của thành phố. Do đó, việc đồng bộ chính sách, kịp thời tháo gỡ rào cản, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản là vô cùng cần thiết.

Cùng với đó, nên cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành phố. Trong thời gian qua, thành phố đã có chủ trương, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhưng các giải pháp căn cơ vẫn chưa được triển khai nhiều ở thực tế, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, cần tăng cường hơn nữa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp một cách cụ thể. Cùng với đó, cần quan tâm hơn về cải cách hành chính, nhất là coi trọng chất lượng thụ hưởng của người dân và doanh nghiệp về cải cách hành chính.

* Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Tô Văn Hùng: Quyết liệt hơn trong thu hút đầu tư

Để tăng cường thu hút đầu tư trong thời gian đến, trước hết cần xác định rõ định hướng phát triển thành phố về kinh tế vẫn tập trung lấy dịch vụ rồi đến công nghiệp làm mũi nhọn. Do đó, việc thu hút đầu tư nên tập trung vào 2 lĩnh vực này. Đồng thời, phải hiểu một cách đầy đủ về nhu cầu, mong muốn của nhà đầu tư để đáp ứng kịp thời.

Ví dụ, nhà đầu tư cần đất thì thành phố phải có sự chuẩn bị về đất “sạch”, không vướng giải tỏa, đền bù. Các thủ tục đầu tư, từ chủ trương đến giấy phép kinh doanh, cấp phép xây dựng… đều thuận lợi, minh bạch, rõ ràng. Thành phố cũng cần tính toán kỹ lưỡng những việc thuộc công tác “hậu cần” của quá trình đầu tư.

Ví dụ, đầu tư về lĩnh vực khách sạn thì đội ngũ nhân lực phục vụ cho khách sạn phải có; hay đầu tư cho công nghiệp thì lực lượng công nhân có tay nghề phải sẵn sàng; nghĩa là gắn với thị trường lao động. Đây là các vấn đề mà chúng ta chưa thât sự chú trọng, cũng chính là mối lo ngại của các nhà đầu tư khi đến đây.

Việc đầu tư cần nhất là thị trường, khả năng lưu thông hàng hóa, khả năng cung ứng dịch vụ... Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông; trong đó, xây dựng Cảng Liên Chiểu, nhà ga đường sắt mới, cải tạo mạng lưới giao thông đô thị, khắc phục ô nhiễm môi trường là vấn đề cấp thiết...

 * ĐB Võ Văn Quý (Đại đức Thích Thông Đạo): Đẩy mạnh thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”

Năm 2017, lãnh đạo thành phố phát động thực hiện chương trình “Thành phố 4 an”, trong đó có an sinh xã hội. Những công trình phúc lợi, những ngôi nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, học bổng cho học sinh nghèo vượt khó… đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với sự vươn lên của xã hội. Việc làm này thể hiện tính nhân văn, tinh thần tương thân tương ái của con người Việt Nam. Tuy nhiên, công tác an sinh xã hội cần được phát huy tốt hơn nữa; nếu tập hợp được nguồn lực chung của toàn thành phố thì hiệu quả sẽ lớn hơn. Do đó, cần phải có sự thống nhất và chung tay của toàn xã hội, sự hợp tác của nhiều cơ quan, đoàn thể.

TRÂM ANH ghi

;
.
.
.
.
.