Chiến dịch Đà Nẵng (1858-1860) qua tường thuật của sĩ quan tham chiến Pháp

Bài 1: Ngày đầu tiên của cuộc chiến ở Đà Nẵng (1-9-1858)

.

LTS: Cuộc chiến tranh của liên quân Pháp - Tây Ban Nha tại Đà Nẵng những năm 1858-1860 do Đại tá Henri de Ponchalon tường thuật lại một cách chi tiết, được xuất bản vào năm 1896 tại Paris. Henri de Ponchalon là sĩ quan thuộc tiểu đoàn lính viễn chinh của Trung đoàn 2 Thủy quân lục chiến Pháp, khởi hành từ Brest, một cảng quân sự lớn thứ hai sau Toulon, trên chiếc vận hạm Saône vào ngày 18-2-1858 và lênh đênh suốt nửa năm mới đến Đà Nẵng vào những ngày cuối tháng 8-1858. Ông tham gia trọn vẹn chiến dịch Đà Nẵng và Nam Kỳ suốt từ 1858 đến 1860.

Nhân dịp thành Điện Hải, một trong những nơi diễn ra cuộc chiến, vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 160 năm Đà Nẵng kháng Pháp (1858-2018), Báo Đà Nẵng giới thiệu tư liệu này qua bản dịch của Nguyễn Quang Trung Tiến.

Sơ đồ vẽ tay của Đại tá Ponchalon về các vị trí tấn công và cuộc hành quân trên eo đất nối bán đảo Sơn Trà với đất liền ngày 1-9-1858.  Ảnh: N.Q.T.T
Sơ đồ vẽ tay của Đại tá Ponchalon về các vị trí tấn công và cuộc hành quân trên eo đất nối bán đảo Sơn Trà với đất liền ngày 1-9-1858. Ảnh: N.Q.T.T

Lực lượng liên quân Pháp - Tây Ban Nha có 12 tàu chiến tham dự cuộc tấn công mở màn, gồm soái hạm Némésis do Phó Đô đốc Rigault de Genouilly đặt bộ chỉ huy viễn chinh, các chiến hạm hơi nước Primauguet và Phlégéton, tàu hơi nước Tây Ban Nha El Cano (tiếng Tây Ban Nha viết là Elcano - NQTT), các pháo hạm Alarme, Dragonne, Avalanche, Mitraille, Fusée, các vận hạm Gironde, Saône, Dordogne (vận hạm Durance chỉ có mặt từ 13-9-1858, còn vận hạm Meurthe mãi tới 2-2-1859 mới xuất hiện - NQTT).

 Lối vào phần phía đông của vịnh Đà Nẵng là nơi thả neo tốt nhất, được bảo vệ bởi đồn Trấn Dương (nguyên văn là “pháo đài Bắc”: fort du Nord), nằm trên đỉnh núi đầu tiên của khối núi và rừng cây của bán đảo Sơn Trà (nguyên văn: la presqu’Île de Tien-Tcha) bao quanh khu cảng.

Đồn Trấn Dương được hỗ trợ bởi pháo đài Phòng Hải ở bên dưới (nguyên văn là “ụ pháo thấp”: batterie basse). Thêm bảo Trấn Dương 2, cũng gọi là đồn Hai, nằm trên đảo Cô, còn gọi là hòn Mồ Côi (nguyên văn “là pháo đài đảo Quan sát”: fort de l’ îlot de l’Observatoire), được nối liền với bờ bằng con đường được xây dựng trên một dãy sàn đóng cọc.

Tiếp đến là bảo Trấn Dương 3, cũng gọi là đồn Ba, (nguyên văn là “ụ pháo Nơi lấy nước ngọt”: batterie de l’Aiguade), có hỏa lực bắn chéo với các pháo đài khác. Về phía nam, ở hai bên lối vào sông Hàn, có hai thành An Hải (nguyên văn là “pháo đài Đông”: fort de l’Est) và Điện Hải (nguyên văn là “pháo đài Tây”: fort de l’Ouest).

Vào 7 giờ 45 sáng, một sĩ quan tham mưu của Phó Đô đốc Hải quân Pháp Rigault de Genouilly tiến đến gần lối vào đồn Ba để đưa tối hậu thư cho vị quan chỉ huy tối cao An Nam yêu cầu giao nộp các pháo đài trong thời hạn hai giờ.

Vào 9 giờ 45, không một phản hồi nào được đưa ra, soái hạm Némésis của Phó Đô đốc liền phát tín hiệu khai hỏa. Soái hạm Némésis, vận hạm Gironde và tàu hơi nước Tây Ban Nha El Cano khạc lửa vào đồn Hai trên đảo Cô.

Các chiến hạm Primauguet và Phlégéton tấn công đồn Trấn Dương và pháo đài Phòng Hải, đồng thời chiến hạm Phlégéton còn có nhiệm vụ giám sát cả con đường nối từ đảo vào bờ của đồn Hai trên đảo Cô, để ngăn chặn lính phòng thủ của An Nam ở đó rút lui.

Vận hạm Saône hướng hỏa lực vào đồn Ba và đồn Hai, rồi nó bị trúng một quả đạn từ đồn Ba bắn ra làm vỡ toác cột buồm trước mũi. Pháo hạm Avalanche cũng tấn công đồn Ba.

Các pháo hạm khác đậu ở giữa vịnh bắn phá các thành An Hải và Điện Hải. Vào 10 giờ 30, pháo hạm Mitraille bắn nổ kho thuốc súng của thành An Hải.

Các toán quân và các đại đội đổ bộ lèn chặt nhau trên những chiếc sà lúp được hạ xuống, lao vào tiếp đất! Tiểu đoàn hải quân tấn công lên đồn Trấn Dương; lính bộ binh và hải quân của soái hạm Némésis tấn công đồn Hai; tiểu đoàn của chúng tôi (tức đại tá Ponchalon - NQTT) đánh chiếm đồn Ba; còn trung đoàn 4 là lực lượng dự phòng.

Khi thâm nhập đồn Ba, chúng tôi tìm thấy trên bàn làm việc bức tối hậu thư của Phó Đô đốc gửi trước đó; nó đã không hề được mở ra để đọc.

Các pháo đài ở Đà Nẵng được xây dựng phần lớn dưới triều Gia Long, theo kiến trúc Vauban, dưới sự hướng dẫn của các sĩ quan và của các kỹ sư Pháp (các công trình phòng thủ tại Đà Nẵng thực ra đều do người Việt xây dựng dưới các triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, theo dạng kiến trúc quân sự truyền thống kết hợp kiến trúc Vauban -  NQTT), súng ống được trang bị là súng đồng và súng gang được sản xuất phần lớn từ Pháp hoặc Bỉ.

Ở đồn Trấn Dương chúng tôi tìm thấy một khẩu súng bằng đồng là vũ khí với biểu tượng oai vệ của “Vua - Mặt trời”. Mặt đất còn rải đầy các loại súng hỏa mai (nguyên văn là “súng trường cũ”: vieux fusils) sản xuất tại Saint-Etienne (Pháp), kiếm, giáo, những thùng thuốc súng do Anh sản xuất bị vỡ toác.

Những kho thuốc súng đều mở toang. Khắp nơi mọi vật cực kỳ hỗn độn, kinh tởm, là cảnh tượng được gây ra bởi cuộc tấn công của liên quân (nguyên văn là “cuộc tấn công của chúng tôi”: notre attaque).

4 giờ chiều, sau khi các pháo đài bị chiếm đóng bởi các phân đội hải quân và lính Tagal (lính người Philippines đi theo Tây Ban Nha tham chiến - NQTT), Phó Đô đốc Rigault de Genouilly phát mệnh lệnh hành quân về phía eo đất nối bán đảo Sơn Trà với đất liền và kết thúc vịnh Đà Nẵng ở hướng đông-nam. Mục đích của cuộc hành quân là để nhận diện địa hình xung quanh, các pháo đài hai bên sông Hàn và nếu cần thiết, để đẩy lùi quân An Nam (nguyên văn là “kẻ địch”: ennemi).

Cánh quân dẫn đầu gồm tiểu đoàn hải quân và Trung đoàn 4 Thủy quân lục chiến đã tiếp cận eo đất mà không có đụng độ. Đến 6 giờ chiều, một vị trí được chỉ định để đóng trại cách thành An Hải bốn cây số. Tiểu đoàn của Trung đoàn 2 và đội pháo binh đi trước nó lập thành tuyến đóng quân thứ hai.

Liên quân tạm nghỉ hành quân trên mỗi chặng đường. Các đội pháo binh gặp nhiều vất vả mỗi khi phải đưa những khẩu súng cối (súng cối đời cũ ở thế kỷ XIX còn khá cồng kềnh và nặng - NQTT) băng qua những con đường mòn hẹp và xấu dọc theo bờ vịnh.

Ngày đã qua, liên quân bắt buộc phải đóng quân ngoài trời lúc 8 giờ tối trên lối vào của eo đất.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN


(Lược dịch và hiệu chỉnh thuật ngữ chuyên môn từ Colonel Henri de Ponchalon, Indo-Chine, souvenirs de voyage et de campagne, 1858-1860, Maison A. Mame et Fils à Tours, Paris, 1896)

;
.
.
.
.
.
.