Chiến dịch Đà Nẵng (1858-1860) qua tường thuật của sĩ quan tham chiến Pháp

Bài 4: Sự chống trả kiên cường của người An Nam

.

Tháng 2-1859, trong đợt đưa phần lớn quân số ở Đà Nẵng vào chinh phục Sài Gòn, quân An Nam, với hy vọng không nghi ngờ gì nữa, muốn quét sạch chúng tôi ra khỏi Đà Nẵng, đã tăng gấp đôi hoạt động trong công việc của mình và gần như tiến sát bờ biển.

Sơ đồ vẽ tay của Đại tá Ponchalon về các vị trí của liên quân Pháp-Tây Ban Nha và phòng tuyến của quân triều Nguyễn trên tả ngạn sông Hàn ngày 8-5-1859.               (Ảnh NQTT chụp lại)
Sơ đồ vẽ tay của Đại tá Ponchalon về các vị trí của liên quân Pháp-Tây Ban Nha và phòng tuyến của quân triều Nguyễn trên tả ngạn sông Hàn ngày 8-5-1859. (Ảnh NQTT chụp lại)

Vào ngày 6-2-1859 (mồng 4 Tết Kỷ Mùi - NQTT), để mừng năm mới, người An Nam đã thực hiện đợt tấn công đầu tiên. Buổi trưa, vào giờ ăn, tận dụng các thuyền chiến đấu tập trung quanh vị trí của Thiếu tá Faucon, chỉ huy các tiền đồn trên sông Hàn, tất cả các ụ pháo và các pháo đài mới xây dựng của họ đồng loạt khai hỏa. Sau một khoảnh khắc bất ngờ, những thuyền chiến của liên quân đã bắn trả, thành An Hải và một pháo hạm cũng nổ súng. Tiếng đạn pháo cả hai bên nổ liên hồi. Cuối cùng, vào khoảng một giờ chiều, quân An Nam ngưng bắn.

Thuyền trưởng Thoyon, tổng chỉ huy ở Đà Nẵng, ngay lập tức gửi các đại đội đổ bộ vào bờ bến cảng, dưới quyền chỉ huy của thuyền trưởng tàu Catinat là Béranger, với sự hỗ trợ của hạm đội, nhằm tiếp cận các pháo đài An Nam để tiêu diệt.

Vào 3 giờ chiều, lực lượng liên quân hùng hậu gồm 400 người đổ bộ lên bờ trái sông Hàn và tấn công các ụ pháo nằm trên bờ biển và phía sau các kho lương thực cũ. Quân An Nam phản kích mãnh liệt, đại bác của họ không ngừng gầm vang.

Vào thời điểm cuộc tấn công diễn ra, những tường thành sáng rực, cháy bùng trong tiếng nổ và bắn ra những quả cầu lửa (hỏa cầu: quả cầu kim loại rỗng có tay cầm, trong nhồi thuốc súng và mảnh kim loại, có ngòi để châm và ném - NQTT). Quân xung kích cũng bị tưới dầu sôi, nước axit (nước sôi có pha độc - NQTT), chậu lửa (dầu chứa trong bình hoặc chậu, đốt lửa để ném - NQTT) xuống người...

Trời đã muộn nên thuyền trưởng Béranger phải hoãn cuộc tấn công các pháo đài khác sang ngày mai, nơi quân An Nam không ngừng nhả đạn. Liên quân tịch thu được những súng trường phóng lửa nòng cỡ lớn (súng hỏa hổ - NQTT) có trọng lượng cỡ một pound (0,453kg), những ống phóng tên lửa (súng hỏa thương - NQTT) và súng phun lửa nòng lớn (súng hỏa đồng - NQTT).

Súng hỏa thương gồm một ống tre được gắn ở đầu súng hoặc giáo, và một tên lửa, một thành phần đặc biệt mà người An Nam có bí quyết riêng, gắn vào phần trên của ống tre. Súng này liên tiếp bắn ra ba hoặc bốn tên lửa, rất khó dập tắt. Đối với súng hỏa đồng, nó có kích thước lớn và được sử dụng để phun dầu sôi hoặc nước sôi. Tính hài hước của người Pháp không bao giờ mất đi, khi vài người lính thủy quân lục chiến và hải quân làm nhiệm vụ cứu thương đã tự trang bị cho mình loại vũ khí chiến đấu mới này.

Ngày hôm sau, điểm nhấn trong ngày là những thuyền chiến và thành An Hải khạc đạn vào các pháo đài còn đứng vững hôm trước, quân An Nam không phản pháo. Liên quân lao lên tấn công và đột nhập vào trong các ụ pháo, nhưng chúng đã bị bỏ rơi trong đêm sau khi lính An Nam đã di chuyển các khẩu đại bác.

Sau khi phá hủy các ụ súng, các đại đội di chuyển quay trở lại bến cảng Đà Nẵng. Trong cuộc đụng độ hôm qua, chúng tôi có khoảng mười lăm người bị thương, hai người trong số đó bị thương nặng.
Trong thời gian còn lại của tháng 2-1859, người An Nam xây dựng lại các pháo đài đã bị phá hủy trước đó. Rõ ràng là họ không từ bỏ hy vọng đẩy chúng tôi ra khỏi dòng sông Hàn. Người ta phải công nhận ý chí bền bỉ của dân An Nam.

Mặc dù thường xuyên bị chúng ta bắn phá, quân An Nam vẫn xây dựng một pháo đài mới, lần lượt đánh bại các thuyền chiến và thành An Hải. Một chòi canh tương tự như chòi canh của đồn Cẩm Lệ (nguyên văn: Camlé) được dựng lên ở pháo đài mới.

Trên sông, người ta thấy nhiều thuyền chiến và xuồng chở vật liệu quân sự đi lại. Trong một chuyến trinh sát, chúng tôi bắt giữ được hai thuyền mành cất giấu đạn dược và 35 khẩu đại bác cỡ nòng khác nhau.

Ngày 2-3-1859, lúc 1 giờ sáng, một đơn vị lính An Nam bò vào con đường dẫn đến thành An Hải, tại lối vào nhà bếp của sĩ quan và lều ăn của sĩ quan. Theo nguồn tin đáng tin cậy do những ngư dân cung cấp, các sĩ quan ngồi trong lều ăn bị lính Annam phóng hỏa, sau khi sục sạo tất cả mọi thứ trong nhà bếp, kể cả chiếc rương con đựng quân trang của một chuẩn úy hải quân.

Động thái táo bạo này chứng tỏ nhu cầu cần thiết lập một trạm gác đêm ở lối vào con đường kín. Trong đêm 2-3-1859, quân An Nam cũng đốt cháy cột cờ của chòi canh ở thành Điện Hải, nơi liên quân thiết lập một trạm quan sát kể từ ngày nơi đây trở thành một đống đổ nát.

Ngày 6-3-1859, vào 9 giờ 30 tối, liên quân ở thành An Hải bị tấn công. Trên những cao điểm xung quanh thành, quân An Nam bố trí một số lượng lớn các súng cỡ nhỏ, nhiều nhất là súng bằng tre (các loại súng hỏa thương, hỏa hổ - NQTT) để dễ dàng cơ động từ vị trí này sang vị trí khác. Bộ binh của họ ẩn mình trong những lùm bụi rậm rạp.

Thành An Hải, ngoại trừ mặt thành nhìn ra phía bến cảng, đều bị bao quanh bởi một vòng tròn lửa. Pháo binh của chúng ta bắn trả kịch liệt; nhưng người An Nam, để nghi binh, đã đặt trên các ngọn đồi những hình người nộm (nguyên văn: mannequins) bằng rơm được chiếu sáng dưới ánh đèn lồng. Đến 11 giờ khuya, họ lại tiếp tục cuộc tấn công, bao vây siết chặt thành An Hải hơn, vài nơi trong thành bị bốc lửa ngùn ngụt.

Tối ngày hôm sau, lại một cuộc tấn công mới. Liên quân đáp trả bằng những loạt đại bác, rồi mọi thứ trở nên yên lặng. Liên quân cho rằng những cuộc tấn công này nhằm nghi binh để cho phép quân An Nam triển khai hoạt động xây dựng một pháo đài ở bờ trái sông Hàn, mà việc thiết lập sẽ là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với những tiền đồn của chúng ta. Trong hai đêm liền, một vùng ánh sáng rộng đã được quan sát thấy ở hướng này.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN


(Lược dịch và hiệu chỉnh thuật ngữ chuyên môn từ Colonel Henri de Ponchalon, Indo-Chine, souvenirs de voyage et de campagne, 1858-1860, Maison A. Mame et Fils à Tours, Paris, 1896)

;
.
.
.
.
.
.