Nổi tiếng với bãi biển được tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh nhưng những dự án, khu nghỉ dưỡng ven biển liên tục mọc lên, chắn lối xuống biển. Nhiều năm nay, người dân địa phương mong chờ các cấp chính quyền “mở lối” để người dân được thoải mái dạo chơi, hòa mình ở bãi biển xanh mát mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Đà Nẵng. Bởi, bãi biển phải là của cộng đồng, không phải của nhà đầu tư hay khu nghỉ mát nào.
Bài 1: Các khu nghỉ dưỡng bít lối xuống biển
Việc mở rộng không gian bãi biển là cần thiết để người dân và du khách được thụ hưởng, vui chơi và tắm biển. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Điều dễ nhận thấy nhất hiện nay khi đi dọc tuyến đường Võ Nguyên Giáp - Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn) là những dự án du lịch, các khu nghỉ dưỡng mọc lên san sát. Từ bãi tắm Sao Biển đến bãi tắm Sơn Thủy dài khoảng 4-5km nhưng không có lối đi xuống biển dành cho người dân địa phương và du khách lưu trú.
Xuyên suốt quãng đường này là các khu du lịch như Premier Village, Pullman Resort, Furama Resort, Fusion Maia Resort, Olalani Rerort, dự án Hòn ngọc châu Á… án ngữ và được quây kín bằng các bức tường bê-tông hoặc các pa-nô quảng cáo với những dự án đang được thi công...
Muốn xuống biển, phải đi đường vòng
Ông Trần Văn Luân (70 tuổi, trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) bức xúc: “Trước đây, người dân chúng tôi có thể đi xuống biển dễ dàng, nhưng từ khi các dự án được đưa vào khai thác và cả những dự án đang được xây dựng, chưa hoàn thiện, chúng tôi phải đi đường vòng xuống biển.
Mùa hè vừa rồi, chúng tôi muốn đi biển, nếu vòng về bãi tắm Sao Biển thì quá xa mà ngược lên bãi tắm Sơn Thủy thì bãi này lại nhỏ và hẹp. Trong khi các khu nghỉ dưỡng cách đó không xa là những bãi tắm trải dài nhưng không có khách tắm biển”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hương (du khách Hà Nội) bày tỏ, gia đình chị thường vào Đà Nẵng và chọn nghỉ ở một khách sạn quen trên đường Hồ Xuân Hương. Vào mùa hè, nếu muốn tắm biển, bãi gần nhất cách khách sạn khoảng 2km, đi bộ cũng khá xa.
Đi thẳng đường Hồ Xuân Hương thì có thể xuống biển nhưng các khu nghỉ dưỡng hiện choán chỗ, không thể đi ngang qua các khu nghỉ dưỡng để xuống biển. Anh C., quản lý một khách sạn trên đường Hồ Xuân Hương cũng cho rằng, thoạt nhìn thì thấy biển ở rất gần, nhưng phải đi đường vòng mới đến biển.
Những năm gần đây, Đà Nẵng là điểm đến thu hút đông khách quốc tế, đặc biệt là khách Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản)… Chương trình tour thường bao gồm tham quan, chụp ảnh tại một số bãi biển như Mỹ Khê, T20, Sao Biển…
Nhiều khách lưu trú tại các khách sạn ven biển cũng thường ra biển mỗi ngày vào mùa nắng nóng. Anh Cheng-Li (du khách Hàn Quốc, trú tại một khách sạn trên đường Võ Nguyên Giáp) khá ngạc nhiên khi thấy người dân và du khách chỉ tập trung ở những bãi tắm nhỏ hẹp, trong khi cách đó không xa là khoảng dài bãi biển rất ít người tắm.
“Tôi nghĩ chính quyền địa phương nên có nhiều không gian công cộng cho người dân hơn nữa thay vì để người dân chen nhau ở những bãi tắm chật hẹp, còn gần đó là những bãi tắm dài không một bóng người”, anh Cheng-Li nói.
Các khu nghỉ mát ở dọc đường Trường Sa xây dựng, lắp đặt các hàng rào bít lối xuống biển của người dân và du khách. |
Cử tri liên tục kiến nghị
Suốt đoạn đường ven biển, hầu như các khu nghỉ dưỡng đều bịt kín lối, người dân rất khó đi qua được các khu nghỉ dưỡng để đến biển. Được bảo vệ khu nghỉ dưỡng Premier Village Đà Nẵng Resort cho đi ngang qua khu nghỉ dưỡng để xuống biển, qua hết bãi đỗ xe chính, sảnh lễ tân là thấy bãi biển thấp thoáng sau một rặng dừa dày.
Ngoại trừ góc nhỏ ở phía bắc bị biển tiến vào sát rặng dừa, còn bãi biển từ phía trước khu nghỉ dưỡng Premier Village đến Pullman, Furama Resort và quần thể đô thị quốc tế Ariyana là bãi cát cao, rộng từ 100-200m. Bãi cát rộng, biển hiền hòa và gần như không bị ảnh hưởng bởi xâm thực là lý do người dân kiến nghị mở lối xuống biển cuối đường Hồ Xuân Hương để tiếp cận biển hằng ngày.
Mới đây, khi thành phố có chủ trương thu hồi dự án Khu du lịch ven biển của Công ty I.V.C để mở rộng dự án Công viên Văn hóa - lịch sử Ngũ Hành Sơn về phía biển, không ít người dân phường Hòa Hải vui mừng vì danh thắng Ngũ Hành Sơn được trả lại không gian biển.
“Nhiều nhà dân đã giải tỏa để giao đất cho nhà đầu tư làm khu nghỉ mát rồi bít hết lối xuống biển của người dân. Càng bức xúc và xót xa hơn là chủ đầu tư triển khai dang dở dự án rồi bỏ hoang”, ông Lê Văn Trọng, nhà đối diện dự án khu nghỉ dưỡng của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai cho biết.
Đồng quan điểm, kiến trúc sư Tô Hùng, Trưởng ban Đô thị - HĐND thành phố cho hay: “Việc mở rộng không gian khu Công viên Văn hóa - lịch sử Ngũ Hành Sơn về phía biển về mặt quy hoạch kiến trúc là rất lý tưởng ; đồng thời, đáp ứng nguyện vọng của người dân và cử tri quận Ngũ Hành Sơn”.
Nhiều năm qua, cử tri quận Ngũ Hành Sơn liên tục kiến nghị mở các lối xuống biển để người dân và du khách tiếp cận không gian biển. “Chúng tôi cho rằng, không khó để mở lối xuống biển từ cuối đường Hồ Xuân Hương (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) nhưng các cơ quan chức năng cứ trả lời vòng quanh, lại để kéo dài nhiều năm. Hiện trạng sử dụng đất ở khu vực này cho thấy việc mở lối xuống biển ở đây không khó khăn”, ông Võ Văn Đông, một người dân ở đường Hồ Xuân Hương nói.
Còn nhớ, chiều 6-12-2017, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 6, HĐND thành phố khóa IX, đại biểu Thích Thông Đạo chất vấn ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng về việc chậm trễ mở các lối xuống biển trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn nói chung và lối xuống biển cuối đường Hồ Xuân Hương nói riêng.
Ông Vũ Quang Hùng cho biết, trong năm 2018, sẽ bố trí 10 tỷ đồng để mở lối xuống biển tại khu vực giữa khu nghỉ dưỡng Furama và quần thể đô thị quốc tế Ariyana. Riêng lối xuống biển cuối đường Hồ Xuân Hương, trước đây có chủ trương không thu hồi phần đất cuối đường Hồ Xuân Hương để mở lối xuống biển vì đã bố trí lối xuống biển mới tại các vị trí lân cận và việc thu hồi này sẽ ảnh hưởng đến dự án đã triển khai, đưa vào sử dụng của chủ đầu tư.
Tuy nhiên, do cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị mở lối xuống biển ở cuối tuyến Hồ Xuân Hương nên Sở Xây dựng sẽ rà soát, đề xuất phương án phù hợp để lãnh đạo thành phố xem xét trong thời gian đến.
Tại buổi làm việc với UBND quận Ngũ Hành Sơn đầu tháng 1-2018, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa lưu ý quận và các sở, ngành của thành phố quan tâm mở các lối xuống biển, tạo không gian sinh hoạt, giải trí cho người dân ở khu vực này, đặc biệt là quy hoạch xây dựng công viên sát biển, kết nối với dự án Công viên Văn hóa - lịch sử Ngũ Hành Sơn. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: Bãi biển phải là của cộng đồng, không phải của nhà đầu tư hay khu nghỉ mát nào.
Lối xuống biển dọc tuyến đường ven biển quận Ngũ Hành Sơn Lối xuống biển giữa khu nghỉ dưỡng Furama và quần thể đô thị quốc tế Ariyana thuộc đất do thành phố quản lý, được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 5456/QĐ-UBND ngày 2-10-2017 với bề rộng từ 31,5 - 40m. UBND thành phố cũng đã phê duyệt quy hoạch 3 lối xuống biển khác trong ranh giới các dự án khu nghỉ dưỡng ven biển, gồm: lối xuống biển công cộng rộng 17m giữa dự án khu du lịch quốc tế đặc biệt Silver Shores và khu du lịch nghỉ dưỡng của Công ty CP Hòn ngọc Á Châu; lối xuống biển công cộng rộng 10m tại phía bắc dự án khu du lịch biển The Song; lối xuống biển công cộng rộng 4m ở phía nam dự án Future Property Invest. Các lối xuống biển nói trên được UBND thành phố giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị điều hành dự án, triển khai các thủ tục tiếp theo theo đúng quy định. Ngoài các lối xuống biển đã được quy hoạch nói trên, Sở Xây dựng thành phố đã đề nghị UBND thành phố giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư dự án và đơn vị tư vấn lập phương án quy hoạch lối xuống biển cuối đường An Nông, báo cáo UBND thành phố xem xét. Ngoài ra, hiện thành phố đang có chủ trương thu hồi dự án khu du lịch ven biển của Công ty TNHH I.V.C để mở rộng dự án Công viên Văn hóa - lịch sử Ngũ Hành Sơn về phía biển. |
Bài và ảnh: CAO MINH - HOÀNG HIỆP