Mở lối xuống biển - Bài cuối: Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm

.

Những giải pháp được đặt ra để mở lối xuống biển được đề xuất: thu hồi đất và doanh nghiệp (DN) phải thể hiện trách nhiệm cũng như đóng góp nhiều hơn nữa cho địa phương, cộng đồng dân cư sau nhiều năm được thành phố giao đất nhưng bít lối đi, sử dụng bãi biển để phục vụ kinh doanh.

Người dân ở đường Huyền Trân Công Chúa đề nghị thí điểm thực hiện đường chạy dọc bãi biển theo phương châm “Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm” và xây dựng trước ở đoạn qua bãi biển Non Nước.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Người dân ở đường Huyền Trân Công Chúa đề nghị thí điểm thực hiện đường chạy dọc bãi biển theo phương châm “Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm” và xây dựng trước ở đoạn qua bãi biển Non Nước. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Song, vấn đề băn khoăn, lo lắng nhất để hiện thực hóa chủ trương mở các lối xuống biển và tuyến đường ven biển trên là thu hồi đất đã giao cho các DN, trong đó có những vị trí DN đã xây dựng các công trình. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho rằng, các công trình nói trên đều vì lợi ích công cộng, việc thu hồi đất đã giao cho DN (chưa hoặc đã xây dựng công trình) thực hiện theo Điều 62 của Luật Đất đai hiện hành.

Cụ thể, tại khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai quy định chi tiết thu hồi đất để thực hiện các dự án do HĐND cấp tỉnh chấp thuận như: công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, công trình sự nghiệp công cấp địa phương, giao thông, dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư, khu vui chơi giải trí phục vụ công cộng.

Còn tại điểm đ, khoản 4, Điều 9 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Đất đai năm 2013, Sở TN-MT có trách nhiệm tổng hợp danh mục dự án cần thu hồi đất quy định tại khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai để báo cáo UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh thông qua đồng thời với quyết định mức vốn ngân sách Nhà nước cấp cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng tại kỳ họp cuối năm của HĐND cấp tỉnh.

Đại diện Sở TN-MT cũng cho rằng, thu hồi đất đã giao thì thực hiện bồi thường hoặc hoán đổi đất. Điều kiện thu hồi là phải có quy hoạch do Sở Xây dựng đề xuất, được phê duyệt và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, có tên trong danh mục dự án thu hồi đất hằng năm.

Các công trình nói trên đang được bổ sung vào điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã được kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố (khóa IX) diễn ra vào tháng 12-2017 thông qua và đang được hoàn thiện để gửi Bộ TN-MT trình Chính phủ phê duyệt.

“Bộ TN-MT cơ bản đồng ý với dự thảo nên thời gian gửi Bộ TN-MT trình Chính phủ phê duyệt chỉ khoảng 1 tháng. Mặt khác, thành phố cũng đang hoàn thiện các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các công trình nói trên. Vì thế, việc hoàn thành các thủ tục về quy hoạch, thu hồi đất không mất nhiều thời gian”, đại diện Sở TN-MT cho biết.

Để hiện thực hóa chủ trương này, các cán bộ hưu trí ở khu vực Mỹ Đa Đông, phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) cho rằng, đã đến lúc các DN phải thể hiện trách nhiệm và đóng góp nhiều hơn nữa cho địa phương, cộng đồng dân cư sau nhiều năm được thành phố giao đất nhưng bít lối đi, sử dụng bãi biển để phục vụ kinh doanh.

“Trong 20 năm qua, người dân Đà Nẵng đã thể hiện rất tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó có rất nhiều hộ đã hiến đất để mở đường phục vụ cộng đồng và phát triển kinh tế-xã hội. Cũng đã đến lúc các khu du lịch ven biển thể hiện tinh thần này trong việc chung tay cùng thành phố mở các lối xuống biển và tuyến đường ven các bãi biển để phục vụ người dân, du khách và cho cả lợi ích của DN”, ông Hoàng Đình Cảnh, một cán bộ hưu trí nói.

Ông Huỳnh Văn Độ (ở đường Huyền Trân Công Chúa, quận Ngũ Hành Sơn) cũng đồng tình với phương châm nói trên, nhất là đối với chủ trương mở tuyến đường ven các bãi biển; đồng thời, đề xuất thí điểm “Nhà nước và DN cùng làm” và xây dựng trước đoạn qua bãi biển Non Nước bởi vì đoạn này rất cấp bách.

Từ năm 2013 và hiện nay, biển đã tiến sâu vào bờ, nhưng do một số khu du lịch ven biển tiến hành xây dựng kè đá ở quá sát lưỡi triều nên gây thay đổi dòng chảy cũng như mất mỹ quan vì tất cả các bờ kè đã bị sóng đánh vỡ, gạch, đá và bê-tông nằm ngổn ngang trên bãi biển.

“Để xây dựng tuyến đường ven các bãi biển, DN phải cùng làm với Nhà nước vì lợi ích của DN rất lớn khi có tuyến đường này, nhất là đoạn qua bãi biển Non Nước trong bối cảnh biển đang xâm thực sâu vào bờ”, ông Độ nói.

Còn ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng, để tránh bị mất bờ biển như ở Cửa Đại, Hội An (tỉnh Quảng Nam), trước mắt cũng như lâu dài, các DN phải đầu tư xây dựng kiên cố đê, kè biển. Đây cũng là công trình đa mục tiêu, trong đó có tuyến đường nhỏ phía trên đê để phục vụ người dân và du khách đi bộ, đi xe đạp ngắm biển, tập thể dục…

Theo KTS Tô Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố, việc thu hồi đất đã giao cho DN để xây dựng công trình công cộng sẽ không gặp khó khăn lớn. Về nguyên tắc, khi quy hoạch đô thị, thành phố có quyền điều chỉnh quy hoạch.

Căn cứ Luật Đất đai hiện hành, Nhà nước có quyền thu hồi đất của các dự án để thực hiện dự án dành cho cộng đồng phục vụ người dân và du khách. Như vậy về mặt pháp lý là hoàn toàn làm được. Chỉ có vướng mắc là kinh phí để đầu tư xây dựng, nhưng thành phố quyết tâm thì có phương án đầu tư phù hợp.

KTS Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát đô thị Đà Nẵng cho rằng, theo quy hoạch trước đây, các trục đường ngang không bị chặn lại mà để đi thẳng ra biển. Quy hoạch trước đây cũng xác định, cứ cách 200m thì mở đường ngang nối từ trục đường Võ Nguyên Giáp - Trường Sa xuống bãi biển phục vụ người dân và khách du lịch có điều kiện tiếp cận, thưởng thức không gian biển.

Nhưng sau này, các nhà đầu tư khu du lịch ven biển chặn hết các lối đi xuống biển, sai so với quy hoạch. Các khu nghỉ dưỡng không thể lấy lý do an ninh của mình mà ngăn người dân, du khách đi qua khu nghỉ dưỡng để xuống biển, bởi biển là của cộng đồng. Chủ đầu tư phải tôn trọng cộng đồng, phải có trách nhiệm thực hiện đúng quy hoạch.

Nghị quyết về nhiệm vụ năm 2018 của HĐND thành phố Đà Nẵng (Khóa IX) nêu rõ: “Hoàn thành việc mở lối xuống biển khu vực giữa khách sạn Furama và quần thể du lịch Ariyana trong quý III-2018; thống nhất với các nhà đầu tư về thu hồi đất các lối xuống biển còn lại báo cáo Hội đồng Nhân dân thành phố tại kỳ họp giữa năm 2018”.

Lối xuống biển ở giữa dự án Furrama và quần thể đô thị quốc tế Ariyana được quy hoạch rộng từ 31,5 - 40m. “Lối xuống biển này được quy hoạch phía trên tuyến cống, mương thoát nước ra biển thuộc phần đất do thành phố quản lý nên không khó khăn về thu hồi đất”, ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho hay.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.
.