Mở lối xuống biển: Doanh nghiệp cần chung tay với thành phố

.

Sau khi đăng tuyến bài 3 kỳ Mở lối xuống biển (các số báo ra ngày 26, 27 và 29-1), Báo Đà Nẵng nhận được nhiều ý kiến góp ý, đề xuất… về việc mở lối xuống biển và đường đi bộ ven biển.

Bãi biển là của chung, việc giữ gìn bãi biển là rất cần thiết để người dân và du khách cùng được hưởng thụ.              Ảnh: HOÀNG HIỆP
Bãi biển là của chung, việc giữ gìn bãi biển là rất cần thiết để người dân và du khách cùng được hưởng thụ. Ảnh: HOÀNG HIỆP

* Ông Lê Trung Chinh, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Ngũ Hành Sơn:

Quy hoạch và đầu tư bài bản

Quận Ngũ Hành Sơn sở hữu bờ biển dài hơn 12km nhưng các khu nghỉ dưỡng xây dựng chắn lối xuống biển, ảnh hưởng đến việc tiếp cận biển của người dân, du khách và hạn chế phát triển các dịch vụ đi kèm. Từ lâu, nhân dân quận mong muốn thành phố mở nhiều lối xuống biển và một số bãi tắm một cách có quy hoạch và đầu tư bài bản chứ không mở tràn lan, cụ thể là mở đường xuống biển phải rộng và có khu vực dịch vụ kèm theo.

Quận cũng xem chủ trương này của thành phố là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu tiếp cận biển của người dân, nhất là trong một vài năm tới khi có nhiều người dân và sinh viên sinh sống, làm việc và học tập ở khu vực phía nam thành phố.

Quận sẽ vào cuộc quyết liệt, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp (DN) có trách nhiệm phối hợp mở các lối đi để người dân, du khách tiếp cận biển. Trước đây, thành phố đã giải tỏa đền bù đất của dân để giao cho DN, bây giờ DN phải có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện giải tỏa đền bù nhanh chóng một phần diện tích đất để xây dựng đường xuống biển và dọc biển.

Quận đã trao đổi với lãnh đạo Khu du lịch Sao Việt Non Nước (Melia), chủ đầu tư cũng khẳng định sẵn sàng phối hợp với thành phố đầu tư xây dựng tuyến đường ven bãi biển.

Nhân dân quận Ngũ Hành Sơn rất phấn khởi khi thành phố có chủ trương mở các lối xuống biển và đường dọc biển; mong muốn chủ trương này được thực hiện nhanh chóng, quyết liệt bởi người dân đã chờ quá lâu.

* Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng:

Làm đường đi bộ rất phù hợp

Việc mở lối xuống biển là tất yếu vì bãi biển là của chung và cần có sự giao thoa giữa người dân và du khách. Tuy nhiên, phải tính toán sao cho phù hợp nhất bởi một bên là quyền lợi của người dân, một bên là của các DN. Cần xem xét, khảo sát kỹ lưỡng khi mở các lối đi xuống biển để không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của khu nghỉ dưỡng cũng như khách nghỉ tại đây, nhất là du khách lưu trú ở những khu nghỉ dưỡng đông khách quốc tế thường thích sự riêng tư và vấn đề an toàn, an ninh phải được đặt lên hàng đầu.

Riêng ý tưởng làm đường đi bộ cho người dân và du khách rất phù hợp. Tuy nhiên, không nên làm kiểu bê-tông hóa mà nên trồng một vệt dừa tự nhiên, phân định lối đi bộ bằng thảm cỏ, người dân và du khách có thể đi lại bình thường nhưng vẫn giữ được nét tự nhiên của bãi biển. Lối đi bộ này chỉ nên dùng để đi bộ.

* Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng:

Doanh nghiệp có thể cùng đầu tư khai thác

Theo tôi, nên lấy ý kiến rộng rãi của người dân, nhà đầu tư, khách du lịch và các nhà bảo vệ môi trường về việc mở các con đường xuống biển cũng như các con đường đi bộ. Ở góc độ cá nhân, tôi thấy biển Đà Nẵng quá đẹp, đặc biệt là bãi cát, vì vậy không nên có thêm bê-tông trên cát.

Các nước khác thông thường chỉ làm đường đi bộ và đạp xe ven biển trong trường hợp không có bãi cát hoặc bãi cát ngắn, dốc. Biển Đà Nẵng hoàn toàn có thể để tự nhiên vẫn đáp ứng được nhu cầu đi bộ và đi xe đạp, chỉ cần mở thêm đường xuống biển giữa các khu nghỉ dưỡng là đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách. Bên cạnh đó, cũng nên nghiên cứu xã hội hóa những điểm dịch vụ dọc bãi biển phù hợp với nhu cầu của du khách.

Để mở lối ngay trước các khu nghỉ dưỡng, cần có sự đồng thuận của các nhà đầu tư về việc lấy đất làm lối đi xuống biển. Có thể cho DN cùng đầu tư khai thác hoặc đền bù phần tài sản đã đầu tư trên đất. Nên có quy hoạch dịch vụ dọc bãi biển, kết hợp với dịch vụ đang có trong các khách sạn, khu nghỉ dưỡng để tạo thành chuỗi dịch vụ sinh động phục vụ người dân và du khách.

* Ông Mai Thanh Đông, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Ngũ Hành Sơn:

Doanh nghiệp cần ủng hộ

Trong thời gian qua, chúng tôi rất bức xúc khi một số khu nghỉ dưỡng ở bãi biển Non Nước xây dựng bờ kè lấn ra ngoài bãi biển. Vì thế, nhân dân rất phấn khởi khi thành phố có chủ trương mở các lối xuống biển, tuyến đường ven các bãi biển và thu hồi dự án khu du lịch ven biển để mở rộng dự án Công viên Văn hóa - Lịch sử Ngũ Hành Sơn về phía biển. Các công trình nói trên đáp ứng nhu cầu tiếp cận biển của người dân, du khách và sẽ hạn chế được tình trạng xây dựng trái phép, sai phép, lấn ra bãi biển của các khu nghỉ dưỡng.

Về phương án đầu tư xây dựng, theo chúng tôi, DN phải chung tay thực hiện cùng Nhà nước. Biển và từng tấc đất để phát triển kinh tế không của riêng gì DN, nên phải ủng hộ, chung tay cùng thành phố đầu tư xây dựng công trình phục vụ lợi ích công cộng.

* Ông Đỗ Thanh Nguyên (đường Huyền Trân Công Chúa, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn):

Cần đầu tư sớm

Trước đây, người dân ở khu vực Non Nước đi tắm biển ở bãi tắm trước danh thắng Ngũ Hành Sơn nhưng hiện đã bị dự án khu du lịch ven biển chậm triển khai rào kín, nên phải đi về bãi tắm Non Nước chật hẹp. Tuy nhiên, bãi tắm này thu hút rất đông người dân đến đi bộ, tập thể dục dọc bãi biển cả 4 mùa và tắm biển vào mùa hè.

Sắp tới, khi nhiều người dân đến các khu đô thị ở phía nam để sinh sống và sinh viên về học tập, bãi tắm chật hẹp này sẽ bát nháo. Vì thế, người dân rất đồng tình khi thành phố chủ trương mở thêm các lối xuống biển và đường dọc biển, nhưng cần đầu tư xây dựng sớm để đáp ứng nhu cầu của người dân.

CAO MINH - HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.
.