NGHỊ QUYẾT

Về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm,  công tác của Viện Kiểm sát Nhân dân, của Tòa án Nhân dân và công tác thi hành án tại thành phố Đà Nẵng năm 2018 và các năm tiếp theo

(Trích Nghị quyết số 138/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa IX ngày 7 tháng 12 năm 2017)

Điều 1. Trong thời gian qua, các ngành chức năng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã tích cực triển khai đồng bộ các chương trình, kế hoạch công tác, đặc biệt triển khai Đề án thực hiện Chương trình “thành phố 4 an” với các chuyên đề cụ thể, tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự của địa phương.

Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số mặt, đặc biệt là tệ nạn và tội phạm ma túy, tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp, vi phạm pháp luật về giao thông còn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng. Công tác phối hợp giải quyết vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử có lúc còn chưa chặt chẽ. Một số mặt trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng và công tác thi hành án dân sự còn hạn chế. Việc hỗ trợ kinh phí của Ủy ban nhân dân thành phố đối với hoạt động các cơ quan tư pháp còn vướng mắc, bất cập.

Điều 2. Hội đồng nhân dân thành phố tán thành các nhiệm vụ, giải pháp mà Ủy ban nhân dân thành phố, các ngành Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Cục Thi hành án dân sự thành phố đã đề ra, đồng thời yêu cầu tập trung thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sau:

1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả đối với công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án; triển khai thực hiện đúng, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động các cơ quan tư pháp. Đề cao vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện của cấp dưới hoặc địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của các cơ quan tư pháp.  

2. Đối với Ủy ban nhân dân thành phố:

Tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý địa bàn, đối tượng; các chuyên đề về đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Đề án thực hiện Chương trình “thành phố 4 an” theo Quyết định số 2526-QĐ/TU ngày 30 tháng 11 năm 2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng. Bảo đảm 100% người nghiện ma túy tại cộng đồng có hồ sơ theo dõi, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh có điều kiện vi phạm điều kiện an ninh trật tự; bảo đảm hằng năm giảm tai nạn giao thông từ 5-10% trên cả 3 tiêu chí.    

Chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm; trong đó, tập trung phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm về ma túy, tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp; các loại tội phạm có tính chất băng nhóm, tội phạm có sử dụng vũ khí, tội phạm do người chưa thành niên thực hiện; tạo chuyển biến rõ rệt về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

 Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan tăng cường phối hợp với cơ quan tòa án bảo đảm việc xét xử các vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật.

3. Đối với Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Cục Thi hành án dân sự thành phố:
Tăng cường công tác xây dựng ngành, trong đó chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, công tác kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong nội bộ ngành, không để lạm dụng, lợi dụng quyền hạn; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng quy định của pháp luật; kịp thời khắc phục những tồn tại hạn chế về nghiệp vụ, hằng năm bảo đảm hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu do Quốc hội và ngành cấp trên giao.

Công an thành phố chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp bảo đảm tỷ lệ xử lý tố giác, tin báo về tội phạm hằng năm đạt trên 90%, bảo đảm các vụ việc vi phạm pháp luật, phạm tội đều được phát hiện xử lý theo đúng quy định pháp luật, chống bỏ lọt tội phạm, hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế cũng như hành chính hóa quan hệ hình sự. Nâng cao tỷ lệ, chất lượng điều tra, khám phá các vụ án, hằng năm đạt trên 75% đối với các loại án, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 95%; tất cả các vụ án tạm đình chỉ và đình chỉ điều tra đều có căn cứ và đúng quy định pháp luật; giảm và tiến tới không còn số người bị tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính do hành vi không cấu thành tội phạm; chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về bắt, tạm giữ, tạm giam và công tác thi hành án hình sự.

Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố chủ trì tổ chức thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan Công an, Kiểm sát, Tòa án, Thi hành án dân sự, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh, nhất là trong xử lý các vụ án về ma túy, giết người, cố ý gây thương tích, bảo đảm hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kịp thời, đúng pháp luật, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tòa án Nhân dân thành phố có giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, thực hiện tốt việc bảo đảm tranh tụng trong xét xử theo quy định. Hằng năm, Tòa án Nhân dân hai cấp thành phố nâng tỷ lệ hoạt động xét xử lưu động, hòa giải thành các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; nâng cao chất lượng ban hành bản án, quyết định, không để có bản án, quyết định không thi hành được; giải thích, đính chính kịp thời bản án, quyết định khi có yêu cầu; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc có liên quan đến doanh nghiệp, tranh chấp có liên quan đến các tổ chức tín dụng nhằm góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố; xử lý nợ xấu đối với các tổ chức tín dụng.

Cục thi hành án dân sự thành phố chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố tăng cường công tác chỉ đạo đối với các thành viên và Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự các quận, huyện thực hiện tốt công tác phối hợp, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh, bảo đảm thi hành nghiêm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án, nhất là các vụ, việc liên quan đến tham nhũng và thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng.

4. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp, giữa các cơ quan tư pháp với Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện tốt Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 20 tháng 8 năm 2014 của Ban Thường vụ Thành ủy “về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố”. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác cải cách tư pháp, các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa tái phạm.

5. Hằng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của thành phố theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2018.

Chủ tọa kỳ họp

Phó Chủ tịch Nguyễn Nho Trung

;
.
.
.
.
.
.