Những người "vác tù và hàng tổng"

.

Chỉ với khoản thù lao ít ỏi, 1.843 cộng tác viên dân số-sức khỏe cộng đồng (CTV DS-SKCĐ) trên toàn địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn nhiệt tình góp sức lan tỏa kiến thức về nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe sinh sản đến từng tổ ấm...

Cộng tác viên dân số - sức khỏe cộng đồng tuyên truyền vận động sử dụng các biện pháp tránh thai.
Cộng tác viên dân số - sức khỏe cộng đồng tuyên truyền vận động sử dụng các biện pháp tránh thai.

Chị Phạm Thị Hạnh đã có 14 năm làm CTV DS-SKCĐ ở phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn. Hình ảnh người phụ nữ gần 50 tuổi vẫn miệt mài đến từng hộ có “nguy cơ cao” ở khu dân cư Bình Kỳ để tuyên truyền, vận động chính sách dân số đã trở nên quen thuộc. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hòa Quý, chứng kiến cảnh các gia đình sinh đông con, đói nghèo, cuộc sống vất vả, khó khăn đã thôi thúc chị đến với công tác dân số. Thời gian đầu chị làm CTV DS-SKCĐ là từ năm 2004, lúc đó công tác tuyên truyền, vận động gặp rất nhiều khó khăn, khoảng cách nhà ở của các hộ trong tổ cũng khá xa nhau. “Chúng tôi làm công tác tuyên truyền, vận động không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhiều người viện đủ lý do là chưa có con trai “nối dõi tông đường” nên không thể kế hoạch. Nhiều người cho rằng sinh thêm con cũng không tốn thêm bao nhiêu gạo. Thậm chí có người nói thẳng: “Tôi sinh tôi nuôi chứ phải bà nuôi đâu”...”, chị Hạnh tâm sự. Thấu hiểu tâm tư, tình cảm của các chị em nên chị Hạnh càng kiên trì đến nhà để thuyết phục, bất kể mưa nắng, đêm hôm... “Mưa dầm, thấm lâu”, nhiều cặp vợ chồng đã đồng ý thực hiện biện pháp tránh thai, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, đưa con đi tiêm chủng...

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hà ở phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) thì ngoài nhiệm vụ CTV DS-SKCĐ thuộc tổ 12, 13, chị còn đảm nhiệm vai trò tổ trưởng dân phố, công tác Mặt trận, công tác Hội Phụ nữ của phường. Đến nay, chị Hà có thâm niên 10 năm gắn với nhiệm vụ DS-SKCĐ. Chị hào hứng hẳn lên khi đề cập các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số đang được triển khai tại thành phố trong những năm trở lại đây. Chị tâm sự: “Trước đây đâu có ai nói với mình phải làm thế này, phải làm thế kia để con cái được khỏe mạnh đâu. Bây giờ y học phát triển, cùng với trải nghiệm thực tế, lại được đứng trong ngành dân số, hằng ngày đi nói chuyện, tư vấn với chị em để mọi người có kiến thức xây dựng mái ấm trọn vẹn, con cái mạnh khỏe, lành lặn khiến tôi thấy hạnh phúc lắm khi đang được làm một việc có ý nghĩa. Tôi đảm đương nhiều vai, nhưng có lẽ vai CTV DS-SKCĐ “ngấm vô máu” nhiều nhất nên đi đâu, gặp ai cũng nhắc đến chuyện dân số. Ngày trước thì nhỏ to chuyện giảm sinh, ngày nay thì gặp ai cũng to nhỏ chuyện khám tiền hôn nhân, siêu âm sàng lọc hay lấy máu gót chân, chăm sóc các cụ người cao tuổi đi khám định kỳ”.

CTV DS-SKCĐ là những người giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động truyền thông, vận động, chủ yếu làm ngoài giờ, nhất là vào buổi tối, khi người dân có ở nhà. Họ được xem là lực lượng “nằm vùng”, sát với dân nhất nên có điều kiện để kiên trì tuyên truyền, vận động người dân từ chỗ chưa hiểu biết đến hiểu biết, từ đó có thái độ tích cực và chuyển đổi hành vi có lợi để bảo vệ sức khỏe. CTV DS-SKCĐ thực sự là những “cánh tay nối dài” của người làm công tác dân số thành phố Đà Nẵng...

Bài và ảnh: MINH PHÚC

;
.
.
.
.
.
.